Bài viết được viết bởi Dược sĩ Hoàng Trà Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Aspirin nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân hen. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử bệnh hô hấp kịch phát do aspirin nên tránh dùng aspirin, trừ trường hợp đã được giải mẫn cảm aspirin và chỉ định là cần thiết.
1. Aspirin và những tác dụng của Aspirin
Aspirin hay còn gọi là acid acetyl salicylic thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm không steroid (NSAIDs – Non Steroidal Anti-inflammatory Drugs).
Tương tự như các thuốc khác thuộc nhóm NSAIDs, aspirin có tác dụng ức chế cyclooxygenase (COX) là enzyme tham gia tổng hợp các chất trung gian hóa học, dẫn đến giảm quá trình viêm, giảm tính cảm thụ của thần kinh cảm giác với các chất gây đau của phản ứng viêm và đồng thời ức chế các quá trình sinh nhiệt, tăng cường thải nhiệt từ đó có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm.
Tác dụng của aspirin phụ thuộc vào liều, với liều trung bình từ 650mg – 4g/ngày, thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, trong khi với liều cao từ 4g – 8g/ngày, thuốc mới có tác dụng chống viêm. Tuy nhiên, với liều trung bình đến cao, nguy cơ của các tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa, hệ tim mạch cũng tăng lên.
Ngoài ra, trong nhóm NSAIDs, chỉ aspirin có tác dụng ức chế không phục hồi COX-1, dẫn đến ức chế tổng hợp thromboxane A2 (chất kích thích tạo huyết khối) từ đó có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành huyết khối là một giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành cục máu đông. Vì thế aspirin là NSAIDs duy nhất hiện nay được sử dụng để ngăn ngừa biến cố trên tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, đột quỵ nhồi máu não với các bằng chứng khoa học về khả năng giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch trên những người bệnh này với mức liều thấp từ 75 – 100mg/ngày.
2. Vì sao bệnh nhân hen cần thận trọng khi dùng aspirin
Phản ứng quá mẫn do NSAID (NHR – NSAIDs Induced Hypersensitivity Reactions) chiếm đến 30% các phản ứng liên quan đến thuốc, chỉ sau các phản ứng quá mẫn do kháng sinh. Đặc biệt, những người mắc bệnh lý trên da và hô hấp mạn tính có nguy cơ mắc NHR cao nhất. Ở bệnh nhân hen, NSAIDs có thể làm trầm trọng thêm các phản ứng trên đường hô hấp với cơ chế liên quan đến cơ chế ức chế enzym COX-1 của các NSAIDs.
Aspirin có cơ chế ức chế enzym cyclooxygenase gồm 2 loại là COX-1 và COX-2, trong khi COX-1 xúc tác sản xuất prostaglandin tham gia đến chức năng sinh lý của cơ thể thì COX-2 lại đặc hiệu cho phản ứng viêm, gây giãn mạch. Aspirin là NSAIDs ức chế COX-1 mạnh dẫn đến tăng sản xuất các chất trung gian tiền viêm, bạch cầu ái toan và tế bào mast. Sau đó, các chất tiền viêm này có thể gây sản xuất quá mức cysteinyl leukotriene (CysLTs), làm gia tăng thụ thể CysLTs trong cơ phế quản. Đây chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trong hô hấp như: Tức ngực, co thắt phế quản, viêm mũi, polyp mũi hoặc nghẹt mũi sau khi dùng thuốc thường xuất hiện trong vòng 30 phút đến 3 giờ.
Những biểu hiện trên là tác nhân khởi phát các cơn hen cấp có thể dẫn đến trầm trọng thêm bệnh lý hen trước đó của bệnh nhân. Tình trạng trên được gọi là bệnh hô hấp kịch phát do aspirin (AERD – aspirin exacerbated respiratory disease).
Bệnh hô hấp kịch phát do aspirin còn được gọi là phản ứng giả dị ứng do cơ chế của phản ứng không liên quan đến trung gian miễn dịch dựa trên đáp ứng của globulin miễn dịch E (IgE).
3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng viêm ở những người mắc bệnh hen
Thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs bao gồm cả aspirin là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, ở đối tượng có bệnh lý hen, bệnh nhân không nên tự ý dùng aspirin, cần chủ động cung cấp các thông tin về tiền sử bệnh lý hô hấp với bác sĩ và dược sĩ trong mỗi lần thăm khám để được tư vấn và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp bệnh nhân đã có tiền sử bệnh hô hấp kịch phát do aspirin (AERD) nên tránh dùng aspirin. Với bệnh nhân cần điều trị bằng aspirin mạn tính, thường là các chỉ định ngăn ngừa biến cố tim mạch, giải mẫn cảm aspirin có thể được coi là một lựa chọn điều trị.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng bệnh hô hấp kịch phát do aspirin với các triệu chứng là phản ứng tức ngực, co thắt phế quản sau khi dùng aspirin là phản ứng chéo được hiểu là những bệnh nhân xuất hiện phản ứng này sau khi dùng aspirin có thể có phản ứng với bất kỳ thuốc chống viêm nào ức chế mạnh enzym COX-1 (ví dụ như: ibuprofen, diclofenac, ketorolac...) và ngược lại. Mặt khác, các NSAIDs ức chế chọn lọc enzyme COX-2 mạnh (celecoxib, etoricoxib...) và các NSAID ức chế COX-1 yếu (liều thấp paracetamol ≤ 1g) thường được dung nạp tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM