Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Bùi Đức Hoàn - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Khám sức khỏe sinh sản hiện được xem là hình thức sàng lọc quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc gia đình. Một số lưu ý khi đi khám sức khỏe sinh sản dưới đây sẽ giúp các cặp đôi chuẩn bị khám tốt nhất, tránh mất thời gian.
1. Khám sức khỏe sinh sản gồm những gì?
Theo bác sĩ các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Khám sức khỏe sinh sản thường bao gồm:
- Khám sức khỏe tổng quát
- Xét nghiệm mẫu máu: Tổng phân tích tế bào máu; Xác định nhóm máu ABO, Rh; Sinh hóa máu (Glucose, GOT, GPT, Ure, Creatini, Cholesterol, Triglycerid)
- Tổng phân tích nước tiểu
- Xét nghiệm HIV, HBsAg
- Khám phụ khoa, nam khoa
- Xét nghiệm dịch âm đạo
- Xét nghiệm dịch niệu đạo
- Tinh dịch đồ
- Siêu âm ổ bụng
- Siêu âm vú
- Siêu âm tinh hoàn
- Nội tiết tố sinh dục
- Sàng lọc gen, sàng lọc di truyền.
Kết quả khám và xét nghiệm cho phép cặp đôi nhìn nhận rõ nhất về tình trạng của mình. Trường hợp có bệnh cần điều trị, bệnh nhân sẽ được khuyến cáo điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sinh sản.
Ngoài ra, nếu có những bệnh nhẹ hoặc vấn đề cần lưu ý khác, bác sĩ cũng sẽ tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ hoặc nam giới để chắc chắn rằng vấn đề của ba mẹ không làm ảnh hưởng đến đứa trẻ sinh ra trong tương lai.
2. Lưu ý khi đi khám sức khỏe sinh sản
Do việc khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm cả việc khám tổng thể, khám phụ khoa, nam khoa cũng như việc kiểm tra, xét nghiệm nên trước khi đi khám các cặp đôi cần lưu ý:
- Mang theo đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết như: Chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, bảo hiểm,.... Thực tế, ở các bệnh viện, buổi sáng thường gặp tình trạng đông đúc, quá tải, do đó, người đi khám nên chuẩn bị đủ giấy tờ cần thiết để được khám sớm, tránh mất thời gian cũng như chờ đợi.
- Xét nghiệm máu: Thực tế, một số xét nghiệm không bắt buộc phải nhịn ăn. Tuy nhiên, đa phần các xét nghiệm quan trọng như xét nghiệm glucose máu, Test Triglyceride, Xét nghiệm cholesterol,...đều có yêu cầu nhịn ăn trước thời điểm lấy máu khoảng 10 tiếng. Tốt nhất, mẫu máu nên được lấy vào buổi sáng, khi chưa ăn uống. Ngoài ra thì có thể uống nước lọc.
- Trước khi siêu âm bụng đặc biệt là siêu âm phần phụ, tuyến tiền liệt, bạn sẽ phải uống thật nhiều nước rồi nhịn đi tiểu khoảng 1 tiếng sau đó mới làm siêu âm. Bởi khi bàng quang đầy sẽ tạo môi trường truyền âm thuận lợi cho sóng siêu âm.
- Với phụ nữ, kiểm tra nước tiểu, phân và phiến đồ âm đạo, cổ tử cung nên được tiến hành ít nhất 5 ngày trước kỳ kinh tới hoặc 5 ngày sau kỳ kinh trước. Không nên đi khám khi đang đang trong chu kỳ kinh nguyệt, đang đặt thuốc âm đạo,...
- Kiêng quan hệ tình dục, không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có ga, có cồn đối với cả nam và nữ.
- Để thoải mái và thuận tiện khi thăm khám. Tránh mặc quần bò quá chật, mặc váy liền thân.
- Với bệnh nhân tiểu đường: Không được dùng thuốc hoặc insulin vào buổi sáng khi đến khám.
- Với bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp: thì vẫn dùng theo đơn hàng ngày.
3. Chi phí khám sức khỏe sinh sản
Khi có bất thường về sức khỏe sinh sản như kinh không đều, không có kinh, không xuất tinh được cần phải đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả tránh dẫn tới vô sinh. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế khám và điều trị vô sinh đầy đủ.
Chi phí là vấn đề cần lưu ý khi đi khám sức khỏe sinh sản. Rất nhiều cặp đôi băn khoăn khi nghĩ đến vấn đề này.
Tuy nhiên, lợi ích của việc khám sức khỏe sinh sản cho các cặp vợ chồng trẻ là không thể phủ nhận. Do đó, hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp nhiều gói khám sức khỏe tiền hôn nhân với các mức phí khác nhau nhằm phù hợp với từng đối tượng:
- Gói khám tiền hôn nhân cơ bản
- Gói khám tiền hôn nhân nâng cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.