Sử dụng các loại thuốc làm mềm phân cho bé là cách đơn giản nhất mà nhiều bố mẹ nghĩ đến khi con gặp phải tình trạng táo bón. Tuy nhiên, cách làm mềm phân cho bé bị táo bón bằng thuốc có thực sự an toàn không, cha mẹ cần lưu ý gì khi sử dụng loại thuốc này?
1. Nhận biết trẻ bị táo bón
Táo bón là tình trạng gây ra vô số khó chịu đối với người mắc phải, bất kể là người lớn hay trẻ nhỏ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh vì lúc này trẻ vẫn chưa thể nói ra. Cách nhận biết một đứa trẻ có bị táo bón hay không cần dựa vào tần suất đi đại tiện của bé, thường là quá ít và mỗi lần đi nặng bé phải rặn đỏ mặt gây ra cảm giác đau đớn, khi sờ vào vùng bụng dưới của bé thấy có cục cứng và tính chất phân ở dạng khô rắn. Sau đây là các dấu hiệu điển hình nhận biết trẻ bị táo bón:
- Trẻ than đau khi đi đại tiện: khi trẻ bị đau khi đi nặng, trẻ sẽ sinh ra tâm lý không muốn đi đại tiện thường xuyên, nguyên nhân gây đau là do phân quá khô cứng, làm rách hậu môn của trẻ gây đau đớn, thậm chí là chảy máu, lâu ngày dẫn đến hiện tượng trẻ nhịn không dám đi đại tiện và khiến vấn đề táo bón ngày càng nặng lên.
- Trẻ bị són phân: táo bón có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị són phân ở quần không kiểm soát do dịch ruột bị ứ lại quanh khối phân cứng gây tắc nghẽn, khi dịch ứ nhiều sẽ dẫn đến són ra ngoài, gây ra chứng són phân lỏng. Hiện tượng này xảy ra với các trẻ bị táo bón nhiều, phân rất cứng gọi là u phân. Trong trường hợp này, mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc xổ phân phù hợp.
- Trẻ bị đau bụng ở vùng xung quanh rốn, đau thường xảy ra theo từng cơn, tái đi tái lại nhiều lần.
Lúc này việc sử dụng thuốc làm mềm phân cho trẻ là cách phổ biến mà nhiều bậc phụ huynh áp dụng để điều trị táo bón cho con. Tuy nhiên khi sử dụng các bậc cha mẹ cần phải hết sức cẩn thận.
2. Thuốc uống làm mềm phân là gì?
Thuốc uống làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng làm mềm có bản chất là một dạng muối của docusat, đây là một chất diện hoạt loại anion, chất này có khả năng làm giảm sức căng bề mặt của khối phân khiến nước dễ dàng thấm vào khối phân và làm khối phân mềm ra, thuốc được sử dụng trong việc điều trị táo bón.
Các thuốc uống làm mềm phân còn làm tăng bài sự tiết dịch, chất điện giải vào bên trong lòng của ruột non và ruột già. Các thuốc uống làm mềm phân này chứa một lượng lớn muối calci, natri và kali, chúng ít hiệu quả hơn so với các thuốc khác nên ngày nay ít được sử dụng. Ví dụ về các thuốc uống làm mềm phân như: parafin lỏng, docusate (Norgalax), trong đó parafin lỏng có thể để lại vết dầu trên quần lót nếu dùng lâu dài với liều cao.
Các thuốc uống làm mềm phân thường được bào chế dưới dạng viên nang mềm, dung dịch uống hoặc dung dịch/hỗn dịch thụt trực tràng, thuốc cho tác dụng cục bộ trong ruột già. Thuốc thường được sử dụng trước khi đi ngủ với liều lượng khuyến cáo trên bao bì hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi uống thuốc các thuốc uống làm mềm phân, người bệnh nên bổ sung nhiều nước trong suốt cả ngày để giúp quá trình làm mềm phân diễn ra dễ dàng hơn.
3. Dùng thuốc làm mềm phân cho trẻ được không?
Thuốc uống làm mềm phân có thể được sử dụng an toàn cho trẻ em và phụ nữ mang thai do thành phần của các thuốc này ít được hấp thu vào máu, vì vậy thuốc uống làm mềm phân được xem là vô hại đối với cơ thể và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thật cẩn thận.
Thuốc làm mềm phân cho bé không cho tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, thuốc hoạt động bằng các giúp nước thấm vào khối phân, làm cho khối phân của bé trở nên mềm mại hơn và có thể tống ra ngoài một cách dễ dàng mà không cần rặn quá nhiều, nhờ đó trẻ đi tiêu dễ dàng, ít tốn sức và giảm bớt đau đớn.
4. Thời gian tác dụng của thuốc làm mềm phân cho bé
Thuốc làm mềm phân cho bé là thuốc thuộc nhóm thuốc nhuận tràng có tác dụng nhẹ và chậm, có thể cần sử dụng thuốc làm mềm phân cho bé thường xuyên từ 1 – 3 ngày mới bắt đầu cảm nhận được tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, các thuốc làm mềm phân cho trẻ chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, thường dùng thuốc trong khoảng 1 tuần, nếu phân của trẻ vẫn cứng dù đã uống thuốc 1 tuần, khi đó phụ huynh hãy thông báo lại với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
5. Thuốc làm mềm phân cho bé có tác dụng phụ hay không?
Thuốc uống làm mềm phân hay nhuận tràng có đặc điểm không hấp thu vào máu và có khả năng dung nạp tốt. Do đó, tác dụng phụ của loại thuốc này tương đối hiếm gặp.
Một số tác dụng phụ ở mức độ nhẹ có thể gặp của thuốc làm mềm phân cho bé bao gồm buồn nôn, đau quặn bụng hoặc đầy hơi. Đối với thuốc bào chế dạng dung dịch có thể gây kích ứng vùng cổ họng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường khi sử dụng thuốc, cha mẹ nên cho bé ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức.
Một số trường hợp hiếm gặp, thuốc uống làm mềm phân có thể gây các tác dụng phụ nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt như:
- Khó thở hoặc nuốt khó;
- Sốt;
- Phát ban toàn thân;
- Đau bụng, nôn ói dữ dội.
Sử dụng thuốc uống làm mềm phân thời gian dài làm giảm khả năng dung nạp thuốc, do đó cần phải tăng liều lượng để nhận thấy hiệu quả. Tuy nhiên, việc này làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, cha mẹ không nên tự ý tăng liều hoặc cho trẻ dùng thuốc kéo dài khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
6. Thuốc làm mềm phân cho bé có tương tác với các thuốc khác hay không?
Tương tác của thuốc làm mềm phân cho trẻ có thể xảy ra:
- Dầu khoáng: Thuốc làm mềm phân có thể làm tăng sự hấp thụ dầu khoáng;
- Aspirin: Dùng chung với aspirin làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ của thuốc nhuận tràng;
- Các loại thuốc thuốc nhuận tràng khác;
- Các thuốc có chứa phenolphtalein.
Thuốc làm mềm phân cho bé tuy mang lại tác dụng chậm nhưng hiệu quả trong việc giúp bé hạn chế rặn quá nhiều khi đi tiêu. Tuy nhiên, tương tự các loại hoạt chất khác, thuốc uống làm mềm phân vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, đặc biệt là vấn đề tương tác thuốc. Do đó, cha mẹ cần chú ý các vấn đề để sử dụng thuốc an toàn và có biện pháp xử lý khi những vấn đề bất thường xảy ra.
7. Cách làm mềm phân cho bé bị táo bón ngoài việc sử dụng thuốc
Thay vì phụ thuốc vào các loại thuốc uống làm mềm phân, cha mẹ có thể thay đổi trong chế độ dinh dưỡng và lối sống để khắc phục được các vấn đề ở hệ tiêu hóa của con.
Bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn song song với việc sử dụng thuốc làm mềm phân cho bé:
- Biện pháp này vừa đơn giản vừa đảm bảo an toàn trong việc cải thiện các triệu chứng táo bón ở trẻ nhỏ;
- Có 2 loại chất xơ là chất xơ hòa tan và không hòa tan, trong đó chất xơ hòa tan có tác dụng hấp thụ độ ẩm trong thức ăn và làm chậm quá trình tiêu hóa, chất xơ không hòa tan giúp tăng độ ẩm phân và giảm các triệu chứng táo bón. Bên cạnh đó, chất xơ không hòa tan có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố ra ngoài;
- Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan bao gồm cam, táo, cà rốt, cháo yến mạch...
- Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ không hòa tan bao gồm các loại đậu hạt, rau có màu xanh đậm như cải xoăn và cải bó xôi.
- Bổ sung nhiều nước: Vấn đề này cũng không kém phần quan trọng do phân của bé sẽ cứng và khô khi cơ thể thiếu nước. Ngoài ra, tình trạng thiếu nước khiến cơ thể căng thẳng và từ đó làm trầm trọng thêm các vấn đề về tiêu hóa.
Cha mẹ cần chú ý khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn: Các bài tập thể dục kích thích quá trình tiêu hóa thức ăn và tăng nhu động ruột giúp phân di chuyển dễ dàng hơn. Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc làm mềm phân cho bé, cha mẹ nên khuyến khích con trẻ dành khoảng 30 phút mỗi ngày để đi bộ sẽ giúp cải thiện hiệu quả các vấn đề ở hệ tiêu hóa của con trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.