Phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con

Theo thống kê thì cứ khoảng 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV thì sẽ có 30 đứa trẻ sinh ra cũng bị lây truyền HIV từ mẹ. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm đi đáng kể nếu biết cách điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

HIV là căn bệnh thế kỷ, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra loại thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Đối với thai phụ nhiễm HIV thì điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Điều này tuy rất khó nhưng không phải là không có khả năng.

1. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con không?

Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất lớn, con đường lây truyền có thể từ lúc thai nhi còn trong bụng, trong lúc sinh nở hay quá trình mẹ cho con bú. Nếu thai phụ là người nhiễm HIV thì có thể điều trị với sự kết hợp của các loại thuốc chống HIV, giúp cải thiện sức khỏe của bản thân và làm tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trước, trong hoặc sau khi sinh, thời gian điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao.

2. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng cách nào?

Nếu kết quả xét nghiệm HIV của thai phụ là dương tính thì bác sĩ sẽ khuyên thai phụ thực hiện một số điều để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đó là:

2.1 Cần phải điều trị bằng thuốc đầy đủ

Nếu phát hiện nhiễm HIV trước khi mang thai thì việc sử dụng thuốc điều trị virus HIV đúng cách sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang con và tỷ lệ lây nhiễm chỉ còn ít hơn 1%.

Trường hợp trước khi mang thai mà thai phụ chưa được điều trị HIV thì hãy trao đổi với bác sĩ về chuyện này để có hướng giải quyết thích hợp. Nếu trong thời kỳ mang thai mà phát hiện dương tính với HIV thì hãy bắt đầu điều trị ngay lập tức và phải dùng thuốc đều đặn mỗi ngày.

Sau khi sinh thì đứa trẻ cũng cần được điều trị trong vòng 4−6 tuần để giúp ngăn ngừa nhiễm HIV hiệu quả hơn.

2.2 Sử dụng biện pháp bảo vệ bé trong khi sinh


Sử dụng biện pháp bảo vệ bé trong khi sinh
Sử dụng biện pháp bảo vệ bé trong khi sinh

Nếu như quá trình điều trị HIV hiệu quả và giảm được lượng virus HIV trong cơ thể của người mẹ thì bác sĩ có thể lên kế hoạch để mẹ có một ca sinh nở bình thường (lúc này nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ vô cùng nhỏ).

Tuy nhiên, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng virus trong cơ thể của người mẹ còn cao thì có thể sinh mổ sẽ là biện pháp an toàn để tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Thủ thuật này sẽ giúp làm giảm nguy cơ truyền HIV sang con cao hơn là sinh thường.

2.3 Sử dụng biện pháp bảo vệ em bé khi cho bú

Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh trong nguồn sữa của người mẹ bị nhiễm HIV cũng có chứa virus HIV, chính vì thế bé cũng có khả năng bị lây nhiễm HIV từ mẹ trong giai đoạn bú mớm. Tuy nhiên, nếu mẹ tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn về việc cho con bú an toàn hoặc có điều kiện để mua sữa công thức cho trẻ bú thì sẽ tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con hiệu quả, đây cũng là một trong những biện pháp dự phòng được đặt ra trong trường hợp mẹ bị nhiễm HIV.

Trường hợp mẹ không đủ điều kiện để nuôi con bằng sữa công thức thì vẫn có thể cho bé bú mẹ nhưng phải tuân thủ điều trị đầy đủ và cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất là 6 tháng đầu đời, tuyệt đối không cho bé ăn bất kỳ loại thức ăn nào khác cùng với sữa mẹ trong thời gian này. Đồng thời bé cũng phải điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Nếu thai phụ dương tính với virus HIV được điều trị đúng phác đồ trong thời kỳ mang thai và lúc chuyển dạ và đứa trẻ sinh ra được dùng thuốc điều trị virus HIV trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh thì sẽ tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đến mức thấp nhất.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể giúp tăng hiệu quả của các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm:

  • Làm xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm virus HIV trước hoặc trong thời gian mang thai càng sớm càng tốt;
  • Khi bị nhiễm HIV thì cần chủ động trao đổi với bác sĩ và chọn phương pháp mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.

3. Làm thế nào để biết trẻ có nhiễm HIV không?

Nếu đã áp dụng tuyệt đối các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mà vẫn muốn có kết quả chắc chắn xem trẻ có bị nhiễm HIV hay không thì có thể tiến hành các xét nghiệm cho bé ngay sau khi sinh và trong khoảng 4 đến 6 tuần sau đó.

Trường hợp kết quả xét nghiệm là âm tính thì vẫn cần phải tiến hành xét nghiệm lại cho trẻ sau 18 tháng và sau khi kết thúc giai đoạn cho bú để kiểm tra xem trẻ có bị lây truyền trong thời gian cho bú hay không. Nếu kết quả là dương tính thì trẻ cần phải được điều trị ngay lập tức.

Không có điều gì là không thể xảy ra, mẹ bị nhiễm HIV cũng có thể sinh ra một đứa con hoàn toàn khỏe mạnh nếu như tuân thủ mọi biện pháp nhằm tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV khi nào?

Để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi và có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn thì thai phụ nên tiến hành xét nghiệm sàng lọc HIV trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai. Xét nghiệm và chẩn đoán sớm sẽ giúp có được phác đồ điều trị kịp thời và giảm mức độ nặng của bệnh cũng như dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả hơn.


Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV chẩn đoán dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV chẩn đoán dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Gói khám Sàng lọc các bệnh xã hội tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thực hiện xét nghiệm HIV Ab test nhanh, giúp phát hiện chính xác virus HIV, đặc biệt cần thiết cho bà mẹ mang thai để sớm có biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tổng hợp: Cục Phòng, Chống HIV/AIDS - Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe