Các xét nghiệm sinh hóa máu chẩn đoán bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm, tuy vậy diễn tiến bệnh thường xảy ra âm thầm không triệu chứng do đó rất nhiều người vẫn không hề hay biết mình bị cao huyết áp cho đến khi các triệu chứng biểu hiện rõ dẫn đến các biến chứng và bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, thận, não, võng mạc ... Hiện nay, với các xét nghiệm máu chẩn đoán bệnh cao huyết áp là phương pháp hiệu quả giúp người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 11 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực hóa sinh lâm sàng.

1. Bạn biết gì về cao huyết áp?

Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch. Huyết áp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lực bơm máu của tim, thể tích máu được bơm cũng như độ đàn hồi của thành động mạch.

Huyết áp được biểu thị bằng phần số huyết áp tâm thu trên huyết áp tâm trương, đơn vị là milimet thủy ngân (mmHg), thường được viết dưới dạng phân số, ví dụ 130/80 mmHg

Cao huyết áp hay tăng huyết áp có thể hiểu đơn giản là khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao liên tục. Người bệnh được chẩn đoán cao huyết áp khi có chỉ số huyết áp tâm thu từ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.

2. Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp

Đa phần bệnh cao huyết áp đều không có nguyên nhân rõ ràng, loại này thường do di truyền và phổ biến ở nam giới. Đây còn được gọi là cao huyết áp tự phát (cao huyết áp vô căn/ bệnh cao huyết áp) với số lượng chiếm 90-95%

Các trường hợp cao huyết áp tìm được nguyên nhân được gọi là cao huyết áp thứ phát (là hậu quả của một số bệnh lý khác) thường chiếm 5-10 % bệnh nhân cao huyết áp.


Cao huyết áp thường không có nguyên nhân rõ ràng
Cao huyết áp thường không có nguyên nhân rõ ràng

Các nguyên nhân cao huyết áp thứ phát bao gồm hệ quả của một số bệnh lý như: Bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận, các bệnh lý thần kinh như rối loạn tâm thần, bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch...

Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác dẫn đến cao huyết áp như: Stress, ăn uống quá mặn làm áp suất thẩm thấu tăng, tăng thể tích máu dẫn đến cao huyết áp, sử dụng thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia, thuốc lá, người ít vận động, nữ giới tầm tuổi mãn kinh cũng có nguy cơ bị cao huyết áp do quá trình lão hóa thành động mạch

Ngoài ra, phụ nữ mang thai thường đến tuần thai thứ 20 thường bị tăng huyết áp thai kỳ, nặng nề có thể diễn tiến đến tiền sản giật với nguyên nhân là do thiếu máu, nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng...

3. Những dấu hiệu cao huyết áp điển hình

Cao huyết áp là căn bệnh có thể đến bất kỳ thời điểm nào với bất kỳ người nào mà thường không có triệu chứng hoặc có nhưng cũng không quá rõ ràng dù cho có thể bênh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Ngoài ra, các triệu chứng của tăng huyết áp cũng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau tùy vào thể trạng của từng người.

Sau đây là tổng hợp các triệu chứng mà người cao huyết áp hay gặp:

  • Hoa mắt, choáng váng, ù tai, mất thăng bằng
  • Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh
  • Mặt đỏ, buồn nôn, hay hồi hộp

Mặc dù trên đây là những biểu hiện thường thấy của bệnh nhân cao huyết áp nhưng đa phần những biểu hiện này đều không rõ ràng và chỉ là những biểu hiện thoáng qua. Vì vậy, nhiều bệnh nhân cao huyết áp chỉ phát hiện ra bệnh khi đã trở nặng, lúc này các biến chứng tim mạch, não, võng mạc, thận .. có thể xảy ra gây nguy hiểm cho người bệnh.

4. Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp thường chỉ được phát hiện khi bệnh đã trở nặng, tuy nhiên cũng có một số xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán bệnh cao huyết áp và đôi khi giúp bác sỹ lâm sàng phát hiện được nguyên nhân bệnh này.

4.1 Các xét nghiệm máu giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh cao huyết áp

  • Xét nghiệm ure máu: Ure trong máu là sản phẩm chính cuối cùng của sự chuyển hóa nitrogen của protein. Hầu hết lượng ure sinh ra từ các chu trình chuyển hóa này được đào thải qua quá trình lọc cầu thận, với 40 - 60% khuếch tán ngược vào máu, không phụ thuộc vào tốc độ chảy trong ống lượn gần. Dựa vào chỉ số ure để xác định các bệnh về thận như suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận, xuất huyết tiêu hóa, suy gan ..
  • Xét nghiệm acid uric máu: là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của base có nitơ nhân purin , chỉ số acid uric tăng giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý về thận, bệnh gout, bệnh lý tăng sinh tủy ..
  • Xét nghiệm creatinin máu: Lượng creatinin sẽ được lọc hoàn toàn qua thận. Chỉ số này được kết hợp với ure dùng để đánh giá chức năng thận. Khi chỉ số này tăng là dấu hiệu có giá trị trong đánh giá chức năng thận ở các bệnh thận (viêm cầu thận mạn, viêm ống thận cấp, suy thận cấp hay mạn).
  • Điện giải đồ máu: Kiểm tra các chỉ số Na+, Cl-, Ca2+, đặc biệt là chỉ số K+ giúp phát hiện ra bệnh lý suy thận cấp hoặc mãn tính có đi kèm thiểu niệu.

4.2 Xét nghiệm đường huyết

Xét nghiệm đường huyết để xác định chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường vì bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây huyết áp cao.


Xét nghiệm lượng đường trong máu giúp xác định nguyên nhân gây huyết áp cao
Xét nghiệm lượng đường trong máu giúp xác định nguyên nhân gây huyết áp cao

4.3 Xét nghiệm mỡ máu

Các chỉ số của bộ xét nghiệm mỡ máu là Triglyceride,cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (LDL-c) và HDL-cholesterol (HDL-c) sẽ giúp theo dõi và phát hiện ra một số bệnh như rối loạn chuyển hóa lipid máu, xơ vữa động mạch và cả cao huyết áp.

Nhận biết được các triệu chứng cao huyết áp cùng với việc đi khám sức khỏe và làm các xét nghiệm tổng thể nói chung cũng như các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán bệnh cao huyết áp giúp người bệnh sớm xác định được tình trạng bệnh để có thể điều trị kịp thời tránh gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe