Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng các bác sĩ Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nếu các biện pháp tự nhiên không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhuận tràng. Loại thuốc này thường nhẹ và an toàn cho mẹ bầu. Bác sĩ có thể cho thuốc mạnh hơn nếu những thuốc nhẹ không hiệu quả.
1. Thuốc nhuận tràng là gì?
Thuốc nhuận tràng là thuốc giúp giảm táo bón bằng cách làm tăng nhu động ruột hoặc làm mềm phân. Chúng chứa các chất giúp thai phụ dễ đi tiêu và thường xuyên hơn. Các thuốc nhuận tràng được bào chế ở dạng viên nang, viên nén, thực phẩm và dạng lỏng để uống hoặc dạng bơm, viên đạn dùng qua đường hậu môn.
2. Dùng thuốc nhuận tràng cho bà bầu có an toàn?
Nếu các biện pháp tự nhiên chữa táo bón ở phụ nữ mang thai không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhuận tràng. Loại thuốc này thường nhẹ và an toàn cho phụ nữ mang thai. Bác sĩ có thể cho thuốc mạnh hơn nếu những thuốc nhẹ không hiệu quả.
Các loại thuốc nhuận tràng cho bà bầu bị táo bón mà bác sĩ thường kê toa như:
- Thuốc nhuận tràng tạo khối: Thuốc nhuận tràng tạo khối còn được gọi là chất bổ sung chất xơ, hoạt động tương tự như chất xơ trong chế độ ăn uống. Thuốc giúp giữ lại nước trong phân, giúp cho sự đi tiêu dễ dàng. Thuốc có tác dụng trong khoảng 12–24 giờ và không có khả năng gây ra bất kỳ tác hại nào cho thai nhi vì chúng không đi vào máu.
- Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: Chúng làm cho nước và chất béo thâm nhập vào phân, do đó thúc đẩy phân di chuyển nhanh qua đường tiêu hóa. Thuốc này thường có hiệu quả trong 12–72 giờ, giúp điều trị táo bón hiệu quả.
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Loại thuốc nhuận tràng này làm mềm phân bằng cách rút dịch từ các mô xung quanh vào đường tiêu hóa. Thuốc thường mất khoảng 30 phút đến 6 giờ mới có hiệu quả.
- Thuốc nhuận tràng kích thích: Loại thuốc này kích thích niêm mạc thành ruột để tăng nhu động ruột. Thời gian tác dụng của thuốc khá nhanh, trong vòng 6–12 giờ. Thuốc không gây rủi ro cho thai nhi vì lượng hấp thu vào máu rất ít.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc nhuận tràng trị táo bón ở phụ nữ mang thai
Giống như các loại thuốc khác, thuốc nhuận tràng chữa táo bón khi mang thai cũng có một số tác dụng phụ, tùy thuộc vào loại thuốc nhuận tràng thai phụ dùng. Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc nhuận tràng gồm:
- Đau thắt bụng.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Mất nước, nước tiểu sậm màu.
- Mê sảng.
Trong trường hợp bà bầu bị táo bón uống thuốc nhuận tràng quá nhiều hoặc kéo dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ sau đây:
- Giảm hấp thu dinh dưỡng và các loại thuốc khác vào máu vì thuốc nhuận tràng làm tăng lượng thức ăn qua đường ruột.
- Nồng độ muối magie trong máu thấp hơn.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Khi sử dụng thuốc nhuận tràng, bà bầu cần lưu ý một số điều sau:
- Không nên tự ý sử dụng các thuốc nhuận tràng chữa táo bón khi mang thai, mà cần có sự chỉ định của bác sĩ.
- Khi đã cố gắng thay đổi chế độ ăn, lối sống nhưng vẫn không cải thiện tình trạng táo bón thì mới nên sử dụng thuốc nhuận tràng.
- Khi sử dụng thuốc nhuận tràng, nên ưu tiên nhóm thuốc nhuận tràng cơ học, nhuận tràng thẩm thấu; hạn chế sử dụng nhóm thuốc nhuận tràng làm trơn, nhuận tràng làm mềm phân.
- Chống chỉ định dùng thuốc nhuận tràng kích thích do làm tăng co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non.
- Trong quá trình uống thuốc nhuận tràng, bạn nên kết hợp uống nhiều nước để tăng hiệu quả của thuốc và tránh bị táo bón ngược.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.