Kháng sinh là nhóm thuốc không thể thiếu trong y học hiện nay. Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của nhóm thuốc này, các nhà bào chế học đã tạo ra rất đa dạng các đường dùng khác nhau của kháng sinh: đường tiêm, uống, tra mắt, kháng sinh bôi ngoài ra... Vậy khi bôi kháng sinh ngoài da cần lưu ý những gì?
1. Vì sao phải bôi kháng sinh ngoài da?
Theo ước tính, trên toàn thế giới có từ 7-10% bệnh nhân nhập viện vì nhiễm trùng da và mô mềm do vi sinh vật xâm nhập. Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật xảy ra ở khoảng 2-5% bệnh nhân thực hiện các phẫu thuật sạch ngoài ổ bụng và tỷ lệ này lên đến 20% ở bệnh nhân thực hiện phẫu thuật trong ổ bụng. Nhiễm trùng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đồng nhiễm khác và kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến các nguồn lực chăm sóc sức khỏe.
Vi khuẩn Staphylococcus aureus (S. aureus) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe như: nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật, nhiễm trùng da ở bệnh nhân lọc máu và nhiễm trùng ở bệnh nhân điều trị trong phòng hồi sức tích cực chống độc (ICU).
Thuốc kháng sinh tại chỗ (kháng sinh bôi ngoài da) giúp hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn. Có nhiều loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da như bacitracin, mupirocin, gramicidin, axit fusidic và gentamycin. Tuy nhiên, có một số lo ngại liên quan đến việc sử dụng kháng sinh vì khả năng kháng kháng sinh trong thời gian dài có thể xảy ra.
2. Kháng sinh bôi ngoài da được chỉ định khi nào?
Kháng sinh bôi ngoài da thường được sử dụng để điều trị các vết thương nhỏ (ví dụ như vết cắt, vết xước, vết bỏng), giúp ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng da nhẹ. Hầu hết các vết thương và nhiễm trùng da nhỏ thường tự lành mà không cần điều trị, nhưng một số vết thương ngoài da nhỏ có thể lành nhanh hơn khi dùng thuốc kháng sinh lên vùng bị ảnh hưởng.
3. Hướng dẫn bôi kháng sinh ngoài da
Lưu ý, các sản phẩm kháng sinh bôi ngoài da chỉ được sử dụng trên da mà thôi. Không sử dụng kháng sinh bôi ngoài da bên trong mũi trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Cần làm theo tất cả các hướng dẫn trên bao bì sản phẩm hoặc sử dụng kháng sinh bôi ngoài da theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Người bệnh cần rửa tay trước khi bôi kháng sinh ngoài da. Tránh để sản phẩm kháng sinh bôi ngoài da dính vào mắt hoặc niêm mạc miệng, nếu điều này xảy ra cần nhanh chóng lau sạch thuốc và rửa kỹ bằng nước.
Làm sạch và làm khô vùng bị bệnh hoặc có vết thương theo chỉ dẫn. Thoa một lượng nhỏ thuốc kháng sinh bôi ngoài da thành một lớp mỏng trên da, thường từ 1 - 3 lần mỗi ngày hoặc sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chà xát nhẹ nhàng nếu tình trạng vết thương cho phép sau đó băng bó lại bằng băng gạc (nếu được hướng dẫn). Rửa tay sau khi sử dụng kháng sinh bôi ngoài da.
Không sử dụng một lượng lớn kháng sinh bôi ngoài da trên vùng da rộng hơn chỉ định, không tự ý bôi thuốc thường xuyên hơn hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài hơn so với chỉ dẫn vì tình trạng bệnh có thể không cải thiện nhanh hơn nhưng nguy cơ mắc các tác dụng phụ có thể tăng lên. Nếu tình trạng vết thương ngoài da không cải thiện hoặc xấu đi sau 1 tuần sử dụng thuốc, người bệnh hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
4. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi bôi kháng sinh ngoài da
Một số bệnh nhân khi bôi kháng sinh ngoài da có thể bị bỏng, nổi mẩn đỏ hoặc kích ứng da, nếu bất kỳ tác dụng phụ nào trên da kéo dài hoặc trở nên trầm trọng, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ hoặc dược để có hướng xử trí kịp thời.
Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh bôi ngoài da sau khi đã đánh giá lợi ích mang lại cho người bệnh lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ, vì vậy người bệnh nên an tâm sử dụng thuốc, vì có rất nhiều người bôi kháng sinh ngoài da không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Một số tác dụng không mong muốn rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra là: xuất hiện các vấn đề về khả năng thăng bằng/thính giác, viêm nang lông.
Việc bôi kháng sinh ngoài da trong thời gian dài hoặc bôi lặp lại liên tục có thể dẫn đến tình trạng nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng da do các vi khuẩn khác. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bệnh nhân nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào trên da mới xuất hiện (ví dụ: đóng vảy, sưng tấy, nóng da) trong khi sử dụng thuốc.
Kháng sinh bôi ngoài da cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng (mặc dù rất hiếm) với các biểu hiện gồm: Phát ban, ngứa/sưng, chóng mặt trầm trọng, khó thở.
5. Lưu ý khi sử dụng kháng sinh bôi ngoài da
Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm kháng sinh bôi ngoài da nào, người bệnh cần bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu đã có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc hoặc bất kỳ dị ứng nào khác
Tiền sử bệnh cũng là vấn đề đặc biệt cần lưu ý với các bác sĩ trước khi chỉ định kháng sinh bôi ngoài da cho bệnh nhân, quan trọng nhất là tình trạng da trước đây hoặc hiện tại (bao gồm bệnh chàm, nhiễm trùng da do vi rút như bệnh zona, thủy đậu, mụn rộp).
Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, thuốc kháng sinh bôi ngoài da chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết sau khi đã thảo luận về những rủi ro và lợi ích với bác sĩ chuyên khoa.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov