Loạn nhịp xoang là tình trạng rối loạn chức năng của nhịp xoang trên điện tâm đồ ở người, khiến cho nhịp tim có thể đập nhanh hơn, chậm hơn hoặc bị ngắt quãng so với nhịp tim người bình thường. Rối loạn nhịp xoang có thể dẫn đến một số bệnh lý về tim mạch và các biến chứng nguy hiểm khác, vì vậy cần được phát hiện kịp thời trên điện tâm đồ.
1. Nhịp xoang là gì?
Trong cấu trúc tim ở người, nút xoang là một bộ phận ở buồng tim trên phải hay còn gọi là tâm nhĩ phải. Nhịp xoang được định nghĩa là một chu kỳ hoạt động đầy đủ của nút xoang ở tim và tạo nên nhịp đập ở tim, hay nhịp xoang được xem như là máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể người. Nhờ có nhịp xoang thì những tín hiệu điện đầu tiên có thể được dẫn truyền để khởi động chu kỳ dẫn truyền điện từ tim. Những người khỏe mạnh và không có những bất thường trong cấu trúc cũng như chức năng hoạt động của nút xoang thì sẽ có nhịp xoang bình thường.
2. Loạn nhịp xoang là gì?
Loạn nhịp xoang là bất thường nút xoang ở tim khiến cho nhịp đập của tim trở nên nhanh, chậm hoặc có thể bỏ lỡ một vài nhịp. Rối loạn nhịp xoang trên lâm sàng được chia làm hai nhóm chính là nhịp xoang nhanh và nhịp xoang chậm. Đối với nhịp xoang nhanh thì nhịp tim đo được ở bệnh nhân là lớn hơn 100 nhịp/phút và nhịp xoang chậm có nhịp tim nhỏ hơn 60 nhịp/phút. Ngoài ra, một tình trạng loạn nhịp tim đặc biệt ở người là nhịp xoang thay đổi theo hô hấp là một hiện tượng không gây hại cho cơ thể và hoàn toàn lành tính, biểu hiệu là khi hít vào thì nhịp tim chậm lại và khi thở ra thì nhịp tim nhanh hơn.
Nói cách khác, rối loạn nhịp xoang có thể là loạn nhịp sinh lý hoặc loạn nhịp bệnh lý. Đối với tình trạng loạn nhịp xoang sinh lý thì có thể là xoang nhanh hoặc xoang chậm. Nhịp nhanh xoang sinh lý có xảy ra khi người bệnh đứng trước một trạng thái tâm lý lo âu, căng thẳng hay là có các yếu tố khác như sốt, thiếu dịch, mất máu... và có thể bình thường trở lại khi các nguyên nhân được giải quyết. Nhịp xoang chậm sinh lý có thể gặp ở người tập thể dục đều đặn hay vận động viên... Ngược lại, tình trạng rối loạn nhịp xoang bệnh lý có thể là do tăng tính kích thích của nút xoang hoặc tồn tại vòng vào lại tại nút xoang làm cho nhịp xoang nhanh, nút xoang bị suy hoặc nút xoang bị lão hóa hay gặp ở những người lớn tuổi gây nên.
Yếu tố nguy cơ của tình trạng rối loạn nhịp xoang bệnh lý có thể được liệt kê như sau:
- Bệnh nhân có bệnh lý tăng huyết áp
- Bệnh nhân bị rối loạn lipid máu
- Bệnh nhân lớn tuổi
- Bệnh nhân có tiền sử chấn thương, nhồi máu cơ tim... dẫn đến những tổn thương ở tim
- Bệnh nhân có tiền sử nghiện bia rượu, sử dụng thuốc lá, cà phê...
- Bệnh nhân có cơ địa béo phì
Các triệu chứng lâm sàng ở một bệnh nhân có rối loạn nhịp xoang đó là:
- Cảm giác đánh trống ngực, đau thắt ngực, cơ thể mệt mỏi, có thể khó thở và nguy hiểm hơn là đột tử
- Trường hợp loạn nhịp xoang dẫn đến nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm thì khiến chóng mặt, ngất xỉu...
3. Chẩn đoán và điều trị loạn nhịp xoang
Để chẩn đoán chính xác tình trạng rối loạn nhịp xoang thì cần ghi lại kết quả điện tâm đồ cùng với siêu âm tim. Một số bệnh nhân mặc dù có rối loạn nhịp xoang nhưng chỉ là cơn loạn nhịp xoang tức thời nên kết quả điện tâm đồ có thể không ghi lại đúng thời điểm loạn nhịp nên bệnh nhân cần được thiết lập máy theo dõi nhịp tim Holter để đo điện tâm đồ trong 24- 48 giờ để có kết quả chính xác hơn. Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt loạn nhịp xoang với một số tình trạng bệnh lý khác như co thắt tâm nhĩ sớm, Block AV độ 2, Block xoang nhĩ độ 1...
Trên một bệnh nhân đã có sẵn một số bệnh lý nền như tim mạch thì có loạn nhịp xoang có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như chóng mặt, thở khó hoặc ngất xỉu một cách đột ngột.
Để điều trị rối loạn nhịp xoang thì có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau trên những tình trạng rối loạn nhịp xoang khác nhau. Có thể là không can thiệp điều trị mà chỉ theo dõi cũng như tư vấn cho bệnh nhân về việc thay đổi lối sống hàng ngày để thuyên giảm những triệu chứng của loạn nhịp xoang.
Có thể sử dụng một số loại thuốc như Atropin tiêm tĩnh mạch mỗi 2 giờ hoặc mỗi 4 giờ trong ngày, Isoproterenol truyền tĩnh mạch trên bệnh nhân có rối loạn nhịp xoang cấp tính. Nhịp xoang nhanh được kiểm soát bằng cách sử dụng một số loại thuốc chống loạn nhịp tim như Digoxin, Propranolol hoặc Quinidine và theo dõi thường xuyên để tránh những diễn biến xấu hơn của bệnh. Đối với bệnh nhân nhịp xoang chậm mãn tính kèm triệu chứng như: mệt, thỉu, choáng, ngất thì cần dùng máy tạo nhịp suốt đời. Phụ nữ mang thai khi điều trị rối loạn nhịp xoang thì cần có sự theo dõi và điều chỉnh liều lượng thuốc hợp lý, tránh những thuốc có khả năng tác động đến sự phát triển của bào thai như Amiodarone. Trong những trường hợp dùng thuốc những triệu chứng của loạn nhịp xoang không giảm bớt thì có thể chỉ định thủ thuật khác như cấy máy tạo nhịp tim trong trường hợp nhịp xoang chậm có triệu chứng, đốt điện tim trong trường hợp nhịp xoang nhanh vòng vòng lại nút xoang...
Loạn nhịp xoang tuy không phải là một bệnh lý cấp tính hay có mức độ nguy hiểm cao nhưng bệnh nhân không nên có tâm lý chủ quan trước tình trạng này mà cần quan sát những triệu chứng xuất hiện thật rõ ràng và đến cơ sở y tế uy tín để được khám và phát hiện kịp thời, từ đó có thể đẩy lùi được những hậu quả không mong muốn của rối loạn nhịp xoang gây ra.
XEM THÊM
- Điều trị hẹp mạch vành bằng phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành tại Vinmec
- Bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?
- Làm gì khi bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn tính?