Lưu ý sử dụng thuốc bôi ngoài da cho người bị tay chân miệng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tay chân miệng là bệnh có nguy cơ lây truyền cao và vẫn chưa có thuốc đặc trị vì thế điều trị bệnh chủ yếu nhằm giảm các triệu chứng của bệnh. Các tổn thương trên da có thể xảy ra đối với bệnh nhân bị tay chân miệng.

1. Bệnh tay chân miệng bôi thuốc gì?

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh do siêu vi trùng - virus gây ra, do đó các loại thuốc bôi có tính sát trùng như kháng sinh, cồn, thuốc gây tê đều không có tác dụng với căn bệnh này. Vì sao lại không có tác dụng? Đó là do virus có cấu tạo vỏ ngoài không có lớp lipid bao bọc nên rất bền vững trong môi trường acid như các dung môi hòa tan lipid như cồn, chloroform, ethe. Song nó lại rất dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 56 độ C, bất hoạt dưới ánh nắng mặt trời, nước có Clo như nước máy, dung dịch formaldehyde, xà phòng,...

Một số loại thuốc gây tê cục bộ như Benzocain, Lidocain, Tetracain là thành phần chính trong các loại kem bôi trong miệng. Các loại thuốc này chỉ có tác dụng giúp làm giảm đau tạm thời do ức chế dẫn truyền thần kinh, chứ không có tác dụng tiêu diệt virus tay chân miệng. Ngoài ra nó còn có tác dụng phụ như dị ứng, tê lưỡi, mờ mắt, rối loạn nhịp tim. Chính vì vậy với những trẻ dưới 3 tuổi không nên dùng các loại thuốc này, bởi khó kiểm soát được liều thuốc và tác dụng phụ.

Với những bé bị đau rát họng nhiều, phụ huynh nên cho bé súc miệng bằng nước muối pha loãng 0,9% sau mỗi lần ăn. Có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạ dày để bôi miệng cho bé trước khi ăn.


Cho bé súc miệng bằng nước muối pha loãng 0,9% đối với trẻ bị đau rát họng
Cho bé súc miệng bằng nước muối pha loãng 0,9% đối với trẻ bị đau rát họng

Các loại thuốc sát trùng bôi ngoài da cũng không có tác dụng với các mụn nước, do đó phụ huynh không nên dùng. Chỉ cần giữ vệ sinh ngoài da cho trẻ, tắm bằng xà phòng hàng ngày, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Với các vết loét ngoài da, cần bôi dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm như dung dịch Povidine, thuốc đỏ, thuốc tím, xanh methylen,...

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trên, mà cần phải cho trẻ đi khám để bác sĩ kiểm tra, đánh giá và kê đơn thuốc sử dụng tùy theo tình trạng cụ thể của từng bé.

2. Trẻ bị bệnh tay chân miệng uống thuốc gì?

Như đã đề cập ở trên, bệnh tay chân miệng do virus gây ra nên không có loại thuốc nào điều trị triệt để, việc điều trị chủ yếu nhằm làm giảm các triệu chứng cho bệnh nhân.

Thuốc hạ sốt: đối với những trẻ sốt cao trên 38 độ, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol hay panadol với liều lượng từ 10-15mg/kg. Nếu trẻ vẫn tiếp tục sốt cao không hạ, cách 4-6 giờ cho trẻ dùng tiếp. Có thể đặt thuốc ở hậu môn cho trẻ nếu trẻ không chịu uống. Đặc biệt, các bậc cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ súc miệng sạch sẽ nhằm giảm tình trạng đau họng.

Bù nước điện giải: uống đủ nước đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân bị tay chân miệng nói chung và trẻ bị tay chân miệng nói riêng. Nên cho trẻ uống oresol để bổ sung thêm nước và điện giải.


Hạ sốt cho trẻ bằng panadol với liều lượng từ 10-15mg/kg
Hạ sốt cho trẻ bằng panadol với liều lượng từ 10-15mg/kg

Bên cạnh đó, tùy theo thể trạng của người bệnh, có thể sử dụng một số loại thuốc khác. Đặc biệt, đối với bệnh nhân bị tay chân miệng, dùng thuốc kháng sinh không có tác dụng. Chỉ dùng kháng sinh để đề phòng các tổn thương do vi khuẩn gây ra có bội nhiễm và phải theo sự chỉ định của các chuyên gia y tế. Tuyệt đối, không tự ý dùng kháng sinh để chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe