Lưu ý trong điều trị giảm đau sau mổ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Điều trị giảm đau sau mổ là điều cần thiết đối với mỗi bệnh nhân sau các cuộc phẫu thuật. Bác sĩ sẽ dựa vào các điều kiện của người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị giảm đau sau mổ hiệu quả nhất bằng cách lựa chọn các phương pháp như: Sử dụng thuốc giảm đau hoặc gây tê vùng cho bệnh nhân.

1. Vì sao phải điều trị giảm đau sau mổ?

Đau sau mổ là điều làm nhiều người bệnh lo sợ từ trước khi thực hiện phẫu thuật, là vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh trước và sau phẫu thuật. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, nội tiết, gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể con người.

Việc điều trị giảm đau sau phẫu thuật không chỉ là việc giúp bệnh nhân giảm bớt những đau đớn trên cơ thể sau khi trải qua một buổi phẫu thuật mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, bác sĩ không thể thờ ơ trước việc bệnh nhân có biểu hiện đau đớn và phải tìm ra phương pháp giúp đỡ người bệnh.

Nếu người bệnh không được điều trị giảm đau sau mổ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nếu đau chuyển sang đau mạn tính thì người bệnh sẽ phải chịu những cơn đau dai dẵng kéo dài làm giảm chất lượng sống. Vì vậy, việc giảm đau sau phẫu thuật là điều cần thiết và quan trọng trong điều trị cứu chữa người bệnh.

Giảm đau sau phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân vận động sớm sau mổ, giúp nhanh chóng hồi phục, giảm thiểu được thời gian nằm viện và giảm chi phí điều trị bệnh. Bệnh nhân có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống sinh hoạt ngày thường, đảm bảo chất lượng lao động và cuộc sống sau khi hồi phục của người bệnh.


Đau sau phẫu thuật gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể
Đau sau phẫu thuật gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể

2. Đánh giá các mức độ đau sau phẫu thuật

Không phải bệnh nhân nào cũng cảm thấy đau đớn sau mỗi cuộc phẫu thuật, tùy vào từng tình huống khác nhau, mức độ đau của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Việc đánh giá được mức độ đau của bệnh nhân sẽ phần nào giúp bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị giảm đau sau mổ hiệu quả nhất đối với bệnh nhân.

Mức độ đau của mỗi bệnh nhân có thể thay đổi theo vị trí như phẫu thuật ngực và bụng trên đau hơn phẫu thuật bụng dưới, các phẫu thuật ngoại biên và phẫu thuật bề mặt được đánh giá là ít gây đau đớn nhất so với hai loại trên.

Ngoài ra, mức độ đau sau phẫu thuật còn tùy thuộc vào cơ địa, sức chịu đựng, yếu tố tâm lý của mỗi bệnh nhân: 15% bệnh nhân cảm thấy không đau hoặc đau ít sau mỗi cuộc phẫu thuật, 15% bệnh nhân khác sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn sau mỗi cuộc phẫu thuật tương tự.

Để đánh giá mức độ đau đớn, bác sĩ thường sử dụng các dụng cụ như: Thước EVA hoặc dùng thang điểm số để nhận biết mức độ đau.


Thước EVA được sử dụng phổ biến nhằm đánh giá mức độ đau đớn
Thước EVA được sử dụng phổ biến nhằm đánh giá mức độ đau đớn

3. Các biến chứng sau phẫu thuật do quá đau đớn

Đau đớn sau phẫu thuật nếu không được điều trị giảm đau kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Đau đớn sau phẫu thuật gây ra các rối loạn ở nhiều cơ quan khác nhau như sau:

  • Tim mạch: Co mạch hệ thống hoặc co mạch vành, tăng huyết áp, dễ gây nhồi máu cơ tim cấp.
  • Hệ hô hấp: Hạn chế hô hấp làm tăng nguy cơ xẹp phổi, giảm thể tích phổi, viêm phổi.
  • Hệ tiêu hóa: Giảm thời gian làm rỗng dạ dày, giảm nhu động ruột. Bệnh nhân dễ chán ăn, có thể liệt ruột hoặc bị táo bón.
  • Hệ nội tiết: Thay đổi phóng thích nhiều hormone, tăng đường huyết, giảm trọng lượng, tiêu cơ, hệ miễn dịch của người bệnh suy giảm và vết thương do phẫu thuật khó lành hơn.

Đau sau phẫu thuật ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ
Đau sau phẫu thuật ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ
  • Hệ cơ xương khớp: Co thắt cơ, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người bệnh, yếu cơ và gây mệt mỏi kéo dài cho người bệnh.
  • Tâm sinh lý: Đau đớn kéo dài cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người bệnh. Họ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi cơn đau, rối loạn giấc ngủ và gặp phải các hội chứng rối loạn sau chấn thương.
  • Hệ bài tiết: Đau đớn gây giảm trương lực bàng quang và niệu đạo có thể dẫn đến bí tiểu.

