Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau là một trong những bệnh lý khó điều trị dứt điểm và có thể gây khá nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân. Sử dụng thuốc trị viêm xoang sàng sau đúng cách là biện pháp giúp tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

1. Bệnh viêm xoang sàng sau có nguy hiểm không?

Viêm xoang sàng sau là tình trạng xoang mũi sàng sau (nằm ở phía sau gáy, sau xoang sàng trước) bị viêm nhiễm. Tình trạng này xuất hiện khi vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh tấn công xoang sàng sau qua đường mũi. Từ đó, chúng gây sưng tấy lớp niêm mạc bao phủ bề mặt xoang sàng sau, khiến các dịch hô hấp trong hốc xoang không thể thoát ra ngoài. Nó làm tắc nghẽn, ứ đọng dịch tại đây, dẫn tới hình thành dịch mủ và gây viêm.

Khi bị viêm xoang sàng sau, người bệnh thường có những cơn đau âm ỉ, lan dần từ hốc xoang tới vùng sau gáy, xuống vai. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có triệu chứng đau đầu, chảy dịch mũi, ngạt mũi, tắc mũi,... Nếu tình trạng này không được điều trị thì các hốc xoang khác của vùng đầu - mặt cũng dễ bị viêm nhiễm theo.

Viêm xoang sàng sau là một trong những bệnh viêm xoang nặng, khó điều trị dứt điểm. Không chỉ vậy, vì cấu trúc xoang nằm sâu bên trong, hạn chế dịch mủ thoát ra ngoài nên đây là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh phát triển. Do đó, căn bệnh này dễ tiến triển thành mãn tính nếu người bệnh chủ quan không điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh cũng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Cụ thể, viêm xoang sàng sau có thể gây viêm thần kinh thị giác sau hốc mắt, gây mờ mắt hoặc mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra, dịch tiết và mủ ở xoang sàng sau có thể bị chảy vào lỗ mũi sau, phải khạc đờm để nhổ mủ ra, làm ứ đọng mủ ở vòm họng, dễ gây viêm đường hô hấp dưới.

Người bị viêm xoang sàng sau còn dễ bị ho, dẫn tới viêm họng mãn tính với biểu hiện ngứa rát, khô họng. Bệnh có thể dẫn tới viêm thanh quản mãn tính, hạt xơ dây thanh,... Người cao tuổi mắc bệnh dễ bị viêm khí - phế quản mãn tính, lâu ngày sẽ dẫn đến viêm giãn phế quản với biểu hiện ho kéo dài, khạc đờm nhiều,... Ở trẻ em, bệnh dễ dẫn tới viêm khí - phế quản co thắt với triệu chứng ho kéo dài về đêm, khó thở, thở rít như cơn hen,...

2. Các thuốc trị viêm xoang sàng sau

Việc điều trị viêm xoang sàng sau bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Điều trị tại chỗ nhằm đảm bảo mũi - xoang được thông thoáng, dẫn lưu các chất tiết ứ đọng trong xoang ra ngoài. Tùy từng trường hợp mà người bệnh có thể được chỉ định nhỏ xoang mũi, xịt mũi, xông hơi mũi hoặc phun khí dung mũi xoang. Điều trị toàn thân gồm sử dụng thuốc kháng viêm và kháng sinh, kiểm soát các yếu tố cơ địa (dị ứng, trào ngược dạ dày - thực quản,...).

Các thuốc chữa viêm xoang sàng sau phổ biến là: Thuốc kháng sinh, thuốc xịt mũi và thuốc chống dị ứng. Khi sử dụng các thuốc này, người bệnh cần đọc kỹ thành phần xem mình có bị dị ứng hay không và chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Cụ thể:

  • Thuốc kháng sinh điều trị viêm xoang sàng sau do vi khuẩn

Với bệnh viêm xoang sàng sau do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh. Kháng sinh Penicillin tổng hợp giúp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm mô xoang, làm giảm triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.

Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Penicillin, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc kháng sinh chứa sulfur như Trimethoprim, Sulfamethoxazole và Bactrim. Thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng liên tục trong 14 - 21 ngày (tùy theo mức độ nhiễm trùng) để điều trị hiện tượng viêm nhiễm ở mô xoang.

Trong trường hợp người bệnh bị viêm xoang mãn tính hoặc viêm xoang cấp tái phát nhiều lần thì vi khuẩn có thể bị giảm mức độ nhạy cảm với kháng sinh nhóm Penicillin và sulfur. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng nhóm kháng sinh cephalosporin.

Các loại kháng sinh đều có thể gây một số tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời,... Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng dị ứng như ngứa da, nổi mề đay, phát ban, sưng họng,... người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để được thay thế bằng loại kháng sinh khác.

  • Thuốc xịt mũi trị viêm xoang chứa corticoid

Nhóm thuốc trị viêm xoang sàng sau này thường dùng cho cả bệnh cấp tính và mãn tính. Các loại thuốc này thường chứa một số dẫn xuất của corticoid như Beclomethasone, Fluticasone, Triamcinolone, Mometasone,... Thuốc có khả năng ức chế phản ứng viêm ở niêm mạc, giúp thông mũi chỉ trong một thời gian ngắn sau khi sử dụng. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng kháng dị ứng dựa trên cơ chế ức chế miễn dịch.

Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc xịt mũi chứa corticoid này để điều trị bệnh viêm xoang cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, nôn mửa, kích ứng niêm mạc mũi, đau đầu, chảy máu cam,...

  • Thuốc trị viêm xoang sàng sau: Thuốc co mạch dạng xịt mũi

Các thuốc Naphazolin, Xylometazolin, Pseudoephedrine,... dạng xịt mũi được dùng phổ biến hơn dạng uống. Thuốc cho hiệu quả tốt chỉ sau 1 - 3 phút sử dụng, có thể cải thiện các triệu chứng do sung huyết mũi như nghẹt mũi, chảy nước mũi, khó thở, nặng mặt do ứ đọng dịch ở mô xoang,...

Tuy nhiên, nhóm thuốc này có hạn chế là có nguy cơ nhờn thuốc cao hơn so với thuốc dạng uống. Thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như khô mũi, loét mũi, hoại tử niêm mạc mũi ở trẻ nhỏ, giãn đồng tử,... Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc này sau khi đã tham vấn ý kiến bác sĩ và cần tuân thủ đúng chỉ định về liều lượng, thời gian sử dụng thuốc.

  • Thuốc kháng nấm trị viêm xoang sàng sau do nấm men

Các thuốc kháng nấm như Voriconazole, Amphotericin B được sử dụng trong trường hợp viêm xoang do nhiễm nấm hoặc bội nhiễm nấm. Chống chỉ định dùng nhóm thuốc này với bệnh nhân dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc và người mắc hội chứng porphyrin niệu cấp tính.

  • Thuốc nhỏ mũi chứa hoạt chất kháng histamin H1

Bên cạnh các thuốc kháng histamin H1 dạng uống, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc kháng histamin H1 dạng xịt hoặc nhỏ mũi theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc dạng xịt thường có chứa hoạt chất Azelastine, được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng,... Các thuốc này có thể dùng cho trẻ từ 5 - 6 tuổi trở lên và cả người trưởng thành.

Mặc dù thuốc nhỏ mũi có hoạt chất kháng histamin H1 ít có khả năng đi vào tuần hoàn máu nhưng để đảm bảo an toàn thì bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt, xơ cứng động mạch, cường giáp,... cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Có nhiều loại thuốc trị viêm xoang sàng sau. Khi dùng thuốc, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ mọi hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và tránh được nguy cơ phát sinh những biến chứng nguy hiểm.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe