Tiểu cầu hình thành trong tuỷ xương cùng với các loại tế bào máu khác, di chuyển trong các mạch máu và kết dính với nhau để ngăn chặn sự chảy máu khi một mạch máu bị tổn thương. Tình trạng giảm tiểu cầu có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ, thậm chí gây xuất huyết não. Do đó việc cải thiện, làm tăng tiểu cầu là cần thiết cho người bệnh.
1. Đặc điểm hoạt động của tiểu cầu
Máu của con người gồm 2 thành phần là huyết tương và các tế bào máu, trong đó có 3 loại tế bào máu là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Mỗi thành phần này có các nhiệm vụ khác nhau, trong đó: Tiểu cầu có chức năng quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể khi bị thương hoặc chảy máu. Thông thường, cơ thể người sẽ có từ 150000- 450000 tiểu cầu mỗi microlit máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tiểu cầu bị giảm đột ngột như sốt virus, sốt xuất huyết, các bệnh lý về tủy xương, bệnh nhân ung thư phải thực hiện hoá trị, xơ gan, uống nhiều rượu hay tác dụng phụ của thuốc.
Nếu tiểu cầu giảm ở mức độ nhẹ có thể không gây ra triệu chứng nhưng nếu đột ngột giảm quá mức có thể dẫn tới xuất huyết da và niêm mạc, biểu hiện qua việc dễ bị bầm tím, dễ chảy máu, đau đầu dù chỉ chấn thương nhẹ hoặc chảy máu quá nhiều, chảy máu khi đánh răng cùng các biến chứng nghiêm trọng khác.
2. Uống thuốc gì để tăng tiểu cầu?
Khi một bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu hụt tiểu cầu trong cơ thể, có ảnh hưởng đến hoạt động sống thì các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân truyền tiểu cầu để bổ sung và cải thiện tình trạng này. Việc truyền tiểu cầu thường được thực hiện trong các cuộc mổ lớn hoặc các tình trạng thiếu hụt tiểu cầu nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong các trường hợp tiểu cầu giảm nhẹ, sử dụng các thuốc chủ yếu chỉ đóng vai trò bổ sung các vitamin như folate cần thiết cho tế bào máu hay vitamin B12 cần cho sự hình thành của hồng cầu.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý tăng tiểu cầu tự nhiên thông qua chế độ ăn:
- Thực phẩm giàu folate: Rau có màu xanh đậm, gan bò, ngũ cốc và sữa.
- Vitamin B12: Thịt bò, gan bò, trứng, cá hồi, ngao sò và chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, người ăn chay có thể dùng các thực phẩm từ ngũ cốc, hạnh nhân, sữa đậu nành... để cung cấp vitamin B12 cho cơ thể.
- Vitamin C: Có vai trò lớn đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp tiểu cầu duy trì hoạt động tốt. Những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C gồm bông cải xanh, cam, quýt, bưởi, xoài, dứa, dâu tây và cà chua.
- Vitamin D: Cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tiểu cầu ở các tế bào tủy xương. Vitamin D có thể tìm thấy trong lòng đỏ trứng, cá hồi, dầu gan cá, sữa chua, ngũ cốc, sữa đậu nành và nấm,...
- Vitamin K: Góp phần hỗ trợ quá trình đông máu và tăng cường sức khoẻ xương, có thể tìm thấy vitamin K trong củ cải, bông cải xanh, rau bina, đậu nành, cải xoăn và bí ngô,...
- Thực phẩm giàu sắt: Gan bò, ngũ cốc và hạt bí,...
Như vậy, việc truyền bổ sung tiểu cầu tại bệnh viện vẫn là phương pháp chính để điều trị thiếu hụt tiểu cầu ở người bệnh có xuất hiện triệu chứng. Các thuốc làm tăng tiểu cầu chủ yếu là các thuốc bổ sung vitamin B12, folate hay vitamin C, D góp phần gián tiếp vào việc điều trị thiếu hụt tiểu cầu.