4. Các phương pháp giảm đau sau phẫu thuật

Điều trị giảm đau sau mổ là điều cần thiết phải thực hiện sau hầu hết các ca phẫu thuật. Tuy nhiên tùy vào mức độ đau của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị giảm đau sau mổ phù hợp nhất.

4.1 Điều trị giảm đau sau phẫu thuật bằng đường uống

Sau khi phẫu thuật xong, đối với những phẫu thuật nhỏ, ít đau, bác sĩ thường chỉ định sử dụng các thuốc giảm đau đường uống. Thuốc giảm đau đường uống được sử dụng đối với bệnh nhân phẫu thuật có thể ra về trong ngày hoặc ưu tiên sử dụng đối với bệnh nhân phục hồi nhu động ruột.

Thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất là paracetamol – thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, có thể sử dụng được cho mọi lứa tuổi. Các dòng thuốc giảm đau chống viêm không steroid sử dụng nhiều trong các phẫu thuật răng hàm mặt, phẫu thuật xương, phẫu thuật sản khoa. Các thuốc này có tác dụng giảm đau, chống sưng nề vết mổ nên thường đươc sử dụng rộng rãi sau mổ. Tuy nhiên, các thuốc giảm đau kháng viêm thường có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày, một số thuốc bị chống chỉ định trên bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và trẻ em dưới 12 tuổi. Vì vậy, cần cân nhắc giữa lợi và hại trước khi sử dụng.

Các dẫn chất có tác dụng giảm đau trung ương thường được phối hợp với paracetamol để tăng tác dụng giảm đau như: codein, cafein, tramadol. Ngoài ra, Morphin đường uống chậm cũng là một trong những thuốc giảm đau thường được sử dụng trong điều trị giảm đau sau mổ.

4.2 Điều trị giảm đau sau phẫu thuật sử dụng thuốc ngoài đường uống

Giảm đau sau mổ sử dụng thuốc ngoài đường uống thông qua đường tĩnh mạch đối với các thuốc giảm đau không thuộc họ morphin như paracetamol và thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAID), có thể kết hợp sử dụng morphin trong trường hợp đau nhiều.

Sử dụng các thuốc thuộc họ morphin (Morphin, Fentanyl, Sufentanil, Remifentanyl) đường truyền tĩnh mạch sử dụng kỹ thuật giảm đau bệnh nhân tự kiểm soát (PCA), liều lượng thuốc được truyền đều đặn để đảm bảo giảm đau hoàn toàn, liên tục, người bệnh có thể tự bấm nút để bơm thêm một lượng thuốc đã được cài đặt sẵn để giảm đau ngay lúc thấy đau tăng lên. Phương pháp tiêm thuốc giảm đau vào bắp của bệnh nhân hiện không còn được khuyến khích sử dụng nữa vì gây đau và khối máu tụ sau tiêm cho bệnh nhân.


Thuốc họ morphin bằng đường dưới da giúp điều trị giảm đau sau phẫu thuật
Thuốc họ morphin bằng đường dưới da giúp điều trị giảm đau sau phẫu thuật

4.3 Giảm đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng

4.3.1. Giảm đau bằng cách gây tê đám rối thần kinh, gây tê thân thần kinh, tê thần kinh ngoại vi như: tê đám rối thần kinh cánh tay, tê thần kinh quay, thần kinh trụ, thần kinh ngồi, thần kinh đùi, thần kinh chày, thần kinh thẹn... Còn có các kỹ thuật gây tê vùng phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao như: tê mặt phẳng cơ dựng sống để giảm đau trong các phẫu thuật vùng ngực, kể cả mổ tim hở, tê cơ thắt lưng chậu giảm đau vùng bụng dưới, tê cơ vuông thắt lưng giảm đau sau mổ đẻ và mổ vùng bụng dưới.... Gây tê vùng được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm và máy dò thần kinh đảm bảo chính xác, an toàn và hiệu quả cao.

4.3.2. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng ngày càng được nhiều bác sĩ lựa chọn để điều trị giảm đau sau mổ cho bệnh nhân. Bằng cách lưu catheter ngoài màng cứng 48 đến 72 giờ, bác sĩ có thể truyền thuốc tê liên tục để giảm đau sau mổ kéo dài. Phương pháp này giảm đau hiệu quả hơn các phương pháp nêu trên, đặc biệt khi bệnh nhân ho, di chuyển hay vận động đều không gây đau đớn. Việc sử dụng các thuốc họ morphin để truyền ngoài màng cứng có thể gây tác dụng phụ như: ngứa, buồn nôn, bí tiểu.

Ngoài các phương pháp giảm đau trên, một số phương pháp khác cũng được bác sĩ sử dụng để điều trị giảm đau sau mổ cho bệnh nhân như dùng thuốc giảm đau đặt hậu môn, thuốc dán trên da, tiêm thuốc tê vào ổ khớp, đặt catheter truyền thuốc tê vào vết mổ ngay trước khi đóng vết mổ ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe