Lưu ý dùng thuốc giảm đau dạ con sau sinh

Hầu như phụ nữ luôn không tránh khỏi tình trạng đau dạ con sau sinh, cơn đau được hình thành là do có sự co thắt tử cung với mục đích đẩy các mô và máu dư ra ngoài. Bạn có thể kiểm soát đau dạ con sau sinh bằng các hoạt động nhẹ nhàng, chế độ ăn và nghỉ ngơi hợp lý hoặc có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ đối với trường hợp đau không kiểm soát hoặc đau sau mổ bắt con.

1. Đau dạ con sau sinh

Tử cung của phụ nữ mang thai sẽ giãn nở theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Sau khi sinh, dạ con bắt đầu co lại để trở về kích thước ban đầu, lúc này sẽ xuất hiện những cơn đau vùng bụng do co thắt tử cung gọi là đau dạ con sau sinh. Cơn co tử cung có vai trò đẩy ra ngoài các mô và máu thừa hay còn gọi là sản dịch còn đọng lại trong tử cung và đường sinh dục. Tùy vào cơ địa mỗi người mà cơn đau dạ con sau sinh sẽ kéo dài khoảng 2 đến 3 ngày hoặc có khi kéo dài cả tuần, đau dữ dội nhất vào 2 ngày đầu sau sinh và giảm dần vào ngày thứ 3. Nếu người mẹ cảm thấy đau nhiều là do cơn co thắt mạnh giúp tử cung giảm kích thước nhanh hơn, vòng bụng cũng từ đó mà gọn hơn, mau lấy lại vóc dáng.

2. Nguyên nhân đau dạ con sau sinh

Có 2 nguyên nhân chính gây đau dạ con sau sinh. Đầu tiên là do tử cung của người mẹ tiếp tục co bóp đẩy sản dịch ra ngoài để trở về trạng thái ban đầu sau khi bé đã chào đời. Hai là do tử cung co bóp nhiều hơn, cơn đau càng đau dữ dội hơn khi người mẹ cho con bú.

3. Thuốc giảm đau dạ con

3.1. Đau dạ con do sinh thường

Khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ thì phụ nữ sau sinh không được tự ý dùng thuốc giảm đau vì có thể ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ hoặc gặp các tác dụng phụ không mong muốn. Lúc này có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau dạ con xuất phát từ kinh nghiệm truyền thống cũng không kém hiệu quả.

3.2. Thuốc giảm đau sau sinh mổ

Mặc khác, những phụ nữ sinh thường phải chịu cơn đau đẻ kinh hoàng và những phụ nữ sinh mổ cũng phải vật vã không kém với cơn đau của vết mổ sau khi hết tác dụng của thuốc gây tê. Sau khi sinh mổ, bạn sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện quan sát từ 5 đến 7 ngày. Ngoài kê toa thuốc kháng sinh, các bác sĩ sản khoa cũng có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau ở trong thời gian này. Cơn đau bởi vết mổ đang trong thời gian hồi phục, kết hợp cùng việc tử cung bị co thắt để quay lại trạng thái lúc đầu có thể khiến bạn kiệt sức. Bác sĩ có thể cân nhắc kê thêm thuốc giảm đau sau sinh mổ nếu như cơn đau vượt quá mức chịu đựng. Việc uống thuốc giảm đau là điều nhất thiết và cũng rất an toàn, không gây tác động tới việc cho bé bú, chẳng hạn như thuốc ibuprofen.

Việc điều trị bằng các loại thuốc giảm đau opioid sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng từng người. Có thể bổ trợ các loại thuốc giảm đau kháng viêm NSAID để có thể làm giảm lượng opioid nếu không có chống chỉ định. Tính toán dựa vào mức độ cơn đau sau mổ dạ con thì các loại thuốc giảm đau thường được các bác sĩ sử dụng như sau:

  • Đau ở mức nhẹ thì có thể sử dụng paracetamol
  • Mức độ đau nhẹ-trung bình thì có thể sử dụng paracetamol phối hợp opioid nhẹ bao gồm codein, dihydrocodeine
  • Đau trung bình-nặng thì có thể sử dụng paracetamol, NSAID và opioid nhẹ codein, dihydrocodeine
  • Trường hợp đau nặng thì có thể sử dụng NSAID và opioid
  • Nếu bệnh nhân đau rất nặng thì có thể sử dụng NSAID và morphine tùy vào bệnh nhân.
  • Khi bệnh nhân cực đau thì có thể gây tê ngoài màng cứng opioid và gây tê tại chỗ

Thuốc giảm đau dạ con chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ
Thuốc giảm đau dạ con chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ

4. Cách giảm đau dạ con sau sinh không dùng thuốc

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các phương thuốc giảm đau co thắt sẽ tạo ra một vài tác dụng phụ không muốn có như buồn nôn hay chảy máu hệ tiêu hóa. Với các dấu hiệu này, mẹ có thể ăn các món ăn như gà rang nghệ, gân bò hầm đu đủ xanh, mề gà nướng, trà gừng để giảm những cơn đau dạ con sau sinh hoặc thử áp dụng các cách giảm đau và kiểm soát cơn đau từ tự nhiên dưới đây:

4.1. Cho con bú sữa mẹ

Khi cho con bú bằng sữa mẹ sẽ kích thích giải phóng hormone oxytocin giúp tử cung co thắt nhanh ngăn ngừa tình trạng mất máu giúp giảm đau dạ con một cách hiệu quả, mẹ cũng nhanh lấy lại vóc dáng. Ngoài ra, khi cho con bú bằng sữa mẹ giúp con tiếp cận với nguồn sữa mẹ sớm và lượng sữa mẹ cũng được duy trì ổn định ngay từ đầu.

4.2. Đi tiểu đều đặn

Phụ nữ sau sinh nên uống nước nhiều và cố gắng làm trống bàng quang bằng cách đi tiểu đều đặn, không nhịn tiểu để tình trạng đau dạ con được cải thiện hơn, nhất là có thể tống khứ lượng sản dịch ra khỏi cơ thể mẹ nhanh chóng hơn. Phụ nữ sau sinh tuyệt đối không được nhịn tiểu lúc đau bụng dễ dẫn đến tình trạng xuất huyết hoặc viêm, nhiễm trùng bàng quang sau sinh

4.3. Massage vùng bụng dưới

Khi bị đau dạ con thì người thân có thể massage bụng cho sản phụ để giảm nhẹ và hỗ trợ đẩy sản dịch ra ngoài, chú ý xoa xung quanh vị trí cứng cho đến khi thấy mềm giúp giảm đau rõ rệt. Không nên chườm nóng vùng bụng lúc này để giảm đau sẽ khiến tử cung khó co lại thậm chí gây ra tình trạng băng huyết rất nguy hiểm.

4.4. Thay đổi tư thế và tập luyện khi nằm

Trường hợp sinh thường thì mẹ có thể nằm sấp nhẹ nhàng trên chiếc gối dưới bụng để giảm cơn đau tức thời. Đối với trường hợp sinh mổ thì mẹ nên thường xuyên xoay trở tư thế nằm sao cho thoải mái nhất có thể đồng thời nhanh chóng tập đi lại hay vận động nhẹ nhàng để tránh bị dính ruột hay bí tiểu. Mẹ cũng nên tập cử động khung sàn chậu và các cơ bắp thành bụng để cơ và các dây chằng sàn chậu đàn hồi tốt hơn, tránh được tình trạng sa tử cung, bàng quang, trực tràng hay còn gọi là sa tạng vùng chậu sau sinh.

4.5. Ngồi thiền

Sau khi sinh thì người mẹ tập ngồi thiền cũng giúp tử cung co lại nhanh hơn và giảm các cơn đau dạ con, hít thở chậm và sâu khi cơn đau xuất hiện. Nên chú ý xen kẽ ngồi thiền và nằm nghỉ để hạn chế gặp tình trạng đau lưng, đau vai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe