Lưu ý khi bị đau bụng vùng trên rốn phía bên trái

Khi bị đau bụng bên trái trên rốn đột ngột, kéo dài và ngày càng trầm trọng mà không rõ nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn bao gồm các bệnh về dạ dày, lách, thận, tim, phổi, rối loạn ruột. Do đó, người bệnh cần chú ý đến những cơn đau này và đi khám bác sĩ kịp thời để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Thế nào là đau bụng bên trái trên rốn?

Khi chia ổ bụng thành bốn phần bằng nhau, mọi người sẽ thấy vùng trên rốn bên trái nằm ở góc phần tư trên bên trái, ngay dưới xương sườn. Vùng này được giới hạn từ phần dưới xương sườn đến vùng mu.

Các cơ quan quan trọng ở phần tư phía trên bên trái của bụng bao gồm:

  • Lách.
  • Dạ dày.
  • Một phần của tụy.
  • Thận trái và tuyến thượng thận trái.
  • Đoạn đầu của đại tràng.
  • Một phần nhỏ của gan.

Các thành phần khác bao gồm da và các dây thần kinh điều phối.

Trắc nghiệm: Làm thế nào để bảo vệ lá gan khỏe mạnh?

Làm test trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về gan có thể giúp bạn nhận thức rõ vai trò quan trọng của gan, từ đó có các biện pháp bảo vệ gan để phòng ngừa bệnh tật.

2. Nguyên nhân gây đau bụng bên trái trên rốn

2.1 Nguyên nhân do lách

Nằm ngay sau dạ dày, dưới xương sườn trái cuối cùng, lách là một cơ quan có chức năng chính là lọc máu, sản sinh tế bào máu mới, dự trữ tiểu cầu và tăng cường hệ miễn dịch.

Cơn đau từ lách có thể do:

  • Lách trở nên phì đại: Một số bệnh lý như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và viêm tuyến bạch cầu có thể gây ra tình trạng đau. Cơn đau thường xuất hiện theo từng đợt và có xu hướng tăng dần theo thời gian. Trong trường hợp do nhiễm trùng, người bệnh thường gặp các triệu chứng nhẹ như đau nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng từng cơn và đôi khi kèm theo sốt.
  • Vỡ lách do chấn thương: Khi gặp tai nạn giao thông, nạn nhân sẽ trải qua cơn đau bụng dữ dội và đột ngột sau tổn thương vùng bụng.
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. 
Đau bụng bên trái trên rốn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đau bụng bên trái trên rốn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

2.2 Nguyên nhân do ruột

Nhiều vấn đề ở ruột có thể dẫn đến cảm giác đau bụng bên trái trên rốn, bao gồm:  

  • Viêm loét dạ dày: Triệu chứng phổ biến của loét dạ dày là cảm giác đau ở vùng giữa bụng, dưới xương sườn. Đôi khi, cơn đau có thể lan sang bên trái, gây ra tình trạng đau bụng trên bên trái. Thêm vào đó, cơn đau thường trở nên dữ dội hơn sau khi ăn hoặc vào ban đêm khi ngủ. Để giảm đau, người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng axit nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.
  • Khó tiêu: Người bệnh thường có cảm giác đau ở vùng bụng trên, ợ nóng và trào ngược axit. Cơn đau thường trở nên trầm trọng hơn sau khi ăn.
  • Viêm dạ dày ruột: Cơn đau do nhiễm trùng đường ruột thường lan rộng khắp bụng, bao gồm cả vùng trên rốn bên trái. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu cồn cào, kèm theo tiêu chảy và/hoặc nôn mửa.
  • Viêm ruột thừa: Triệu chứng phổ biến của viêm ruột thừa là đau bụng dưới. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau có thể xuất hiện ở vùng bụng trên kèm theo sốt, rối loạn thói quen đi đại tiện.
  • Bệnh viêm ruột Crohn và viêm loét đại tràng: Nhóm bệnh lý mãn tính này gây đau bụng dai dẳng ở nhiều vị trí khác nhau với triệu chứng phổ biến là tiêu chảy, đôi khi kèm theo máu trong phân.
  • Táo bón: Khi người bệnh cảm thấy số lần đi ngoài ít hơn những ngày trước đó và phân cứng hơn, đây chính là dấu hiệu của chứng táo bón.
  • Hội chứng ruột kích thích: Cơn đau do hội chứng này có thể xuất hiện ở vùng bụng dưới, nhưng cũng có thể ở các khu vực khác trong ổ bụng, bao gồm cả vùng trên bên trái. Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích còn có khả năng gây đầy hơi và khó chịu. Cơn đau thường ngắt quãng và đi kèm với tiêu chảy hoặc táo bón. 

Táo bón có thể gây cảm giác đau ở vùng trên rốn bên trái.
Táo bón có thể gây cảm giác đau ở vùng trên rốn bên trái.

2.3 Do bệnh Zona thần kinh

Cơn đau do Zona thần kinh thường mang tính chất dữ dội như dao đâm hoặc nóng rát, tập trung phát ban chủ yếu ở vùng bụng. Một số người bệnh có thể cảm thấy đau nhức trước khi phát ban và một số trường hợp khác tiếp tục chịu đựng cơn đau dai dẳng sau khi phát ban đã hết (đau dây thần kinh sau Zona).

