Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.
Đặt thông tiểu là thủ thuật dùng để chẩn đoán và điều trị trong một số bệnh về đường tiết niệu, phương pháp này được thực hiện bằng cách chuyển lưu nước tiểu ra ngoài qua một ống đặt từ miệng đạo vào tới bàng quang.
Về mặt giải phẫu học, niệu đạo ở nam giới dài và không thẳng mà có hình dạng giống hình chữ Z nên thủ thuật đặt thông tiểu ở nam giới thường gặp rất nhiều khó khăn, do đó kỹ thuật thông tiểu nam phải được đề cập và huấn luyện kỹ càng.
1. Mục đích của thông tiểu nam
Thông tiểu là phương pháp để điều trị các bệnh đường tiết niệu bằng cách dùng ống thông đưa qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài, nhằm các mục đích:
- Làm giảm hoặc mất đi sự khó chịu và căng quá mức do ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.
- Thông nước tiểu sẽ giúp đo lường được khối lượng và tính chất của nước tiểu lưu trú ở trong bàng quang.
- Lấy mẫu nước tiểu để tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
- Làm sạch bàng quang trong những trường hợp cần thiết như phẫu thuật vùng hậu môn sinh dục, phẫu thuật hoặc soi đường bàng quang tiết niệu của bệnh nhân.
- Theo dõi lượng nước tiểu ở người bệnh bị sốc, bị ngộ độc hoặc bỏng nặng.
2. Khi nào cần đặt ống thông tiểu nam?
Cần đặt ống thông tiểu trong các trường hợp sau:
- Người bệnh mắc các bệnh lý gây ra tắc nghẽn niệu đạo như: phì đại tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến, hẹp niệu đạo.
- Người bệnh bị rối loạn trong việc bài tiết nước tiểu: Tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang, tiểu gắng sức nhưng không được, bị bí tiểu đã áp dụng các biện pháp kích thích tiểu tiện nhưng không có hiệu quả...
- Trong quá trình điều trị khi cần theo dõi lượng nước tiểu ở các bệnh nhân mắc bệnh nặng hoặc chấn thương.
- Lấy mẫu nước tiểu vô trùng để làm các xét nghiệm phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh.
- Sau phẫu thuật.
- Rối loạn chức năng bàng quang liên quan đến hệ thần kinh, ví dụ như bệnh nhân có tổn thương cột sống.
Không dùng ống thông tiểu trong các trường hợp sau đây:
- Người bệnh bị dập rách niệu đạo.
- Gặp các chấn thương tiền liệt tuyến.
- Nhiễm khuẩn niệu đạo.
Trong các trường hợp trên nếu thông tiểu có thể gây tổn thương thêm niệu đạo làm bệnh nặng hơn.
3. Các điểm cần lưu ý khi thông tiểu nam
Để thông tiểu một cách an toàn và hiệu quả, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Dụng cụ (nhất là ống thông) phải tuyệt đối vô khuẩn để tránh bị nhiễm khuẩn ngược dòng.
- Kỹ thuật thực hiện phải đúng quy trình và vệ sinh vô khuẩn.
- Ðộng tác thực hiện phải thật nhẹ nhàng, không được thô bạo hay mạnh tay nếu vướng mắc phải làm lại hoặc yêu cầu bệnh nhân há miệng thở đều để làm giảm co thắt niệu đạo.
- Phải lấy nước tiểu giữa bãi (nếu cần lấy nước tiểu thử vi khuẩn) nên lấy trực tiếp vào ống nghiệm vô khuẩn.
- Không để lưu ống thông quá 48 giờ.
- Không thông đái nhiều lần trong ngày.
- Nếu bệnh nhân bí đái phải rút nước tiểu chậm và không rút hết nước tiểu trong bàng quang sẽ làm giảm áp lực đột ngột và gây chảy máu.
- Theo dõi bệnh nhân trong và sau khi thông tiểu để phát hiện những dấu hiệu bất thường và xử lý kịp thời.
4. Chuẩn bị thông tiểu cho bệnh nhân
- Thông báo cho người bệnh kỹ thuật sắp làm, giải thích tiến trình thực hiện, nội dung và mục đích để bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân biết việc sắp làm giúp họ yên tâm, hướng dẫn bệnh nhân cách hít vào nhẹ để giãn cơ thắt bàng quang nếu cần thiết.
