Viêm khớp đề cập đến một nhóm các bệnh dẫn đến viêm khớp và đau mãn tính. Thông thường, kết hợp nhiều loại thuốc được sử dụng để giảm đau khớp và sự khó chịu do viêm khớp gây ra. Dưới đây là những lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau viêm khớp.
1. Các loại giảm đau viêm xương khớp
Thuốc giảm đau được chia thành hai nhóm chính: opioid và không opioid.
- Opioid thường được gọi là chất ma túy (thuốc phiện)
- Thuốc giảm đau không opioid bao gồm: thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen
Thuốc giảm đau opioid bao gồm các loại thuốc có nguồn gốc từ opiate tự nhiên (ví dụ: codeine và morphine) cũng như opioid nhân tạo (ví dụ: oxycodone). Nhóm thuốc này giúp giảm đau nhanh và hiệu quả và thường được dành để điều trị các cơn đau dữ dội.
Thuốc giảm đau không opioid được sử dụng để điều trị viêm khớp và đau cơ xương bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen. NSAID được thiết kế để giảm viêm và giảm đau nhẹ đến trung bình. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) là những loại thuốc thường được kê đơn nhất để điều trị viêm và đau do viêm khớp, viêm bao hoạt dịch và viêm gân. Chúng có thể được dùng bằng đường uống hoặc xoa lên các khớp. NSAID ngăn chặn enzyme cyclooxygenase (COX) tạo ra các prostaglandin, là các hóa chất giống như hormone có vai trò lớn nhất trong tình trạng viêm.
Hầu hết các NSAID đều ức chế các enzym COX-1 và COX-2.
- Enzyme COX-1 ảnh hưởng đến quá trình đông máu và sức khỏe của niêm mạc dạ dày
- Enzyme COX-2 ảnh hưởng đến tình trạng viêm có thể dẫn đến đau
Một số loại NSAID đặc biệt chỉ ngăn chặn các enzym COX-2. Được gọi là chất ức chế chọn lọc COX-2, những loại thuốc này ít có khả năng ảnh hưởng đến quá trình đông máu hoặc gây hại cho dạ dày.
Một loại thuốc giảm đau không opioid khác thường được sử dụng để điều trị đau cơ xương là acetaminophen. Acetaminophen không giải quyết được tình trạng viêm mà ngược lại, nó hoạt động bằng cách can thiệp vào khả năng xử lý tín hiệu đau của não.
2. Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau khi bị viêm khớp
2.1 Opioid
Mặc dù những loại thuốc này đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm đau do viêm khớp, nhưng chúng mang lại những rủi ro và tác dụng phụ. Ví dụ:
- Opioid có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy mơ hồ và buồn ngủ, cũng như gây táo bón, ngứa và buồn nôn.
- Bệnh nhân dùng opioid để giảm đau mãn tính sẽ phát triển khả năng dung nạp thuốc theo thời gian, có nghĩa là cơ thể của họ yêu cầu liều cao hơn để đạt được mức giảm đau tương tự.
- Ma tuý, hoặc opioid, có thể gây nghiện, đặc biệt là đối với những người đã từng có vấn đề về nghiện ngập.
Bệnh nhân nên nghiên cứu các nguy cơ tiềm ẩn và tác dụng phụ của opioid, đặc biệt nếu dùng chúng trong thời gian hơn một hoặc hai tuần.
2.2 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
NSAID có thể gây ra các tác dụng phụ, phổ biến nhất là khó chịu ở dạ dày, ợ chua, tiêu chảy hoặc táo bón. Cũng có một số bằng chứng cho thấy NSAID và chất ức chế COX-2 có thể cản trở quá trình liền xương, một mối lo ngại rõ ràng đối với những bệnh nhân trải qua phẫu thuật thay khớp.
2.3 Acetaminophen (paracetamol)
Acetaminophen có tương đối ít tác dụng phụ; tuy nhiên, thuốc này được chuyển hóa bởi gan, do đó bệnh nhân cần lưu ý:
- Sử dụng quá liều khuyến cáo mỗi ngày có thể gây tổn thương gan.
- Một số nhãn hiệu thuốc opioid có chứa thêm acetaminophen. Bệnh nhân dùng opioid hoặc các loại thuốc khác nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng acetaminophen. (Trên nhãn thuốc theo toa, acetaminophen có thể được liệt kê là “APAP.”)
- Dùng acetaminophen và uống rượu có thể gây tổn thương gan. FDA cảnh báo rằng những bệnh nhân dùng liều lượng an toàn của acetaminophen nhưng uống từ ba đồ uống có cồn trở lên trong ngày có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Các cơn đau mãn tính liên quan đến viêm khớp có thể cản trở bạn thực hiện các công việc bình thường hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp với bạn. Bác sĩ có thể kê cho bạn một trong số các loại thuốc giảm đau kể trên, mỗi loại thuốc đều có những khuyến cáo và rủi ro cụ thể. Cho dù bạn đang tìm cách giảm đau ngắn hạn hay điều trị lâu dài mạnh mẽ hơn, hãy nhớ thảo luận với bác sĩ của bạn về loại thuốc phù hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.