Có nhiều loại thuốc giúp trì hoãn thời gian có kinh để chị em có thể thuận lợi tham gia những sự kiện quan trọng. Sau đây là thông tin cơ bản về các loại thuốc trì hoãn kinh nguyệt phổ biến hiện nay và lưu ý khi sử dụng.
1. Thuốc trì hoãn kinh nguyệt là gì?
Thuốc trì hoãn kinh nguyệt (còn được gọi là thuốc hãm kinh, thuốc kìm kinh nguyệt) là loại thuốc có chứa hormone progesterone. Thuốc thường được dùng vào khoảng 3 - 4 ngày trước ngày dự kiến có kinh.
Cơ chế hoạt động của thuốc như sau: Hormone estrogen được sản sinh trong nửa đầu chu kỳ kinh nguyệt sẽ kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung. Còn hormone progesterone được sản sinh ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt thì hỗ trợ sự phát triển của niêm mạc tử cung. Khi giảm progesterone, niêm mạc tử cung sẽ bong ra, dẫn tới kinh nguyệt. Tuy nhiên, khi bạn sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt có chứa hormone progesterone thì progesterone từ bên ngoài sẽ không cho phép niêm mạc tử cung bong ra, giúp hoãn lại chu kỳ kinh nguyệt.
2. Các loại thuốc trì hoãn kinh nguyệt thường được sử dụng
Có nhiều loại thuốc kìm kinh nguyệt có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, thuốc chứa progesterone được sử dụng phổ biến hơn cả, vì chúng có hiệu quả và độ an toàn cao hơn so với các thuốc khác. Các thuốc hãm kinh phổ biến khác là: Thuốc tránh thai (không phải loại thường được sử dụng trong thông thường) và norethisterone (một loại thuốc chứa progesterone).
2.1 Thuốc norethindrone (norethisterone)
Norethindrone (norethisterone) là loại thuốc được sử dụng với mục đích ngừa thai và làm chậm kinh nguyệt. Thuốc trì hoãn kinh nguyệt này có chứa hormone progesterone, giúp ngăn niêm mạc tử cung bong ra, làm cho ngày đèn đỏ bị trì hoãn lại như mong muốn.
Với loại thuốc này, người dùng có thể uống trong khoảng 3 - 4 ngày trước kỳ hành kinh dự kiến. Khi ngừng dùng thuốc, kỳ kinh thường sẽ bắt đầu trong 2 - 3 ngày sau đó.
Một lưu ý với cách trì hoãn kinh nguyệt này là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được liều dùng phù hợp. Bên cạnh đó, khi làm chậm kinh theo cách này, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Nhức đầu, buồn nôn, căng tức ngực và rối loạn tâm trạng.
2.2 Thuốc tránh thai hằng ngày
Nếu bạn đang sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày thì việc trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt khá đơn giản. Nếu dùng thuốc tránh thai loại 28 viên, để làm chậm kinh thì bạn chỉ cần uống 21 viên theo chiều mũi tên hướng dẫn trên vỉ thuốc và bỏ đi 7 viên có màu sắc khác những viên còn lại, tiếp tục uống vỉ tiếp theo. Trường hợp bạn dùng thuốc tránh thai loại 21 viên thì không cần nghỉ 7 ngày, tiếp tục dùng ngay vỉ tiếp theo.
Với những bạn chưa dùng thuốc tránh thai hằng ngày thì có thể dùng loại thuốc 21 viên, bắt đầu uống liên tục 1 viên/ngày vào một khung giờ nhất định từ ngày có kinh đầu tiên và dùng kéo dài trong 3 tuần. Sau đó, bạn tiếp tục uống thêm 1 tuần nữa thì có thể trì hoãn kinh nguyệt như ý muốn. Sau khi ngưng thuốc, kinh nguyệt sẽ xảy ra sau đó vài ngày. Đây là loại thuốc kìm kinh nguyệt được nhiều chị em sử dụng nhất.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt
Một số lưu ý bạn cần nhớ khi dùng thuốc hãm kinh:
- Nên hỏi ý kiến bác sĩ sản phụ khoa trước khi dùng thuốc. Dựa trên cân nặng, chu kỳ kinh nguyệt và những vấn đề sức khỏe của bạn, bác sĩ sẽ kê cho bạn liều thuốc và thời gian dùng thuốc phù hợp;
- Khi ngừng dùng thuốc, kinh nguyệt có thể xuất hiện ngay lập tức (sau vài giờ) hoặc có thể cần tới 10 - 15 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn không thấy có kinh sau 15 ngày ngưng dùng thuốc thì nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác gây hiện tượng chậm kinh;
- Việc sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt không có hại nhưng bạn không nên biến việc này trở thành thói quen thường xuyên bởi các thuốc này ức chế chu kỳ hormone tự nhiên của cơ thể. Bạn chỉ nên dùng thuốc trong trường hợp bất đắc dĩ, nên trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, dùng các thuốc này cũng có thể dẫn tới những cơn đau nghiêm trọng;
- Thuốc trì hoãn kinh không ảnh hưởng tới sự rụng trứng nên không có tác dụng ngăn ngừa mang thai;
- Thuốc hoãn kinh chứa progesterone, có một số tác dụng phụ giống với tình trạng thừa progesterone như: Trướng bụng, mụn trứng cá, thay đổi tâm trạng,... do mất cân bằng hormone trong cơ thể.
