Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sau khi mổ bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt, để giúp cho bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và đồng thời nhằm phát hiện những biến chứng có thể xảy ra sau mổ.
1. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ
1.1 Thời gian sau mổ
Thời gian sau mổ được tính từ thời điểm kết thúc cuộc mổ kéo dài đến khi bệnh nhân hồi phục được khả năng lao động. Thời gian sau mổ được chia làm 2 giai đoạn:
- 24 giờ đầu: Thời gian thoát mê
- Sau 24 giờ: Thời gian chăm sóc tại khoa
1.2 Chăm sóc sau mổ ở viện
Sau khi mổ, bệnh nhân sẽ được vận chuyển vào phòng hậu phẫu để theo dõi trong 24 giờ đầu. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, choáng, trụy mạch. Do đó, để tránh những biến chứng trên có thể xảy ra cần lưu ý:
- Vận chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng bằng xe đẩy
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột
- Giường êm, chắc chắn và thoải mái và có thể thay đổi được tư thế bệnh nhân.
Những vấn đề cần can thiệp đối với bệnh nhân sau mổ bao gồm:
- Hô hấp: Theo dõi nhịp thở, kiểu thở và tần số thở, độ căng giãn lồng ngực.
- Tuần hoàn: Mạch, huyết áp.
- Nhiệt độ.
- Thần kinh: Đánh giá dựa trên thang điểm glasgow.
- Vận động: Khuyến khích bệnh nhân sớm vận động trở lại. Hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tập ho và cử động hai chân hai tay.
- Theo dõi dịch ra vào: Trong 24 giờ đầu cần ghi lại lượng dịch ra vào. Trong một số trường hợp cần thiết nên cân bệnh nhân.
- Theo dõi lượng nước tiểu, màu nước tiểu sau mổ. Đặc biệt trong những trường hợp bệnh nặng hoặc bị bí tiểu, không có nước tiểu trong 6-8 giờ sau mổ, có sử dụng thuốc lợi tiểu.
- Ống dẫn lưu: Theo dõi tích chất, màu sắc của dịch, dấu hiệu chảy máu vết mổ hoặc rối loạn hô hấp qua ống dẫn lưu từ lồng ngực, bụng, bàng quang,...
- Giảm đau sau mổ: Giảm đau sau mổ là một việc làm hết sức quan trọng giúp cho bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục. Đánh giá thang điểm đau và sử dụng thuốc giảm đau với từng trường hợp cụ thể. Một số thuốc giảm đau thường dùng như: paracetamol, perfalgan, diclofenac, morphine,...
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần có một chế độ ăn phù hợp. Trong những ngày đầu có thể bệnh nhân không được ăn mà chủ yếu nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể ăn trở lại sau khi trung tiện được. Nên ăn những đồ ăn dễ tiêu hóa như: Sữa, cháo, rau củ và ăn nhiều hoa quả.
1.3 Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tại nhà
Một số biến chứng muộn có thể xảy ra sau khi bệnh nhân được xuất viện, điển hình là nhiễm trùng vết mổ. Do đó, việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ tại nhà là rất cần thiết.
- Cần bổ sung một số dinh dưỡng cần thiết giúp cho bệnh nhân nhanh chóng hồi phục vết mổ.
- Thường xuyên vệ sinh vết mổ sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ. Đồng thời, bệnh nhân cần nhận biết một số dấu hiệu nhiễm trùng sớm như: sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí vết mổ, có thể có kèm theo sốt.
Tóm lại, sau mổ là khoảng thời gian bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hoàn toàn để có thể hồi phục lại sức khỏe. Một số những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ không chỉ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng hồi phục mà còn dự phòng và phát hiện sớm những biến chứng có thể xảy ra. Khi thấy những dấu hiệu của nhiễm trùng, hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. Cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.