Bài viết bởi Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Kỹ thuật viên Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Mỗi đứa trẻ là một cá thể đặc biệt. Trong quá trình phát triển tâm sinh lý, chúng chịu ảnh hưởng từ phong cách giáo dục của gia đình, môi trường sống xung quanh, môi trường học tập... Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của trẻ không thể bỏ qua chính là các bạn cùng lứa tuổi và các mối quan hệ tương tác của trẻ, ở lứa tuổi dưới 6 tuổi có thể thấy rõ nhất ở nhóm trẻ mà trẻ tham gia.
Khi tham gia và ở trong một nhóm, trẻ có cơ hội để thể hiện sở thích của bản thân, ví dụ như thích chơi đồ chơi ô tô, chứ không phải mô hình siêu nhân, hoặc trẻ sẽ chọn bạn này để chơi chứ không phải chơi với bạn khác theo ý của bố mẹ hoặc ý kiến đám đông.
Bên cạnh đó, trẻ có cơ hội để thể hiện tính cách thông qua cách mà chúng tiếp cận với trẻ khác, cách mà chúng làm quen, cách mà chúng đưa ra những trao đổi thỏa thuận khi mong muốn được chơi hoặc kết thúc một hoạt động vui chơi gì đó.
Hơn hết, trẻ sẽ có cơ hội quan sát, ghi nhớ và tái hiện những gì trẻ đã được trải qua hoặc chứng kiến trong cuộc sống. Ví dụ như khi trẻ chơi đóng vai các thành viên trong gia đình, trẻ đã được quan sát từ gia đình mình và “tái hiện” đúng những gì mình đã được chứng kiến. Mỗi đứa trẻ được đến từ những gia đình khác nhau, sẽ “tái hiện” những nhân vật và tính cách khác nhau. Từ đó, mỗi đứa trẻ lại được học thêm những điều mới mẻ từ việc “tái hiện tình huống” của người bạn chơi cùng.
XEM THÊM: Dạy trẻ tương tác với người lạ
Ngoài ra, trẻ sẽ có cơ hội để học cách giải quyết vấn đề, cách thỏa hiệp và giải quyết xung đột. Khi các trẻ chơi với nhau thành nhóm, sẽ cần trải qua các giai đoạn tập hợp nhóm – duy trì nhóm – tan rã nhóm. Ở giai đoạn hình thành nhóm, các trẻ sẽ có sự “rủ rê” nhau, đưa ra các hoạt động để lựa chọn. Khi đã chọn được hoạt động vui chơi rồi, chúng sẽ cần thực hiện các cách thức để hoạt động đó được tiếp tục diễn ra. Việc này, xuất hiện kể cả ở nhóm trẻ 1 – 2 tuổi, khi chúng chưa biết nói và giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, nhưng chúng có thể ngồi nhìn nhau, cùng chơi chung một món đồ chơi, để ý xem bạn khác làm gì với đồ chơi . Với trẻ từ 3 – 4 tuổi trở đi, khả năng nhận thức và ngôn ngữ linh hoạt hơn, khả năng bắt chuyện và tạo mối quan hệ với người khác cũng tốt hơn, chúng có thể sáng tạo hoạt động chơi thành nhiều cách khác nhau để duy trì được giờ chơi của mình. Và tất nhiên, khi chơi, sẽ có sự xung đột về sở hữu đồ chơi, về việc thể hiện quyền lực của một số cá nhân như là: tranh giành nhau đồ chơi, tranh nhau thứ lượt chơi, cãi nhau về một từ ngữ dùng sai, khoe khoang và chê bai nhau... Và chúng sẽ phải tìm cách kết thúc xung đột một cách có lợi nhất cho bản thân (có thể sẽ mách người lớn, tự giảng hòa và thỏa hiệp với nhau, hoặc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn và tiếp tục hoạt động mà mình thích...). Hoặc thông qua các hoạt động khi chơi, trẻ sẽ tự học được ở nhau các quy tắc trong chính trò chơi đó, trong bối cảnh tương tự, hoặc các quy tắc trong lớp học/trong gia đình của người bạn chơi cùng.
Một lợi ích không thể không kể đến khi tham gia vào nhóm chơi, trẻ còn có cơ hội để học tập hành vi của các trẻ khác. Trẻ có thể học một số hành vi như: trẻ giả vờ ăn cay, nóng quá thì lè lưỡi và nhảy lên; lặp đi lặp lại các cụm từ như “cục xì dầu ô bê lắp” một cách vui vẻ thể hiện sự khoái chí, các câu hỏi khi nói với người khác, các câu nhận xét về một sự kiện hoặc sự vật nào đó... Nhưng cũng có thể chúng sẽ học một số hành vi cần điều chỉnh như: quát em bé hơn mình khi bị giật đồ, chửi bậy, nói tục, đánh lại người khác để giành đồ.... Dù là học được điều gì, nhưng có thể thấy được rằng, khi có bạn chơi cùng và tham gia nhóm có nhiều người, cơ hội để trẻ được quan sát – ghi nhớ - bắt chước là rất nhiều. Đây là một cách để trẻ học các quy tắc, các cách ứng xử và giúp trẻ được lĩnh hội một sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Như vậy, chúng ta có thể thấy được việc tham gia vào nhóm trẻ sẽ giúp trẻ phát triển được nhiều kỹ năng xã hội, học thêm được các kiến thức mà ở lớp hoặc ở nhà trẻ chưa được tiếp cận.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.