Viêm phế quản là tình trạng bệnh lý của đường thở thường gặp ở trẻ em, gây ra các triệu chứng như ho dai dẳng, mệt mỏi và khó thở. Bệnh có khả năng gây tắc nghẽn phổi nếu không điều trị kịp thời các triệu chứng. Vậy thuốc trị viêm phế quản cho trẻ em khác người lớn như thế nào và có những lưu ý gì trong việc sử dụng?
1. Viêm phế quản là bệnh gì?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống phế quản. Ngoài các cơn ho dai dẳng, viêm phế quản có thể gây khó thở, mệt mỏi, thở khò khè, tức ngực và sốt. Ngoài ra, các triệu chứng sau có thể đưa tới chẩn đoán của viêm phế quản:
- Ho khan hoặc ho có đờm dai dẳng trên 3 tuần, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là cơn ho xuất hiện dày đặc vào buổi tối gây mất ngủ.
- Cơn sốt cao và liên tục trên 38 độ.
- Dịch đàm, chất nhầy tiết ra nhiều, có màu vàng hoặc xanh, mùi hôi khó chịu.
- Các cơn khó thở xuất hiện càng nhiều khi triệu chứng nặng hơn khiến người bệnh mệt mỏi.
- Người bệnh xanh xao, sụt cân nhanh, buồn nôn và nôn, chán ăn hoặc ăn không ngon.
Có thể phân loại viêm phế quản làm 2 dạng:
- Viêm phế quản cấp tính: là loại phổ biến nhất thường do nhiễm virus
- Viêm phế quản mạn tính: là một trong hai dạng phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), không hồi phục và có đặc điểm là viêm phế quản diễn ra từng cơn. Bệnh phổi này thường biểu hiện dưới dạng ho mãn tính kéo dài trong vài tháng.
2. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc viêm phế quản cho người lớn và trẻ em
Các thuốc sử dụng trong điều trị viêm phế quản nên được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Một số lưu ý của từng nhóm thuốc điều trị viêm phế quản gồm có:
Thuốc giảm ho, long đờm:
- Là loại thuốc giúp tiêu đờm, giảm dịch nhầy kích thích gây ho, hỗ trợ làm sạch chất nhầy từ đường hô hấp trên và dưới bao gồm phổi, phế quản, khí quản.
- Một trong những nhóm thuốc phổ biến là guaifenesin nhưng có tác dụng phụ là buồn nôn và nôn
Thuốc kháng viêm:
- Hầu hết bệnh nhân viêm phế quản đều được chỉ định các loại thuốc kháng viêm khác nhau.
- Thuốc chứa corticoid có tác dụng kháng viêm tương đối mạnh, nhanh chóng cắt đứt các chuỗi phản ứng viêm tuy nhiên thường để lại nhiều tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, ợ chua và buồn nôn.
Thuốc kháng sinh:
- Viêm phế quản đơn thuần thường không cần sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên các trường hợp xác định được vi khuẩn gây nên viêm phế quản thì bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để điều trị
- Các loại thuốc kháng sinh thường dùng là penicillin, ampicillin, amoxicillin, beta lactam, macrolide, quinolone,...
- Tuỳ vào mức độ nhiễm khuẩn mà bệnh nhân có thể được kê toa với các loại kháng sinh khác nhau. Việc sử dụng cũng cần có sự dặn dò của bác sĩ, không tự ý mua thuốc, điều chỉnh liều dùng hay đột ngột ngừng thuốc gây ra tình trạng kháng kháng sinh hoặc ngộ độc thuốc
Thuốc chống virus:
- Thường được sử dụng trong viêm phế quản đã xác định nguyên nhân do virus. Tuy nhiên virus thường khu trú trong tế bào nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn
- Nếu bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, từ 7-10 ngày là có thể khỏi bệnh
Thuốc giãn phế quản:
- Nếu bệnh nhân bị viêm phế quản cấp kèm khò khè, có thể được chỉ định dùng thuốc giãn phế quản. Ngoài ra các đối tượng có tiền sử COPD, hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính cũng có thể được dùng nhóm thuốc này
- Thuốc có tác dụng giãn phế quản và tiểu phế quản, giảm sức cản trong đường hô hấp và tăng luồng khí đến phổi
- Các loại thuốc thường dùng là: albuterol, metaproterenol, levalbuterol và pirbuterol
- Các tác dụng phụ thường gặp gồm tăng nhịp tim hoặc đánh trống ngực, đau bụng, co cứng cơ, đau đầu, buồn nôn và nôn
Thuốc kháng histamine:
- Có tác dụng giảm phản ứng dị ứng có thể gặp phải trong viêm phế quản dị ứng. Thuốc này ngăn chặn histamine, một chất hoá học được giải phóng trong cơ thể khi phát hiện chất có hại xâm nhập
- Thuốc kháng histamin phổ biến gồm cetirizine và loratadin
3. Phòng ngừa viêm phế quản như thế nào?
Trước và ngay cả khi đang điều trị viêm phế quản cũng cần tuân thủ một số lưu ý để làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm tình trạng bệnh:
- Không hút thuốc lá, tránh nơi có bụi bẩn, giữ ấm vùng cổ vào mùa lạnh
- Thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc có thể pha nước mỗi loãng để súc miệng mỗi ngày
- Vận động nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành vào sáng sớm thông qua các bài tập
- Người bệnh nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn đầu óc và tinh thần
- Ăn uống đủ chất, bổ sung các loại rau củ giàu vitamin, chất khoáng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
- Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít mỗi ngày để thanh lọc cơ thể
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.