- Đối với trường hợp bệnh nhẹ: Chuẩn bị nước trước để bệnh nhân tự làm vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài trước khi tiến hành thông tiểu.
- Đối với trường hợp bệnh nặng:
- Đầu tiên là trải tấm nilon trên giường, để sẵn bô dẹt dưới mông bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm ngửa co đầu gối chống chân xuống giường và hơi dạng.
- Sau đó rửa bộ phận sinh dục ngoài bằng nước xà phòng loãng hoặc nước đun sôi để nguội, rửa từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, khi làm xong thì đổ nước bẩn đi, rửa bô dẹt và đặt lại dưới mông bệnh nhân.
- Ðiều dưỡng rửa sạch tay bằng xà phòng.
5. Quy trình tiến hành kỹ thuật thông tiểu nam
Điều dưỡng đeo khẩu trang, rửa tay sạch, kiểm tra lại dụng cụ, địa điểm và bệnh nhân sau đó tiến hành thông lỗ tiểu nam.
Cách thông tiểu nam được thực hiện theo quy trình sau:
- Lấy một miếng vải che cho bệnh nhân và cởi bỏ quần ra, quấn vải để vào hai chân bệnh nhân.
- Đổ một lượng vừa đủ dung dịch sát khuẩn vào bát kền đã có gạc củ ấu.
- Ðiều dưỡng thực hiện sát khuẩn tay, mang găng tay vô khuẩn vào.
- Sau đó trải khăn mổ có lỗ để lộ dương vật của bệnh nhân ra bên ngoài.
- Dùng dầu parafin bôi vào ống thông có độ dài từ 7 - 10cm.
- Tay trái điều dưỡng kéo bao da quy đầu xuống để lộ lỗ niệu, tay phải cầm kìm kẹp gạc củ ấu thấm dung dịch sát khuẩn lên quy đầu từ lỗ niệu ra ngoài.
- Một tay cầm dương vật thẳng đứng sao cho dương vật thẳng góc 90 độ so với cơ thể của bệnh nhân, tay kia cầm ống thông đặt từ từ vào lỗ tiểu khoảng 10cm, tiếp theo hạ dương vật xuống đặt song song với thành bụng là ống thông tự trôi vào bàng quang đến khi thấy nước tiểu chảy ra. Sau đó đưa ống thông vào sâu khoảng 18 - 20cm.
- Trong quá trình thực hiện nếu điều dưỡng viên thấy mắc, vướng thì hãy bảo bệnh nhân thở hít mạnh và hơi dặn ống sẽ dễ vào, nếu thấy khó đưa vào thì không được tiếp tục đẩy ống thông, phải rút ra làm lại.
- Khi ống thông đã vào tới bàng quang, tùy theo chỉ định mà lấy nước tiểu để xét nghiệm hoặc tháo nước tiểu ra.
- Rút ống thông tiểu nam để vào khay quả đậu.
- Dùng bơm tiêm rút nước trong bong bóng ra hết.
- Bóp ống lại rồi từ từ rút ra cho vào khay quả đậu
- Sát khuẩn lại lỗ niệu đạo bằng dung dịch sát khuẩn, làm vệ sinh vùng sinh dục lau sạch, khô.
- Kéo quần lên cho bệnh nhân và để bệnh nhân nằm lại tư thế thoải mái.
- Thu dọn dụng cụ đã dùng đem đi đánh rửa sạch và gửi hấp để tiệt khuẩn. Các dụng cụ khác sắp xếp vào đúng nơi quy định.
Kỹ thuật thông tiểu nam cần được tiến hành đúng quy trình trong điều kiện vô khuẩn để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị. Khi có các dấu hiệu và triệu chứng như: tiểu ra máu hay chảy máu từ niệu đạo, không cải thiện được triệu chứng khi đi tiểu, các triệu chứng của nhiễm trùng là sốt, đau bụng dưới, đỏ, sưng, đau ở cơ quan sinh dục,... cần báo ngay cho các nhân viên y tế để kịp thời xử trí.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.