Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thuốc giảm đau sau mổ đẻ giúp các bà mẹ giảm những cơn đau do mổ đẻ gây ra, tuy nhiên cần đảm bảo thuốc giảm đau sau mổ đẻ phải ít tiết qua sữa mẹ và ít ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
1. Lựa chọn thuốc giảm đau sau mổ đẻ như thế nào?
Trong khoảng 3 tháng đầu tiên sau khi đẻ mổ, người mẹ sẽ phải đối mặt với các cơn đau bụng nhiều hơn so với bà mẹ sinh thường. Trong khoảng 6 tháng sau khi đẻ mổ, có đến 60% người mẹ bị đau ở vết thương. Ngoài đau vết mổ, người mẹ còn phải đối mặt với cơn đau lưng và đau vùng đáy chậu.
Việc lựa chọn thuốc giảm đau sau mổ đẻ cho người mẹ dựa trên những yếu tố sau:
- An toàn cho mẹ và bé bú sữa mẹ.
- Đảm bảo giúp người mẹ có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng và tỉnh táo để có thể chăm sóc trẻ.
- Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh của người mẹ và mức độ của cơn đau.
2. Thuốc giảm đau sau mổ đẻ được sử dụng thế nào?
2.1 Hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau sau mổ đẻ theo Oxford Handbook of Practical Drug Therapy - Duncan Richards và J. K. Aronson (Oxford University Press 2005)
Dựa vào mức độ cơn đau, các loại thuốc giảm đau vết thương được sử dụng như sau:
- Đau nhẹ: paracetamol
- Đau nhẹ - trung bình: paracetamol phối hợp opioid nhẹ (codein, dihydrocodein)
- Đau trung bình - nặng: paracetamol, NSAID và opioid nhẹ (codein, dihydrocodein)
- Đau nặng: NSAID và opioid
- Đau rất nặng: NSAID và morphine (tùy bệnh nhân)
- Cực đau: gây tê ngoài màng cứng opioid và gây tê tại chỗ
2.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau sau mổ đẻ của Tổ chức NICE (National Institute for Health and Clinical Excellence)
- Trong và sau khi mổ: tiêm diamorphine tủy sống liều 0.3 - 0.4 m, hoặc thay thế bằng cách gây tê ngoài màng cứng cũng với diamorphine nhưng với liều 2.5 - 5.0 mg, giúp làm giảm việc sử dụng bổ sung các loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ khác.
- Tùy theo tình trạng từng người mẹ mà việc điều trị bằng các loại thuốc giảm đau opioid sẽ khác nhau.
- Trong trường hợp không có chống chỉ định, các loại thuốc giảm đau kháng viêm NSAID nên được sử dụng bổ trợ vì có thể làm giảm lượng opioid.
- Tùy vào mức độ của cơn đau, các loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ được khuyến cáo sử dụng như sau: co-codamol (codeine phosphate và paracetamol) với ibuprofen dùng khi đau nhiều; co-codamol dùng khi cơn đau mức trung bình; paracetamol dùng khi đau nhẹ.
2.3 Hướng dẫn sử dụng thuốc giảm đau sau mổ đẻ theo Bệnh viện St Michael’s, Bristol, Vương quốc Anh
- Sau khi mổ: tiêm morphine 1mg vào thiết bị có chứa dụng cụ bơm thuốc được gắn với dây truyền dịch để đưa thuốc vào cơ thể thông qua tĩnh mạch ở chi trên hoặc chi dưới của người mẹ.
- Kết thúc mổ: đặt diclofenac 100mg (chống chỉ định đối với người mẹ bị tiền sản giật hoặc bị trĩ).
- 3 ngày đầu sau mổ: paracetamol và diclofenac.
2.4 Các loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ được dùng
2.4.1 Các loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ có chứa opioid
- Codeine: Đây là thuốc giảm đau đường uống. Liều dùng là Codeine 60mg 4 - 6 giờ/lần, dùng trong 24 giờ, tối đa là 240mg. Thuốc thường gây tác dụng phụ là buồn nôn.
- Oxycodone: Đây là thuốc giảm đau đường uống. Liều dùng là Oxycodone 50mg 4 giờ/lần, dùng trong 24 giờ, tối đa là 30mg.
- Morphine: Đây là loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ được tiêm vào trục thần kinh, có tác dụng gây tê chọn lọc cột sống. Nếu tiêm vào cột sống thì khoảng sau 15 phút thuốc có tác dụng, nếu tiêm ngoài màng cứng thì khoảng sau 30 phút.
- Hydromorphone: Thuốc có tác dụng ngắn hơn so với morphine sulfate.
- Levorphanol: Loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ này hấp thu tốt khi uống và có tác dụng dài hơn so với morphine sulfate.
- Methadone: Thuốc có tác dụng phụ là gây ra tình trạng buồn ngủ kéo dài do thời gian bán thải của thuốc chậm.
- Meperidine: Thuốc hấp thụ kém khi uống, ngoài ra chất normeperidine còn chuyển hóa gây độc.
- Fentanyl: Đây là loại thuốc dùng đường tiêm hoặc dán.
2.4.2 Các loại thuốc giảm đau sau mổ đẻ không chứa opioid
- Acetylsalicylic acid: Đây là thuốc được bào chế dưới dạng viên tan trong ruột.
- Acetaminophen (paracetamol): Thuốc có tác dụng giảm đau nhưng không có tính kháng viêm và ít gây tác dụng phụ. Liều tối đa 4g/ ngày.
- Ibuprofen: Thuốc giảm đau sau mổ đẻ này được uống với liều 400mg trong 72 giờ đầu tiên sau khi mổ, uống 4 - 6 giờ/lần.
- Naproxen: Thuốc có tác dụng trong thời gian dài do thời gian bán thải của thuốc chậm.
- Ketoprolac: Đây là thuốc dùng đường tiêm (tiêm bắp), dùng để loại bỏ các loại thuốc giảm đau khác.
- Trisalicylate: Loại thuốc này ít có tác dụng trên hệ tiêu hóa và tiểu cầu hơn so với aspirin.
- Indomethacin: Loại thuốc này có tác dụng trên hệ tiêu hóa.
- Tramadol: Thuốc có tác dụng giảm đau mạnh và hiếm gây tác dụng phụ là ức chế hô hấp.
3. Một số biện pháp giúp bà mẹ cho con bú giảm đau sau đẻ mổ
Ngoài việc được chỉ định sử dụng các thuốc giảm đau nêu trên, một số biện pháp cần lưu ý sau cũng góp phần giúp các bà mẹ giảm đau sau đẻ mổ:
- Nằm nghiêng khi ngủ và nghỉ ngơi: Để cơ thể nhanh chóng phục hồi, trong khoảng 2 tháng sau khi sinh, người mẹ nên nằm nghiêng khi ngủ, và nghỉ ngơi, có thể dùng thêm gối để kê phía sau lưng. Đặc biệt là ngay sau khi sinh, việc nằm nghiêng khi cho con bú sẽ giúp người mẹ giảm các cơn đau do tử cung co lại, đồng thời giảm cảm giác buồn nôn và các cơn đau đầu. Trong giai đoạn này, người mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, khi nằm cũng nên nằm nghiêng để tạo cảm giác thoải mái và hạn chế được những va chạm với vết mổ.
- Tập vận động nhẹ nhàng: Việc vận động nhẹ nhàng sau khi mổ giúp các mạch máu được lưu thông, tránh tình trạng tụ máu, đồng thời giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, giảm đau sau đẻ mổ.
- Không vận động quá sức: Sau khi sinh mổ trong khoảng 2 tháng, người mẹ không nên vận động quá sức hoặc quá mạnh, bởi lúc này các cơ ở bụng còn yếu. Vận động mạnh hay làm việc quá sức sau khi sinh mổ có thể ảnh hưởng đến vết mổ, gây biến chứng nguy hiểm.
Thuốc giảm đau sau mổ đẻ được sử dụng tùy vào mức độ của cơn đau và tình trạng sức khỏe của người mẹ. Tuy nhiên, hầu hết những loại thuốc này không ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và người mẹ được khuyên là cho con bú trước khi dùng thuốc.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng phương pháp đẻ không đau cùng đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức chuyên nghiệp, các sản phụ sẽ không còn những cơn đau vật vã nữa. Với các sản phụ đẻ mổ sẽ được gây tê thần kinh bằng máy siêu âm trong điều trị đau sau mổ. Kết quả đánh giá hiệu quả giảm đau gần đây nhất cho thấy: Toàn bộ sản phụ sinh mổ đều không phải sử dụng morphin, tình trạng đau sau sinh khi vận động và sinh hoạt gần như không còn được ghi nhận
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.