Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Loạn khuẩn đường ruột là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, là tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh ở đường ruột, do vi khuẩn có hại sinh sôi và dẫn tới bất thường ở hệ tiêu hóa.
1. Loạn khuẩn đường ruột là gì?
Loạn khuẩn đường ruột là sự mất cân bằng hệ vi sinh đường tiêu hóa. Trong đường ruột, vi khuẩn có lợi chứa 85% và vi khuẩn có hại chứa 15%. Ở trạng thái cân bằng thì hệ tiêu hóa sẽ hoạt động bình thường. Khi có một vấn đề nào đó dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái đường ruột, vi khuẩn có hại nhiều hơn vi khuẩn có lợi, sẽ dẫn tới sự bất thường ở hệ tiêu hóa.
2. Nguyên nhân gây loạn khuẩn đường ruột
Nguyên nhân dẫn tới loạn khuẩn đường ruột ở người lớn bao gồm:
- Thói quen sinh hoạt, lối sống không tốt: hệ tiêu hóa luôn bị tấn công, nếu ăn uống không hợp vệ sinh khiến các vi khuẩn có hại tấn công vào đường ruột, chúng tăng sinh và lấn át những vi khuẩn có lợi.
- Áp lực tâm lý: Tâm lý bất ổn sẽ ảnh hưởng đến sự co bóp của dạ dày và ruột. Nhu động ruột sẽ giảm dẫn tới thức ăn sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa
- Lạm dụng thuốc: Việc sử dụng kháng sinh dài ngày sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi lẫn vi khuẩn có hại trong đường ruột, và dẫn tới mất cân bằng hệ vi sinh.
3. Triệu chứng loạn khuẩn đường ruột ở người lớn
Một số triệu chứng thường gặp trong loạn khuẩn đường ruột ở người lớn bao gồm:
3.1 Rối loạn đại tiện
Chứng loạn khuẩn đường ruột sẽ gây ra rối loạn đại tiện cho người bệnh. Có thể là tiêu chảy hoặc táo bón nhưng phần lớn vẫn là tiêu chảy. Mỗi ngày, đi cầu từ 7 – 8 lần, nếu loạn khuẩn đường ruột nặng thì có thể đi cầu 20 – 30 lần/ngày. Tiêu chảy thường gây mất nước do đi ngoài phân lỏng, không thành khuôn, có lẫn chất nhầy hoặc một ít máu.
3.2 Đầy hơi, chướng bụng
Bệnh loạn khuẩn đường ruột ở người lớn khiến thức ăn lưu trữ trong đường ruột lâu hơn, vì thế mà sinh ra khí trong bụng. Do đó, bụng to hơn cảm giác chướng và đầy hơi. Người bệnh luôn cảm thấy khó chịu dẫn tới mệt mỏi, ăn không ngon. Đi kèm với triệu chứng này thường là biểu hiện rối loạn đại tiện như ỉa chảy, táo bón,...
3.3 Đau bụng
Loạn khuẩn đường ruột ở người lớn là một căn bệnh về đường tiêu hóa nên thường có triệu chứng đau bụng. Cảm giác đau bụng có tính chất dữ dội hay âm ỉ sẽ phụ thuộc vào mức độ mắc bệnh của mỗi người. Vị trí đau đầu tiên sẽ là phía trên bên trái vùng bụng, sau đó sẽ lan sang các vùng xung quanh. Vì nhiều bệnh tiêu hóa khác cũng có xuất hiện triệu chứng này, do đó người bệnh cần dựa vào các triệu chứng khác để biết chính xác.
3.4 Buồn nôn và nôn
Do chức năng tiêu hóa của đường ruột bị suy giảm nên người bệnh dễ mắc chứng nôn và buồn nôn, đôi khi có kèm theo ợ hơi. Triệu chứng buồn nôn, nôn kéo dài thường khiến người bệnh mệt mỏi, kém ăn, ăn không ngon, dễ dẫn đến tình trạng mất nước và suy dinh dưỡng.
4. Biện pháp phòng tránh
Loạn khuẩn đường ruột sẽ khiến cho người bệnh ăn không ngon, không hấp thu được thức ăn và dẫn tới sụt cân, suy dinh dưỡng. Loạn khuẩn đường ruột cấp tính có thể khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa loạn khuẩn đường ruột bằng cách:
- Chế độ ăn: Ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, uống đủ nước và không ăn nhiều chất béo, chất kích thích như đồ ăn quá chua, cay, không hút thuốc, rượu bia. Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Tránh thức khuya, stress quá mức, thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ
- Không lạm dụng kháng sinh: Cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
- Bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột: có thể uống thêm các loại men tiêu hóa giúp bổ sung vi khuẩn có lợi.
Loạn khuẩn đường ruột ở người là tình trạng vi khuẩn có hại gia tăng lấn át vi khuẩn có lợi, tuy nhiên bệnh thường gặp trên mọi lứa tuổi. Việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và rửa tay thường xuyên có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả. Khi có những dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa kéo dài cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra, không tự ý uống thuốc vì có thể làm bệnh trở lên nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.