Lợi ích khi thai giáo trong 3 tháng giữa thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Ba tháng giữa là thời gian thai nhi bắt đầu có khả năng tiếp nhận kích thích từ môi trường bên ngoài và cũng là thời điểm dung hòa tốt nhất giữa mẹ và thai. Chính vì vậy, việc áp dụng những phương pháp thai giáo ở ba tháng giữa là một trong những việc quan trọng giúp thai phát triển các giác quan cũng như hệ thần kinh trung ương.

1. Vì sao nên thực hiện thai giáo ba tháng giữa thai kỳ?

Ba tháng giữa thai kỳ là thời điểm thai nhi đã phân chia và hình thành hầu hết các cơ quan, bước vào giai đoạn phát triển về kích thước và hoàn thiện chức năng. Các cơ quan thính giác, thị giác, xúc giác bắt đầu có khả năng thu nhận các kích thích từ bên ngoài tử cung. Chính vì thế, ngoài chế độ ăn hợp lý giúp thai nhi hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hành thai giáo được xem như những bài tập rèn luyện cho sự phát triển của các cơ quan này cũng như hệ thần kinh trung ương.

Ngoài ra, thai nhi cũng bắt đầu cảm nhận được sợi dây gắn kết giữa mẹ và thai thông qua việc thực hành thai giáo ba tháng giữa. Những phương pháp thai giáo thông qua xúc giác (chạm nhẹ ở vùng bụng), thính giác (trò chuyện, nghe nhạc), cảm xúc, thị giác (ánh sáng), vận động không chỉ giúp thai nhi phát triển toàn diện mà còn tăng cường cảm nhận, nhận biết được sự quan tâm, yêu thương từ bố mẹ. Việc thực hành thai giáo thường xuyên cũng sẽ giúp mẹ có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của thai nhi và dễ dàng phát hiện sớm những tình trạng bất thường của thai, từ đó có thể nhận được chăm sóc hỗ trợ từ nhân viên y tế kịp thời.


Thai nhi 3 tháng giữa đã hình thành và hoàn thiện hầu hết các cơ quan
Thai nhi 3 tháng giữa đã hình thành và hoàn thiện hầu hết các cơ quan

2. Những phương pháp thai giáo nào có thể áp dụng ở ba tháng giữa thai kỳ?

2.1. Phương pháp thai giáo thông qua cảm xúc

Như đã đề cập ở trên, thời gian ba tháng giữa là thời điểm có sự hòa hợp nhất giữa mẹ và thai nhi. Khi đó, tình trạng thai nghén sẽ giảm dần so với ba tháng đầu của thai kỳ, mẹ có thể bắt đầu ăn uống ngon miệng hơn và dễ dàng thực hiện những công việc nhẹ nhàng, vừa phải.

(Xem thêm: Những lưu ý trong thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa)

Thai giáo ba tháng giữa chú trọng nhiều đến cảm xúc tích cực từ mẹ. Một tinh thần lạc quan và hạnh phúc chính là một phương pháp thai giáo hiệu quả cho sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này. Vận động nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành cũng như tránh tiếng ồn hay âm thanh quá lớn sẽ giúp tinh thần của mẹ tốt hơn.

2.2. Phương pháp thai giáo thông qua âm thanh

Các cơ quan thính giác của thai nhi đã bắt đầu có thể tiếp nhận được vào tuần thứ 17 của thai kỳ. Việc áp dụng phương pháp thai giáo bằng âm thanh như cho thai nhi nghe những bản nhạc êm dịu, vui tươi sẽ giúp kích thích phát triển về thính giác và trí não của trẻ.

Bố mẹ có thể trò chuyện với thai nhi hoặc kể những câu chuyện đơn giản hay đọc thơ cũng là một trong những phương pháp thai giáo hiệu quả. Đây cũng là thời gian giúp tăng cường sự gắn kết không chỉ của người mẹ mà còn của người bố và dần hình thành sợi dây gắn kết yêu thương của cả gia đình.

Nghe nhạc cũng giúp mẹ loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, lo lắng và giảm căng thẳng, giúp mẹ bầu có được tâm lý thoải mái và thai sẽ có được cảm xúc theo hướng tích cực trong tương lai.


Nghe nhạc giúp cả mẹ và bé cảm thấy thoải mái và dễ chịu
Nghe nhạc giúp cả mẹ và bé cảm thấy thoải mái và dễ chịu

2.3. Phương pháp thai giáo thông qua xúc giác

Những cử chỉ chạm nhẹ trên thành bụng của mẹ trong ba tháng giữa sẽ giúp thai nhi cảm nhận được sự quan tâm từ mẹ, đây được xem như là một cách giao tiếp về xúc giác lẫn cảm xúc giữa mẹ và thai. Khi đó, thai nhi có thể cảm nhận được sự yêu thương từ những thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là người bố.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên giao tiếp với trẻ thông qua những cử chỉ va chạm trên thành bụng, mẹ cũng có thể theo dõi được cử động và tư thế của thai. Từ đó, phát hiện sớm những tình trạng nghi ngờ bất thường và mau chóng nhận được sự hỗ trợ từ nhân viên y tế.

2.4. Phương pháp thai giáo thông qua vận động

Những bài tập thể dục, vận động nhẹ nhàng ở tháng thứ 4 thai kỳ là một trong những phương pháp hỗ trợ mẹ về thể chất lẫn tinh thần. Khi hoạt động thể lực, thai nhi sẽ tự động tìm được những tư thế thoải mái, dễ chịu thích nghi với các tư thế của mẹ lúc vận động. Đặc biệt, những bài tập aerobic, yoga được chứng minh là những bài tập có lợi trong thai kỳ.

Ngoài ra, vận động vừa phải thường xuyên giúp mẹ giảm được các nguy cơ về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường thai kỳ hoặc rối loạn huyết áp thai kỳ như tiền sản giật, tránh được các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.

2.5. Phương pháp thai giáo thông qua ánh sáng

Vào tháng thứ 4 của thai kỳ, hệ thống thần kinh thị giác của thai nhi cơ bản đã được hình thành, mặc dù thai nhi vẫn chưa mở mắt được nhưng có thể cảm nhận những thay đổi về ánh sáng. Áp dụng thai giáo bằng ánh sáng vào thời điểm này giúp thai nhi dần thích nghi với sự biến đổi về sáng tối, kích thích phát triển thị giác cũng như não bộ.


Thai giáo thông qua ánh sáng giúp thai nhi phát triển cả thị giác và não bộ
Thai giáo thông qua ánh sáng giúp thai nhi phát triển cả thị giác và não bộ

Mẹ có thể thực hiện bằng cách nằm trong phòng có nhiệt độ ổn định, để lộ vùng bụng, sau đó dùng đèn pin có cường độ vừa phải chiều sáng vào bụng. Bật và tắt đèn giúp thai nhi có thể dần dần thích ứng với sự thay đổi về ánh sáng. Mỗi lần như vậy nên thực hiện khoảng năm phút và từ 1 – 2 lần/ ngày. Nên tránh thực hiện lâu và ánh sáng quá mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị lực của trẻ về sau.

Tóm lại, ba tháng giữa thai kỳ là giai đoạn quý giá để áp dụng thực hành thai giáo, giúp thai nhi dần làm quen với những kích thích từ môi trường bên ngoài, phát triển tốt các giác quan và hình thành nên sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe