Tiểu són ở phụ nữ nói chung và bị són tiểu sau khi quan hệ nói riêng khiến phụ nữ cảm thấy xấu hổ và gặp một số hạn chế trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, tiểu són ở phụ nữ có thể điều trị được.
1. Tiểu són ở phụ nữ là gì?
Tiểu són ở phụ nữ là tình trạng nước tiểu rỉ ra ngoài không theo ý muốn, tiểu không tự chủ khi hoạt động mạnh, gắng sức như mang, xách đồ nặng, ho, thậm chí là cả khi quan hệ tình dục...
Tiểu són ở phụ nữ có hai dạng cần phân biệt, đó là:
- Són tiểu áp lực: Việc tiểu tiện nằm ngoài ý muốn, nhất là mỗi khi có sự gia tăng áp lực trong ổ bụng lên bàng quang như ho, hắt hơi, cười, vận động mạnh, quan hệ tình dục... khiến nước tiểu chảy ra ngoài. Tình trạng són tiểu không tự chủ do áp lực thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới;
- Tiểu rắt: Việc tiểu tiện có kiểm soát, vẫn buồn tiểu, tuy nhiên đi tiểu nhiều lần và thường là do viêm nhiễm gây ra.
2. Nguyên nhân bị són tiểu sau khi quan hệ
Tiểu són ở phụ nữ nói chung và són tiểu sau khi quan hệ nói riêng đa phần là són tiểu áp lực, chủ yếu xảy ra khi các cơ và các mô hỗ trợ bàng quang, các cơ đóng vai trò điều chỉnh việc giải phóng nước tiểu trong cơ thể bị suy yếu.
Khi bàng quang đầy nước tiểu và căng lớn, các cơ trong niệu đạo giống như van điều chỉnh làm nhiệm vụ dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể sẽ đóng lại để ngăn ngừa tình trạng nước tiểu rò rỉ ra ngoài cho đến khi đi tiểu. Tuy nhiên, khi các cơ này yếu đi, nếu cơ trên bụng và cơ chậu bị áp lực do các hoạt động như ho, hắt hơi, nâng vật nặng, vận động mạnh, cười lớn,... thì có thể tạo áp lực lên bàng quang và gây tiểu són ở phụ nữ.
Ở phụ nữ, nguyên nhân khiến các cơ sàn chậu và cơ vòng niệu yếu đi là do:
- Sang chấn trong quá trình mang thai và sinh con: Khi phụ nữ mang thai và sinh con, toàn bộ cơ sàn chậu co giãn mạnh để thai nhi có thể ra ngoài. Sau khi sinh, các hoạt động mạnh sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng, ảnh hưởng đến trương lực cơ sàn chậu, làm các cơ này yếu đi và không đủ khả năng nâng đỡ các tạng trong ổ bụng, dẫn đến chứng tiểu són ở phụ nữ khi gắng sức;
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi, sự suy yếu các cơ do quá trình lão hóa khiến phụ nữ dễ bị són tiểu áp lực hơn, nhất là sau khi đã trải qua quá trình mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, són tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, khi tuổi càng cao thì nồng độ hormone, đặc biệt là estrogen càng giảm. Trong cơ thể, hormone estrogen có tác dụng làm tăng sinh niêm mạc niệu đạo và tạo sức căng bề mặt niệu đạo. Càng lớn tuổi, nồng độ estrogen giảm đi, nhất là giai đoạn tiền mãn kinh khiến lớp niêm mạc teo dần, mất sức căng mặt ngoài và áp lực trong niệu đạo thấp, dễ gây tiểu són ở phụ nữ.
Tình trạng són tiểu áp lực từ khi các cơ suy yếu có thể xảy ra ngay sau khi sinh hoặc sau vài năm. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng són tiểu áp lực như:
- Trọng lượng cơ thể: Những phụ nữ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ bị són tiểu áp lực cao hơn do trọng lượng dư thừa của cơ thể làm tăng áp lực lên các cơ quan vùng chậu;
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Có thể khiến chức năng và sự hỗ trợ của bàng quang, niệu đạo, dễ gây tiểu són ở phụ nữ;
- Thường xuyên bị ho hoặc hắt hơi: Do mắc các bệnh gây ho hoặc hút thuốc lá.
3. Biến chứng của tiểu són ở phụ nữ
- Kém tự tin: Tiểu són ở phụ nữ nói chung và bị són tiểu sau khi quan hệ nói riêng khiến phụ nữ cảm thấy xấu hổ và kém tự tin. Nó có thể ảnh hưởng ít nhiều đến công việc, các hoạt động giao tiếp hàng ngày, các mối quan hệ xã hội và thậm chí cả đời sống vợ chồng;
- Kích ứng hoặc viêm da: Bị són tiểu khiến vùng âm đạo thường xuyên bị ẩm ướt, dễ dẫn đến viêm nhiễm và kích ứng.
4. Điều trị tiểu són ở phụ nữ
Với trường hợp bị són tiểu nhẹ,có thể được điều trị bằng thuốc và các bài tập phục hồi chức năng. Bệnh nặng thì có thể cần sự can thiệp phẫu thuật để cải thiện tình chứng tiểu không tự chủ và nâng đỡ cơ vùng âm đạo săn chắc.
- Tập Kegel: Hay còn gọi là các bài tập cơ sàn chậu, đây là những động tác làm tăng cơ bắp sàn chậu và cơ vòng niệu. Tập luyện thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả điều trị tiểu són ở phụ nữ cao hơn;
- Xây dựng thói quen uống đủ nước: Nên uống nhiều và đủ nước vào ban ngày và hạn chế vào ban đêm. Tránh các đồ uống có chứa caffeine và cồn vì đây là những chất kích thích ảnh hưởng đến chức năng bàng quang;
- Nếu bị ho mãn tính thì việc điều trị bệnh sẽ làm giảm nguy cơ gây tiểu són ở phụ nữ;
- Sử dụng thuốc có thể làm giảm tiểu són, tuy nhiên các triệu chứng nhanh chóng trở lại khi ngừng thuốc;
- Phẫu thuật: Can thiệp phẫu thuật để điều trị són tiểu áp lực nhằm cải thiện tình trạng điều chỉnh của cơ vòng hoặc hỗ trợ cổ bàng quang. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm tiêm thuốc tăng áp vào các mô xung quanh phần trên của niệu đạo để cải thiện khả năng đóng của cơ vòng.
Ngoài ra, để phòng ngừa són tiểu, nhất là sau khi sinh nở, các bác sĩ đưa ra lời khuyên là chị em phụ nữ nên thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tránh sinh đẻ nhiều lần làm yếu tầng sinh môn; xây dựng lối sống lành mạnh và tích cực, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để kiểm soát cân nặng, kéo dài tuổi thanh xuân, đẩy lùi thời gian mãn kinh.
Nếu bị són tiểu sau khi quan hệ, người bệnh cần đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và tư vấn cách thức điều trị thích hợp, chia sẻ với bạn đời để được cảm thông và hỗ trợ trong quá trình chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.