2.4 Do sỏi thận và nhiễm trùng thận bên trái

Vị trí điển hình của cơn đau do bệnh lý vùng thận là ở vùng bụng trái hoặc sau lưng nhưng cũng có thể lan đến vùng bụng trước.

Sỏi thận có thể gây đau bụng dữ dội (thường xuất hiện ở vùng lưng) đồng thời với các cơn co thắt niệu quản và kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Ngoài ra, nước tiểu có thể lẫn máu.

Nhiễm trùng thận thường gây ra triệu chứng đau nhức theo đường niệu, xuất phát từ vùng thắt lưng sau, lan ra phía trước, vùng bụng trên bên trái hoặc lan xuống bụng dưới. Một số triệu chứng kèm theo có thể là sốt, đau khi tiểu hoặc tiểu nhiều.

2.5 Cơn đau do động mạch chủ

Động mạch chủ là mạch máu chính của cơ thể, đảm nhiệm vai trò vận chuyển máu từ tim đi qua giữa bụng và cung cấp máu đến các khu vực khác của cơ thể.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, động mạch chủ có thể bị phình to bất thường dẫn đến rò rỉ hoặc vỡ. Khi bị rò rỉ, người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng bụng hoặc lưng. Nếu động mạch chủ bị vỡ, cơn đau sẽ trở nên dữ dội và tập trung ở vùng bụng, lưng hoặc ngực đòi hỏi phải can thiệp y tế kịp thời.

2.6 Do vấn đề về tụy

Viêm tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm, dẫn đến các triệu chứng đau dữ dội ở vùng bụng trên, buồn nôn, nôn và sốt. Khối u tuyến tụy cũng có thể gây ra những cơn đau tương tự.

2.7 Do vấn đề về phổi

Các bất thường ở phần dưới phổi có thể ảnh hưởng đến vùng bụng trên nơi chúng chỉ được ngăn cách bởi cơ hoành. Nguyên nhân gây đau thường do nhiễm trùng, ví dụ như viêm phổi hoặc viêm màng phổi. Các triệu chứng đi kèm bao gồm ho, sốt và đau khi thở.

2.8 Do vấn đề về tim

Các triệu chứng không bình thường của tim thường gây ra đau ở ngực, nhưng đôi khi xảy ra đau bụng bên trái trên rốn, do ngực gần với ổ bụng.

Các vấn đề bất thường về tim bao gồm:

  • Cơn đau thắt ngực: Đau xảy ra khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi.
  • Nhồi máu cơ tim: Đau đột ngột và cảm giác bị đè ép, có thể lan xuống tay trái hoặc lên cằm. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu hoặc khó thở và cần được cấp cứu ngay lập tức.
  • Viêm màng ngoài tim: Viêm lớp màng bao quanh tim thường gây đau ngực và kèm theo sốt.

2.9 Do vấn đề về khối cơ

Co kéo cơ hoặc bong gân ở vùng bụng có thể xảy ra do hoạt động bất thường hoặc tập luyện quá sức. Trương trường hợp này, khi người bệnh cử động vùng cơ bị tổn thương sẽ khiến cơn đau tăng nặng. Thay vào đó, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi để giảm đau.


Biểu hiện bất thường ở tim thường gây đau ở ngực mà ngực lại gần ổ bụng.
Biểu hiện bất thường ở tim thường gây đau ở ngực mà ngực lại gần ổ bụng.

3. Làm giảm đau bụng bên trái trên rốn như thế nào?

Khi cơn đau ở mức độ nhẹ và không kèm theo các dấu hiệu như chảy máu, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà để giảm đau hiệu quả, bao gồm:

  • Cơ thể cần được cung cấp đủ nước để duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu đang mắc một số bệnh lý đòi hỏi hạn chế lượng nước nạp vào, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định được lượng nước cần uống phù hợp với bản thân.
  • Giảm nhiệt độ cơ thể về mức bình thường góp phần giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, sử dụng túi chườm nóng hoặc chai nước nóng để chườm lên vùng đau cũng giúp xoa dịu cơn đau.
  • Sử dụng các loại thuốc sau đây: Thuốc giảm đau (cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng), than hoạt tính và các thuốc chứa thành phần tương tự để giảm đầy bụng, thuốc làm giảm nhu động ruột, thuốc điều trị tiêu chảy.

4. Đau bụng bên trái trên rốn khi nào nên đi khám bác sĩ?

Trường hợp cơn đau dai dẳng và không xác định được nguyên nhân, thay vì tự ý áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà, người bệnh nên đi khám bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.

Những dấu hiệu cần được khám ngay lập tức bao gồm:

  • Nôn hoặc ho ra máu.
  • Đi tiêu phân màu đen (có thể có máu trong phân).
  • Nôn liên tục.
  • Đau ngày càng nặng hơn theo thời gian.
  • Choáng váng, mê sảng, ngất xỉu, khó thở.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Sốt, lạnh run và đổ mồ hôi vào ban đêm.

Khi gặp phải tình trạng đau bụng bên trái trên rốn, người bệnh nên áp dụng các biện pháp giảm đau và theo dõi cơn đau. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, người bệnh cần lập tức đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau và có biện pháp điều trị phù hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe