Omeprazole là tên thuốc quen thuộc với người viêm loét dạ dày tá tràng hay trào ngược dạ dày thực quản. Hoạt chất Omeprazole có trong thuốc Lomec 20. Vậy Lomec 20 được chỉ định như thế nào và quá trình điều trị cần quan tâm những vấn đề gì?
1. Thuốc Lomec 20 là thuốc gì?
Thuốc Lomec 20 thành phần bao gồm hoạt chất Omeprazol hàm lượng 20mg và một số tá dược như Lactose anhydrous, Hypromellose, Hydroxypropyl Cellulose, Natri lauryl sulfat, Dinatri Phosphate Dodecahydrate, Hypromellose phthalate, Diethyl phthalate, Sugar spheres
Thuốc Lomec 20 bào chế dạng viên nang cứng màu xanh, chứa các hạt vi nang bao tan trong ruột. Quy cách đóng gói mỗi hộp 4 vỉ, mỗi vỉ gồm 7 viên nang.
2. Đặc điểm dược học của thuốc Lomec 20
2.1. Dược lực học
Hoạt chất Omeprazol trong thuốc Lomec 20 ức chế bài tiết dịch acid của dạ dày thông qua cơ chế ức chế có hồi phục hệ enzym H+/K+/ATP (còn gọi là các bơm proton) ở tế bào thành của dạ dày.
Tác dụng ức chế bơm proton của thuốc Lomec 20 diễn ra nhanh, kéo dài nhưng có hồi phục, đồng thời Omeprazol không tác động lên thụ thể Acetylcholin hay Histamin. Thuốc Lomec 20 đạt hiệu quả tối đa sau khi uống thuốc 4 ngày.
2.2. Dược động học
Thuốc Lomec 20 hấp thụ hoàn toàn ở ruột non sau uống 3 đến 6 giờ. Sinh khả dụng đạt khoảng 60% và thức ăn không ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc. Sự hấp thu Omeprazol phụ thuộc vào liều sử dụng, cần lưu ý thêm là thuốc Lomec 20 có thể tự làm gia tăng hấp thu và sinh khả dụng do tác dụng ức chế dạ dày bài tiết acid.
Thuốc Lomec 20 gắn kết nhiều với protein huyết tương (khoảng 95%) và được phân bố rộng rãi ở các mô, đặc biệt là ở tế bào thành dạ dày. Sinh khả dụng sinh thuốc Lomec 20 đường uống lần đầu tiên là khoảng 35%, nhưng sẽ tăng lên 60% khi người bệnh tiếp tục uống thuốc mỗi ngày với liều tương tự. Tuy thuốc Lomec 20 có thời gian bán thải ngắn (khoảng 40 phút), nhưng tác dụng ức chế bài tiết acid lại kéo dài, nên có thể dùng 1 lần mỗi ngày
Omeprazol được chuyển hóa gần như hoàn toàn tại gan, sau đó đào thải nhanh chóng và chủ yếu qua nước tiểu (80%), phần còn lại thải trừ qua phân. Các chất chuyển hóa của Omeprazole đều không có hoạt tính, nhưng lại xảy ra tương tác với nhiều thuốc khác do khả năng ức chế cytochrom P450.
Dược động học của thuốc Lomec 20 không thay đổi có ý nghĩa ở người cao tuổi hay người suy thận. Đối với bệnh nhân suy chức năng gan, sinh khả dụng của thuốc Lomec 20 tăng còn độ thanh thải thì giảm. Tuy nhiên chưa ghi nhận hiện tượng tích tụ thuốc và các chất chuyển hóa trong cơ thể.
3. Chỉ định của thuốc Lomec 20
Chỉ định sử dụng thuốc Lomec 20 trong những trường hợp sau đây:
- Loét dạ dày tá tràng;
- Trào ngược dạ dày thực quản;
- Hội chứng Zollinger-Ellison.
4. Hướng dẫn sử dụng thuốc Lomec 20
Để tăng hiệu quả điều trị của thuốc Lomec 20, một yếu tố rất quan trọng là vết loét dạ dày phải được liền sẹo lâu dài và tránh tái phát, đồng thời phải loại trừ hoàn toàn Helicobacter pylori hoặc hạn chế/ngưng sử dụng thuốc chống viêm không steroid.
