Hiện nay, nhiều người trong chúng ta mới chỉ đến cơ sở khám chữa bệnh khi có bệnh, mà chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Khám sức khỏe định kỳ là một cách giúp chúng ta phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.
Những lợi ích của khám sức khỏe định kỳ:
Được bác sĩ thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp trong lứa tuổi của mình. Tạo điều kiện để bác sĩ nắm được đặc thù sức khỏe của từng người, từ đó có thể theo dõi dễ dàng những biến đổi (so với trước và sau này), giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe còn tiềm ẩn.
Để đạt hiệu quả cho mỗi lần khám, bạn nên chuẩn bị trước về những gì cần thông báo cho bác sĩ như: tiền sử bệnh của bản thân; lịch sử bệnh của gia đình; những thuốc chữa bệnh thường dùng hoặc để bổ sung vitamin, chất khoáng, những phản ứng với thuốc; đã tiêm chủng những bệnh gì; những vấn đề lo lắng, băn khoăn cần được bác sĩ giải đáp.
Qua thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những thăm dò cần làm để phát hiện sớm hay những chương trình cần thực hiện để giúp giữ gìn sức khỏe. Tất nhiên khi có triệu chứng khó chịu nào đó thì cần đến bác sĩ khám ngay, chứ không phải chờ đến dịp khám định kỳ.
Người khỏe có cần khám định kỳ?
"Tôi thấy sách báo thường khuyên phụ nữ đi khám sức khỏe định kỳ. Tôi muốn biết trong điều kiện nước ta, nếu chưa hề có triệu chứng khó chịu hay bất thường nào thì có cần khám định kỳ không?".
Trả lời:
Khi chưa hề có triệu chứng khó chịu, thậm chí cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh thì bạn vẫn nên thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, gồm cả khám về hệ thống sinh dục - sinh sản, với mục đích duy nhất là phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm. Đây là một phần quan trọng trong lối sống của nhiều phụ nữ ở các nước phát triển. Những lợi ích của khám sức khỏe định kỳ:
- Được bác sĩ thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp trong lứa tuổi của mình.
- Tạo điều kiện để bác sĩ nắm được đặc thù sức khỏe của từng người, từ đó có thể theo dõi dễ dàng những biến đổi (so với trước và sau này).
- Giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe còn tiềm ẩn.
Để đạt hiệu quả cho mỗi lần khám, mỗi phụ nữ nên chuẩn bị trước về những gì cần thông báo cho bác sĩ vì thông thường họ không có nhiều thời gian để tiếp bệnh nhân. Những thông tin sau đây luôn luôn được hỏi đến:
- Tiền sử bệnh của bản thân (những lý do bị bệnh hay phẫu thuật, từng phải cấp cứu, những năm tháng đã xảy ra sự cố sức khỏe, bản sao các xét nghiệm đã làm, biên bản phẫu thuật...).
- Lịch sử bệnh của gia đình (bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, tiểu đường... mà người thân đã mắc, độ tuổi mắc bệnh và nếu có thể cả lý do tử vong).
- Những thuốc chữa bệnh thường dùng hoặc để bổ sung vitamin, chất khoáng, những phản ứng với thuốc (đừng bỏ qua những thuốc thông thường hay thuốc nam đã dùng).
- Đã tiêm chủng những bệnh gì?, ghi vào sổ sức khỏe để nhớ năm gần nhất đã tiêm chủng chống uốn ván, bạch hầu, sởi, viêm gan A, viêm gan B, viêm phổi và cúm...
Nên viết sẵn những vấn đề lo lắng, băn khoăn cần được bác sĩ giải đáp.
Phòng bệnh là trọng tâm của việc khám định kỳ, vì vậy bác sĩ sẽ nhấn mạnh đến những thăm dò cần làm để phát hiện sớm (tầm soát) hay những chương trình cần thực hiện để giúp giữ gìn sức khỏe. Tất nhiên khi có triệu chứng khó chịu nào đó thì cần đến bác sĩ khám ngay, chứ không phải chờ đến dịp khám định kỳ.
Những câu trả lời và hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người phụ nữ chủ động tham gia vào tiến trình phòng bệnh suốt đời, vì thường chỉ khi nào có hiểu biết đầy đủ về các nguy cơ thì chúng ta mới có ý thức phòng bệnh một cách tự giác nhất.
Không phải mỗi lần khám định kỳ đều diễn ra phức tạp. Khi người phụ nữ còn trẻ, khám định kỳ nhiều khi chỉ là khám tiểu khung để phát hiện các bệnh phụ khoa thông thường, đo huyết áp, nhận những lời khuyên về lối sống và sức khỏe tình dục. Đến khi nhiều tuổi hơn mới cần những thăm dò như chụp vú, soi trực tràng, đo nồng độ mỡ máu...
Theo Sức khỏe & Đời sống