Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng phổi do phần lớn virus gây ra, bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh gây viêm và tắc nghẽn tiểu phế quản của phổi. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa đông với các triệu chứng ban đầu tương tự như cảm lạnh thông thường nhưng sau đó tiến triển thành ho, khò khè và đôi khi khó thở.
1. Triệu chứng của viêm tiểu phế quản cấp
Trong vài ngày đầu, các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiểu phế quản cấp tương tự như cảm lạnh:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Ho
- Sốt nhẹ (không phải lúc nào cũng có)
Sau này, có thể có một tuần hoặc nhiều hơn sẽ dẫn đến khó thở hoặc thở khò khè. Nhiều trẻ sơ sinh cũng sẽ bị viêm tai giữa kèm theo viêm tiểu phế quản.
Nếu cho trẻ ăn hoặc uống trở nên khó khăn và nhịp thở trở nên nhanh hơn hoặc trẻ phải gắng sức để thở thì bố mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, đặc biệt nếu trẻ dưới 12 tuần tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ khác gây viêm tiểu phế quản như sinh non, bệnh tim hoặc bệnh phổi.
Trong các trường hợp khác, nếu trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây, bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám, như :
- Nôn
- Thở khò khè
- Nhịp thở nhanh (60 nhịp/phút) và nông
- Thở nặng nhọc - xương sườn rút vào bên trong khi trẻ sơ sinh hít vào
- Biểu hiện chậm chạp hoặc thờ ơ
- Từ chối uống đủ hoặc thở quá nhanh gây cản trở ăn hoặc uống
- Da chuyển sang màu xanh (tím tái), đặc biệt là ở môi và móng tay
2. Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản cấp
Viêm phế quản xảy ra khi một loại virus xâm nhập vào tiểu phế quản khiến tiểu phế quản sưng lên và bị viêm, tăng chất nhầy trong các đường dẫn khí này, khiến không khí khó có thể tự do lưu thông vào và ra khỏi phổi.
Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. RSV là một loại virus phổ biến gây bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Viêm tiểu phế quản cũng có thể được gây ra bởi các loại virus khác, bao gồm cả những loại gây ra bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Trẻ sơ sinh có thể được tái nhiễm RSV vì có ít nhất hai chủng gây bệnh.
Các virus gây viêm tiểu phế quản rất dễ lây lan thông qua những giọt nước trong không khí khi người bệnh bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Hoặc trẻ bị lây khi chạm vào các đồ vật chung chẳng hạn như đồ dùng, khăn hoặc đồ chơi và sau đó trẻ dụi vào mắt, mũi hoặc miệng.
3. Trẻ nào dễ mắc viêm tiểu phế quản cấp?
Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản cấp cao nhất vì phổi và hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Các yếu tố khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm phế quản cấp ở trẻ sơ sinh hoặc khiến bệnh nặng hơn, bao gồm:
- Sinh non
- Bệnh tim hoặc bệnh phổi tiềm ẩn
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Không được bú sữa mẹ hoàn toàn
- Sống trong môi trường đông người như nhà trẻ, gia đình có nhiều người
- Có anh chị em đi học và mang virus về nhà
4. Biến chứng của viêm tiểu phế quản
Biến chứng của viêm phế quản nặng có thể bao gồm:
- Chứng xanh tím ( Cyanosis) do thiếu oxy.
- Ngưng thở hay xảy ra ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh trong vòng hai tháng đầu đời.
- Mất nước.
- Nồng độ oxy thấp và suy hô hấp.
Trẻ sẽ phải điều trị ở bệnh viện, nếu suy hô hấp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phải đặt nội khí quản, đây là kỹ thuật đặt đường ống thở vào khí quản để giúp trẻ thở nhưng trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp.
5. Lưu ý trong điều trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ
Về điều trị
Điều trị viêm tiểu phế quản cấp sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng,mức độ nghiêm trọng, tuổi và sức khỏe tổng thể của trẻ.
Trong hầu hết các trường hợp, không nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm phế quản cấp do nguyên nhân phần lớn là virus. Ngay cả những trẻ bị ho lâu hơn 8 đến 10 ngày thường cũng không cần dùng kháng sinh.
Mục tiêu của điều trị là giúp giảm bớt các triệu chứng bao gồm:
- Nghỉ ngơi nhiều
- Acetaminophen hoặc ibuprofen khi bị sốt và giảm đau
- Thuốc ho cho trẻ trên 4 tuổi.
- Bổ sung đủ chất lỏng
- Đặt máy tạo ẩm làm sạch không khí trong phòng của trẻ
Bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc ho và thuốc điều trị cảm lạnh không cần kê đơn cho trẻ do Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) không khuyến cáo cho trẻ dưới 4 tuổi sử dụng những loại thuốc này vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ có hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Đối với trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, chỉ sử dụng các sản phẩm không kê đơn khi được bác sĩ khuyên dùng. Ngoài ra, trong hầu hết các trường hợp, trẻ cũng không phải sử dụng thuốc kháng histamine khiến cho các cơn ho trở nên nặng hơn.
Không sử dụng aspirin hoặc thuốc có chứa aspirin cho người bệnh dưới 19 tuổi trừ khi được bác sĩ chỉ định. Sử dụng aspirin có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye, đây là một rối loạn hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Hội chứng Reye là một căn bệnh chủ yếu gây thiệt hại cấp tính não (encephalopathy) và thoái hóa mỡ gan (gan nhiễm mỡ) thường bắt đầu ngay sau khi hồi phục từ một căn bệnh virus cấp tính.
Về chăm sóc
Mặc dù không thể rút ngắn thời gian mắc bệnh của trẻ, nhưng bố mẹ có thể thực hiện một số cách sau đây để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn:
- Làm ẩm không khí. Nếu không khí trong phòng trẻ bị khô, máy làm ẩm hoặc máy phun sương có thể làm ẩm không khí và giúp giảm tình trạng nghẹt mũi và ho. Tuy nhiên bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh máy tạo độ ẩm sạch sẽ để ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Một cách khác để làm ẩm không khí là tắm nước nóng hoặc tắm trong phòng tắm và để nước nóng bốc hơi trong phòng tắm, cho trẻ ngồi hoặc bố mẹ bế trẻ ngồi trong khoảng 15 phút có thể giúp trẻ giảm cơn ho.
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng giúp thở dễ dàng hơn.
- Cho trẻ uống đủ nước. Để ngăn ngừa mất nước, hãy cho trẻ uống đủ nước như nước lọc hoặc nước trái cây. Lưu ý, bố mẹ nên cho trẻ uống chậm hơn bình thường, vì trẻ bệnh dễ sặc do kích thích đường hô hấp dẫn đến ho.
- Sử dụng nước muối nhỏ mũi để giảm nghẹt mũi. Bố mẹ có thể mua nước muối rửa mũi tại các quầy thuốc. Đây là biện pháp hiệu quả, an toàn và không gây dị ứng, ngay cả đối với trẻ em. Để sử dụng, bố mẹ hãy nhỏ một vài giọt vào một lỗ mũi, sau đó đưa ngay dụng cụ hút dịch mũi vào lỗ mũi đó để lấy nước muối ra, lưu ý bố mẹ không nên đẩy dụng cụ hút dịch mũi vào sâu trong mũi. Lặp lại như vậy ở lỗ mũi bên kia. Nếu trẻ lớn, hãy dạy trẻ cách xì mũi.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để điều trị sốt hoặc đau, tuy nhiên bố mẹ hãy cân nhắc việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt không cần kê đơn và thuốc giảm đau như acetaminophen (ví dụ Tylenol) hoặc ibuprofen (ví dụ Advil, Motrin) để thay thế cho aspirin. Hãy thận trọng khi dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Mặc dù aspirin được chấp thuận cho sử dụng ở trẻ lớn hơn 3 tuổi, tuy nhiên trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống như cúm thì không bao giờ được sử dụng aspirin.
- Duy trì môi trường không khói thuốc. Khói thuốc có thể làm nặng thêm các triệu chứng nhiễm trùng của viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ. Nếu một thành viên trong gia đình hút thuốc, hãy yêu cầu người đó ra ngoài nhà hoặc ngoài xe để hút thuốc lá.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.