Lý do khiến bệnh tay chân miệng có thể mắc lại nhiều lần

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh tay chân miệng hiện nay không còn xa lạ, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng cách, bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần.

1. Vì sao bệnh tay chân miệng có thể mắc lại nhiều lần?

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch nhầy ở mũi họng, dịch từ bọng nước hay phân của người bệnh, sử dụng đồ dùng cá nhân chung với người bị tay chân miệng. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát kịp thời, nguy cơ rất lớn bệnh bùng phát thành dịch. Bệnh có nguy cơ lây lan mạnh nhất ở giai đoạn 7 ngày đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, tuy nhiên giai đoạn lây nhiễm còn kéo dài vài tuần, nguyên nhân là do virus gây bệnh còn lưu trú ở phân người bệnh.

Bệnh tay chân miệng xuất phát từ việc cơ thể nhiễm virus đường ruột. Trong trường hợp cơ thể nhiễm virus coxsackie A16 gây bệnh tay chân miệng, thông thường bệnh ở thể nhẹ, hầu như không xuất hiện triệu chứng và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu cơ thể mắc bệnh tay chân miệng do nhiễm virus enterovirus 71 (EV71), trường hợp này bệnh ở thể nặng, xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Mỗi lần nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, do đó thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm enterovirus. Vì vậy, trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng hoàn toàn có nguy cơ tái nhiễm.

Hầu hết các trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên cũng cần cẩn trọng với số ít trường hợp bệnh ở thể nặng kèm theo nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm màng não cấp, phù phổi cấp, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.


Mụn nước là dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ
Mụn nước là dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ

2. Tất cả những người tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh

Tỷ lệ lây truyền virus đường ruột cho người khỏe mạnh là 17%, ở người thân và người tiếp xúc trực tiếp với trẻ mắc bệnh là 23%. Kết luận này chứng tỏ tất cả những người có cơ hội tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh và thậm chí có khả năng lây bệnh cho người khác.

Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh tại Việt Nam. Vì vậy, phụ huynh và gia đình cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cụ thể:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách, đặc biệt trước khi nấu ăn; trước khi ăn hay cho trẻ ăn; trước khi ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh cũng như khi thay tã và vệ sinh cho trẻ.
  • Tuân thủ vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; khử trùng sạch sẽ đồ dùng trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, tránh tuyệt đối việc nhai mớm thức ăn cho trẻ, không để trẻ mút tay, ăn bốc hay ngậm đồ chơi; không sử dụng chung khăn hay đồ dùng cá nhân khi chưa khử trùng.
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, các khu vực hay đồ dùng trẻ tiếp xúc hằng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, mặt bàn ghế, sàn nhà.... bằng chất tẩy rửa hay xà phòng, tiếp đến tẩy trùng bằng thuốc tẩy có chứa thành phần chlorine pha loãng.
  • Tránh tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc đang trong diện nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.
  • Nhà tiêu, chất thải của người bệnh cần được xử lý theo đúng quy định về vệ sinh phòng chống bệnh.
  • Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.

Đối với phụ nữ mang thai, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa khả năng lây nhiễm bệnh tay chân miệng. Trong trường hợp mắc bệnh khi mang thai, sản phụ có nguy cơ truyền virus sang cho thai nhi, dẫn đến hậu quả trẻ sinh ra nhiễm virus đường ruột ở thể nhẹ, vì vậy cần phải hết sức lưu ý.

Để bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây ảnh hưởng tới sức khoẻ, bạn cần theo dõi và đưa trẻ đi thăm khám khi có biểu hiện bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe