Loạn sản phế quản phổi: Căn bệnh thường gặp ở trẻ sinh non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh có 12 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Nhi.

Trẻ sinh non chưa hoàn thiện cấu trúc và chức năng của các hệ cơ quan, thường tiềm ẩn những bệnh lý phức tạp, di chứng kéo dài. Trong đó, khả năng hô hấp còn non yếu, đòi hỏi thở máy với nồng độ oxy cao kéo dài, dễ gây loạn sản phế quản phổi, tăng nguy cơ tử vong.

1. Loạn sản phế quản phổi là gì?

Loạn sản phế quản phổi, còn gọi là bệnh phổi mạn tính, là bệnh lý có biểu mô các phế quản nhỏ bị hoại tử và sừng hóa, giảm chất hoạt diện (surfactant), mô kẽ tăng sinh dạng sợi, cuối cùng gây xơ hóa phổi. Loạn sản phế quản phổi là hậu quả của thông khí áp lực dương với áp lực cao, thời gian dài trong khi cấu trúc và chức năng phổi chưa trưởng thành và ngộ độc oxy.

Theo Viện quốc gia của Mỹ về Sức khỏe trẻ em và phát triển con người, định nghĩa của bệnh lý này là khi trẻ vẫn có nhu cầu oxy ở thời điểm sau 36 tuần tuổi thai (tuổi tính từ kỳ kinh cuối) đối với trẻ sinh non trước 32 tuần tuổi thai hay sau khoảng 29 đến 55 ngày tuổi đối với trẻ sinh non từ trên 32 tuần tuổi thai.

2. Loạn sản phế quản phổi gây ra những nguy hiểm gì?

Loạn sản phế quản phổi gây tổn thương nhu mô phổi kéo dài, làm xẹp phổi và hạn chế chức năng phổi không hồi phục. Hệ quả là trẻ cần tăng nhu cầu về oxy và thời gian thở máy kéo dài, về lâu dài dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi, ảnh hưởng chức năng tim, gây suy tim phải. Ngoài ra, tình trạng lệ thuộc máy thở làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng, khiến bệnh diễn biến nặng hơn và nguy cơ tử vong tăng cao.


Loạn sản phế quản phổi gây tổn thương nhu mô phổi kéo dài, làm xẹp phổi và hạn chế chức năng phổi không hồi phục.
Loạn sản phế quản phổi gây tổn thương nhu mô phổi kéo dài, làm xẹp phổi và hạn chế chức năng phổi không hồi phục.

3. Cách chẩn đoán loạn sản phế quản phổi như thế nào?

Loạn sản phế quản phổi thường gặp ở trẻ sinh non, đặc biệt là khi có suy hô hấp sau sinh phải hỗ trợ hô hấp với áp lực dương qua CPAP, thở máy với áp lực cao hoặc nồng độ oxy cao.

Đồng thời, dấu hiệu tiên quyết của loạn sản phế quản phổi là trẻ phải phụ thuộc oxy theo thời gian. Cụ thể là, nếu trẻ sinh non dưới 32 tuần mà vẫn cần phải thở oxy đến khi trẻ hơn 36 tuần, nếu trẻ sinh non nhưng sau 32 tuần mà vẫn thở oxy tiếp tục cho đến lúc được từ 29 đến 55 ngày tuổi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng kỹ thuật thở CPAP cho trẻ bị suy hô hấp. Kỹ thuật này có các ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công trên 95%.
  • Không xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân.
  • Giảm tỷ lệ tử vong.
  • Giảm tỷ lệ đặt nội khí quản cho bệnh nhân.
  • Bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
  • An toàn cho sức khỏe bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trẻ cũng biểu hiện tình trạng suy hô hấp với nhịp thở từ trên 60 hay dưới 30 lần/phút, trẻ có cơn ngừng thở dài trên 20 giây hoặc dưới 20 giây kèm tần số tim dưới 100 lần/phút, trẻ thở phập phồng cánh mũi, quan sát thấy co rút cơ hô hấp, thở gắng sức. Môi, niêm mạc của trẻ tím tái và SpO2 do thấy giảm dưới 85% nếu không thở oxy. Nghe phổi có thể có ran ẩm, ran ứ đọng rải rác hai bên phế trường.

Các chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu thấy nồng độ oxy giảm, độ chênh áp oxy trong phế nang so với động mạch tăng.
  • Phim chụp Xquang có hình ảnh viêm phế quản phổi, hình ảnh phổi tăng thể tích với nhiều vùng tăng sáng, ứ khí.
  • Siêu âm tim cũng cần thiết để loại trừ các tổn thương tim bẩm sinh, còn ống động mạch.

4. Cách điều trị và dự phòng loạn sản phế quản phổi như thế nào?

Việc điều trị loạn sản phế quản phổi ở mọi trẻ luôn là tiếp tục liệu pháp oxy hay thở máy song song với theo dõi nồng độ oxy trong máu hay gián tiếp qua độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên. Tuy nhiên, việc cung cấp oxy cần được tính toán ở nồng độ thấp nhất sao cho SaO2 ở mức 90-95%. Nên chọn phương pháp thở oxy qua cannula, giảm dần lưu lượng và chuyển dần qua thở oxy gián đoạn trước khi ngưng thở oxy hoàn toàn. Nếu trẻ còn trong giai đoạn thở máy, cần tránh gây tăng thông khí phế nang bằng cách giảm áp lực đường thở ở mức thấp nhất, chỉ cần giữ PaCO2 ở mức 45 - 55 mmHg và SaO2 từ 90 - 95%.

Bên cạnh đó, trẻ cũng phải được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để đảm bảo sự phát triển thích hợp cũng như tăng công hô hấp. Đồng thời, trẻ cũng cần phải được thực hiện tiêm phòng theo lịch như trẻ bình thường, củng cố hệ miễn dịch.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể có chỉ định dùng thêm thuốc lợi tiểu, thuốc giãn phế quản, corticosteroid hay kháng sinh nếu có tình trạng nhiễm trùng.

Về vấn đề dự phòng loạn sản phế quản phổi, cốt lõi là hạn chế để diễn ra chuyển dạ sinh non. Nếu tiến trình này không thể làm trì hoãn được, cần phải tiêm corticosteroid cho mẹ để nhanh chóng trưởng thành phổi cho thai nhi. Sau sinh, trẻ cần được hạn chế dùng quá nhiều oxy liều cao và thở máy, tối ưu hóa nồng độ oxy trong khí thở vào nhưng nồng độ oxy trong máu vẫn đạt đích. Đặc biệt đối với những trẻ sinh non dưới 28 tuần tuổi, cần dùng surfactant lập tức ngay tại phòng sinh nhằm tránh phụ thuộc máy thở, cai máy sớm. Khi trẻ ổn và được ra việc, gia đình cần được hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà, các dấu hiệu cần quan sát, hẹn tái khám định kỳ để theo dõi hô hấp, tăng trưởng trong thời gian dài 1-2 năm sau đó.

Kỹ thuật bơm Surfactant sẽ khó thực hiện được nếu tiêu chuẩn chăm sóc chung không đạt chất lượng cao. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn khắt khe để áp dụng Liệu pháp bơm Surfactant trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bao gồm đầy đủ các phương tiện hỗ trợ và đội ngũ bác sĩ thực hiện thành thạo các kỹ thuật.

Phương tiện thực hiện:

  • Máy theo dõi nhịp tim, SpO2.
  • Máy thở (Model: Carescape R860 - Series: CBRW00234, Hãng sx: GE Healthcaresố - Mỹ)
  • Monitor 7 thông số (Model: B40i, Hãng sx: GE Healthcare - Phần Lan)
  • Dụng cụ đo huyết áp động mạch (nếu có).
  • Máy phân tích khí máu.
  • Thiết bị X - quang tại giường (nếu có).Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn khắt khe để áp dụng Liệu pháp bơm Surfactant trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, bao gồm đầy đủ các phương tiện hỗ trợ và đội ngũ bác sĩ thực hiện thành thạo các kỹ thuật.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phối

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe