Thuốc Alcaftadine được chỉ định sử dụng chủ yếu để điều trị cho các tình trạng bị viêm kết giác mạc do dị ứng. Thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt 0,25% và cần được sử dụng theo đúng liều khuyến cáo của bác sĩ để phát huy công hiệu tốt nhất.
1. Alcaftadine là thuốc gì?
Alcaftadine là loại thuốc đối kháng thụ thể histamine H1, được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các tình trạng đỏ mắt, ngứa hoặc khó chịu ở mắt có liên quan đến viêm kết giác mạc dị ứng. Thuốc Alcaftadine được phê duyệt vào năm 2010 và bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt với hàm lượng 0,25%. Những bệnh nhân bị đỏ mắt do đeo kính áp tròng nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng Alcaftadine.
2. Công dụng của thuốc Alcaftadine
Dược động học:
- Alcaftadine là một chất kháng histamin và ức chế giải phóng histamin H1 từ các tế bào mast. Ngoài ra, hoạt chất này cũng được chứng minh có khả năng ức chế sự kích hoạt eosinophil và làm giảm chemotaxis.
Dược lực học:
- Sau khi nhỏ dung dịch Alcaftadine 0,25% ở 2 bên mắt, Cmax huyết tương trung bình của hoạt chất sẽ đạt khoảng 60 pg / mL và Tmax trung vị có thể xảy ra sau 15 phút. Mặt khác, nồng độ trong huyết tương của Alcaftadine dưới giới hạn định lượng thấp hơn trong vòng 3 giờ sau khi nhỏ thuốc, cụ thể là 10 pg / mL. Chỉ số Cmax trung bình của chất chuyển hoá acid carboxylic là 3 ng / mL, có xu hướng xảy ra khoảng 1 giờ sau khi dùng thuốc. Nồng độ trong huyết tương của acid carboxylic ở dưới giới hạn định lượng thấp hơn sau khoảng 12 giờ kể từ khi nhỏ thuốc, cụ thể là 100 pg / mL.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Alcaftadine
3.1. Liều lượng sử dụng thuốc Alcaftadine
Liều lượng sử dụng Alcaftadine thuốc điều trị viêm kết mạc do dị ứng sẽ tùy thuộc vào đối tượng bệnh nhân nhất định, cụ thể:
- Liều thông thường Alcaftadine dành cho người lớn: Nhỏ 1 giọt vào mỗi bên mắt, ngày dùng 1 lần;
- Liều thông thường Alcaftadine dành cho trẻ em trên 2 tuổi: Nhỏ mỗi mắt một giọt và dùng 1 lần / ngày.
3.2. Cách sử dụng thuốc Alcaftadine
Thuốc Alcaftadine được bào chế dưới dạng dung dịch nhỏ mắt và cần được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liệu lượng và tần suất để đảm bảo phát huy tốt nhất công dụng của thuốc. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thuốc Alcaftadine trước khi quyết định sử dụng nhằm xác định thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của mình. Tốt nhất, bạn nên nhỏ dung dịch Alcaftadine vào một thời điểm nhất định trong ngày để hạn chế nguy cơ bỏ quên liều thuốc.
Dưới đây là các hướng dẫn khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Alcaftadine, bao gồm:
- Rửa sạch tay trước khi nhỏ mắt nhằm ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn, tuyệt đối không chạm tay vào đầu ống nhỏ giọt hoặc đặt lọ thuốc chạm trực tiếp vào mắt hay các bề mặt khác.
- Khi nhỏ thuốc Alcaftadine, bệnh nhân cần ngồi ở tư thế thoải mái, giữ đầu hơi ngả ra sau và mắt hướng lên trên. Sau đó, nhẹ nhàng dùng tay kéo phần mí mắt xuống dưới và để đầu thuốc ở phía trên, bóp nhẹ lọ để dung dịch từ từ chảy giọt xuống.
- Sau khi nhỏ thuốc, người bệnh nên nhìn xuống nhẹ nhàng để tránh thuốc chảy ra ngoài theo khoé mắt. Tốt nhất nên nhắm mắt trong vòng 1 – 2 phút và tránh dùng tay dụi hoặc chớp mắt.
- Nếu có dung dịch thuốc chảy ra ngoài, bạn có thể lau sạch bằng khăn, sau khoảng 15 phút bạn có thể đeo lại kính áp tròng.
Nếu người bệnh đang sử dụng các loại thuốc điều trị khác cho mắt, tốt nhất nên để thời gian giãn cách giữa các loại thuốc tối thiểu 5 phút nhằm tránh xảy ra tương tác. Trong quá trình dùng alcaftadine, nếu nhận thấy tình trạng viêm kết giác mạc dị ứng không được cải thiện hoặc có chuyển biến xấu, bạn nên báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Nhằm giúp đạt được hiệu quả tối ưu, bệnh nhân nên sử dụng thuốc Alcaftadine đều đặn và đầy đủ mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng cần kiểm tra kỹ chất lượng của thuốc, nếu nhận thấy dung dịch chuyển màu đen, hãy ngừng dùng thuốc ngay. Việc sử dụng thuốc biến chất có thể làm tăng thêm mức độ trầm trọng của tình trạng dị ứng mắt, đồng thời gây nhiễm trùng và mất thị lực.
4. Một số tác dụng phụ của thuốc Alcaftadine
Cùng với một số công dụng quan trọng, thuốc Alcaftadine có thể gây ra các tác dụng phụ cho người bệnh trong quá trình sử dụng. Khi nhận thấy sự hiện diện của bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, người bệnh hãy liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp khắc phục, cụ thể:
- Có cảm giác châm chích hoặc nóng bỏng trong mắt;
- Ngứa mắt, đau hoặc đỏ mắt;
- Tiêu chảy, sốt, ho, đau đầu;
- Có cảm giác khó chịu trong mắt;
- Đau khớp, ăn không ngon miệng;
- Sổ mũi, rùng mình, buồn nôn, nôn ói, đau nhức cơ bắp;
- Đau họng, có cảm giác nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
- Đổ mồ hôi, suy nhược hoặc mệt mỏi bất thường;
- Khó ngủ, gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm.
5. Những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc Alcaftadine
Trước khi điều trị bằng thuốc Alcaftadine, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Báo cho dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa về tiền sử dị ứng của bạn với hoạt chất Alcaftadine hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào trong thuốc.
- Báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc kê đơn và OTC, thảo dược, viên uống bổ sung, vitamin hoặc thực phẩm chức năng nào mà bạn đang sử dụng.
- Báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch sinh con hay đang nuôi con bú.
- Tránh đeo kính áp tròng khi mắt bị kích ứng, khó chịu hoặc đỏ vì kính có khả năng hấp thụ chất Benzalkonium chloride trong thuốc. Bạn chỉ nên đeo lại kính sau khi nhỏ thuốc ít nhất 15 phút.
Hiện vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng cho thấy thuốc Alcaftadine có thể mang lại rủi ro cho phụ nữ mang thai hoặc nuôi trẻ bú. Theo cục FDA cho biết, thuốc Alcaftadine thuộc nhóm B đối với thai kỳ, bạn có thể tham khảo thông tin phân loại thuốc theo nhóm cho thai phụ dưới đây, cụ thể:
- Nhóm A: Không có nguy cơ gây rủi ro;
- Nhóm B: Ít có nguy cơ rủi ro trong một vài nghiên cứu;
- Nhóm C: Có khả năng có nguy cơ rủi ro;
- Nhóm D: Có bằng chứng về nguy cơ gây rủi ro của thuốc;
- Nhóm X: Chống chỉ định sử dụng thuốc;
- Nhóm N: Chưa có thông tin, cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
6. Tương tác của thuốc Alcaftadine
Tương tác của thuốc Alcaftadine với những thuốc khác có thể làm thay đổi cơ chế hoạt động của thuốc, thậm chí làm gia tăng sự ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về sự tương tác của thuốc Alcaftadine, do đó người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu muốn dùng thuốc cùng với các dược phẩm đang được sử dụng để điều trị bệnh khác. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh tự ý sử dụng Alcaftadine, ngưng hoặc điều chỉnh liều mà chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
7. Hướng dẫn bảo quản thuốc Alcaftadine
Thuốc Alcaftadine nên được bảo quản tại nơi có nhiệt độ phù hợp, tốt nhất nên dưới 30 độ C, tránh ẩm và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Bạn tuyệt đối không cất thuốc tại ngăn đá cũng như phòng tắm bởi điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của thuốc, dễ gây mất tác dụng và làm tăng nguy cơ gây hại cho mắt.
Trước và trong quá trình dùng Alcaftadine, bạn nên đọc kỹ những hướng dẫn in trên bao bì thuốc hoặc tham khảo lời khuyên của bác sĩ. Bảo quản Alcaftadine ở nơi cao ráo, tránh tiếp xúc với trẻ em hoặc thú nuôi.
Đối với thuốc Alcaftadine đã quá hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng, bạn nên xử lý thuốc theo đúng quy trình khuyến cáo của chuyên gia. Tránh vứt thuốc hoặc xả thuốc xuống toilet hay ống dẫn nước nhằm tránh nguy cơ gây ô nhiễm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com