Ngoài 2 loại thuốc kể trên, hiện có thông tin dùng ibuprofen giúp làm chậm kinh. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc ibuprofen để làm chậm kinh thì bạn sẽ phải uống nhiều hơn liều lượng được khuyến cáo. Do đó, cách này không được khuyến khích để trì hoãn kinh nguyệt.
4. Một số cách làm chậm kinh nguyệt tự nhiên
Ngoài cách dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt, có một số cách làm chậm kinh tự nhiên, ít gây hại hơn so với việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh về hiệu quả của các cách kìm kinh nguyệt tự nhiên. Do đó, nếu có ý định áp dụng, bạn nên cân nhắc tới hiệu quả.
Sau đây là một số cách trì hoãn kinh nguyệt tự nhiên mà chị em có thể thử áp dụng:
- Dùng giấm táo: Giấm táo có tác dụng thải độc cơ thể, giảm cân. Nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện hàm lượng axit cao có trong giấm táo có thể trì hoãn kinh nguyệt. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng đáng tin cậy chứng minh cho kết luận này. Để áp dụng, bạn có thể pha loãng 1 - 2 muỗng canh giấm táo, uống 2 - 3 lần/tuần trong 10 - 12 ngày trước khi hành kinh. Bạn cần áp dụng đúng liều lượng kể trên, pha loãng giấm táo, tránh uống quá nhiều để không gây tổn thương răng, lợi và cổ họng;
- Gelatin: Một số cách chữa bệnh ở Trung Quốc cổ đại cho rằng uống gelatin hòa tan với nước ấm có thể làm chậm kinh nguyệt khoảng vài giờ. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh hiệu quả này. Để làm chậm kinh nguyệt theo cách này, bạn có thể hòa tan 1 gói gelatin nhỏ với nước ấm, uống lặp lại sau vài giờ để làm chậm kinh nguyệt khoảng 4 - 5 giờ;
- Đậu xanh: Dân gian truyền miệng kinh nghiệm ăn đậu xanh sống có thể làm chậm kinh nguyệt. Nguyên nhân là do trong vỏ đậu xanh có chứa các hợp chất flavonoid có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng. Tuy nhiên, cách trì hoãn kinh nguyệt này chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Nếu muốn thử áp dụng, bạn hãy ăn 9 hạt đậu xanh sống trước kỳ hành kinh 2- 3 ngày;
- Nước chanh: Hàm lượng axit citric dồi dào trong chanh được cho là có tác dụng làm chậm chu kỳ kinh nguyệt. Với cách này, bạn có thể uống nước chanh không đường hoặc ăn 1 - 2 lát chanh mỏng mỗi ngày trước kỳ hành kinh. Tuy nhiên, bạn cần tránh lạm dụng cách này vì axit trong chanh có thể gây hại cho răng và dạ dày;
- Tập thể thao: Việc tập thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số người cho rằng việc tập luyện nhiều hơn so với bình thường (150 phút/tuần) trước thời điểm hành kinh 1 - 2 tuần có thể giúp trì hoãn ngày có kinh. Tuy nhiên, cách này chưa có cơ sở khoa học rõ ràng. Ngoài ra. bạn cũng không nên thử áp dụng trong thời gian dài vì có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, gây mất kinh tạm thời, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản,...
Nhìn chung, nếu muốn làm chậm kinh nguyệt thì chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn cách phù hợp nhất: Dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt hay áp dụng các biện pháp tự nhiên. Bởi các cách tự nhiên đều an toàn nhưng chưa có nghiên cứu chứng minh hiệu quả. Còn khi lựa chọn sử dụng thuốc, người dùng cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng thời gian dùng,...
.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.