Liều dùng khuyến cáo của thuốc Lomec 20:
- Viêm thực quản do GERD: Liều khuyến cáo là 20 - 40mg (1 đến 2 viên Lomec 20), uống mỗi ngày một lần trong thời gian từ 4 đến 8 tuần, sau đó có thể điều trị duy trì với liều 20mg một lần mỗi ngày;
- Điều trị loét: Khuyến cáo dùng 1 lần/ngày, mỗi lần 1 viên thuốc Lomec 20 (trường hợp nặng có thể dùng 2 viên) trong thời gian 4 tuần với loét tá tràng và 8 tuần với loét dạ dày. Người bệnh không nên dùng thuốc Lomec 20 kéo dài hơn thời gian khuyến cáo. Việc sử dụng Omeprazol làm giảm độ acid trong dạ dày, nhưng lại kích thích tăng tiết gastrin tạm thời và phục hồi được. Liều uống 20mg Omeprazol làm giảm tạo HCI trong vòng 2 giờ, khi dùng liên tục mỗi ngày uống 1 liều thì tác dụng tối đa sẽ đạt được sau 3-5 ngày;
- Người bệnh sử dụng Omeprazole liều 20mg đầu tiên đã có tác dụng giảm các triệu chứng và đa số người bệnh loét dạ dày và viêm thực quản có trào ngược cần thời gian trung bình 4 tuần để vết loét liền sẹo. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sẽ cao nếu không tiêu diệt hoàn toàn H.pylori cũng như không giảm hoặc ngừng sử dụng NSAID;
- Sử dụng thuốc Lomec 20 trong phác đồ diệt trừ H. pylori: Omeprazol cần kết hợp các thuốc trong phác đồ 2 hoặc 3 thuốc, bao gồm ức chế bơm proton, kháng sinh, thuốc chống acid. Phác đồ hay dùng là kết hợp thuốc Lomec 20 với kháng sinh Amoxicillin (hay Tetracycline) và Metronidazole (hay Tinidazole) trong 10 ngày. Phác đồ 3 thuốc thường gây nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với 2 thuốc, nhưng trong cả hai trường hợp các tác dụng không mong muốn đều nhẹ;
- Điều trị hội chứng Zollinger-Ellison: Mỗi ngày uống một lần trung bình 60mg Omeprazole, tương đương 3 viên thuốc Lomec 20 (thay đổi từ 20 - 120mg/ngày), trường hợp liều cao hơn 80mg cần chia ra 2 lần/ngày;
- Bệnh nhân suy gan: Sinh khả dụng và thời gian bán thải của thuốc Lomec 20 có thể tăng ở đối tượng này. Do đó liều khuyến cáo tối đa hàng ngày cho người suy gan là 20mg.
5. Chống chỉ định của thuốc Lomec 20
Không sử dụng thuốc Lomec 20 cho người có tiền căn hoặc cơ địa nhạy cảm Omeprazol, các PPI khác hay bất cứ thành phần tá dược nào có trong thuốc.
6. Một số cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc Lomec 20
- Trước khi cho người bị loét dạ dày dùng thuốc Lomec 20, bác sĩ cần phải loại trừ khả năng mắc các bệnh lý ác tính do Omeprazole có thể làm che lấp các triệu chứng và dẫn đến chẩn đoán muộn bệnh lý ung thư.
- Tương tự các thuốc ức chế bơm proton khác, thuốc Lomec 20 nên sử dụng thận trọng ở người suy chức năng gan và đòi hỏi điều chỉnh liều cho phù hợp.
- Thuốc Lomec 20 trên thực nghiệm không ghi nhận khả năng gây dị dạng và độc với bào thai, nhưng không nên dùng cho phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là 2 tháng đầu thai kỳ.
- Không nên dùng thuốc Lomec 20 ở người đang cho con bú. Chưa có tài liệu nghiên cứu nào có kết luận cụ thể về vấn đề này.
- Thuốc Lomec 20 có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, do đó nên thận trọng khi sử dụng cho đối tượng người lái xe và vận hành máy móc phức tạp.
7. Tác dụng phụ của thuốc Lomec 20
Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Lomec 20:
- Đau đầu, buồn ngủ, chóng mặt;
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, táo bón, chướng bụng.
Một số vấn đề không muốn ít gặp hơn của Lomec:
- Mất ngủ, rối loạn cảm giác, chóng mặt, mệt mỏi;
- Da nổi mày đay, ngứa, nổi ban;
- Tăng men gan tạm thời;
- Vã mô hôi;
- Phù ngoại biên;
- Biểu hiện quá mẫn bao gồm phù mạch, sốc, phản vệ;
- Giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu hay giảm toàn bộ các tế bào máu;
- Lú lẫn có hồi phục, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người cao tuổi;
- Rối loạn thính giác;
- Chứng vú to ở nam giới;
- Nhiễm nấm Candida;
- Viêm gan có kèm vàng da hoặc không, bệnh não gan;
- Co thắt phế quản;
- Đau khớp, đau cơ;
- Viêm thận kẽ.
Thuốc Lomec 20 thành phần bao gồm hoạt chất Omeprazol hàm lượng 20mg và một số tá dược được chỉ định điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.