Liên quan giữa kinh nguyệt ít dần và suy buồng trứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Chu kỳ kinh nguyệt là đặc trưng sinh lý của người phụ nữ. Tuy nhiên, khi mắc suy buồng trứng, đặc điểm của kinh nguyệt sẽ bị thay đổi, biểu hiện kinh nguyệt ít dần, chậm kinh, ngừng hay mất hẳn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng có con cũng như những thay đổi bất lợi về thể chất lẫn tâm lý của người phụ nữ.

1. Suy buồng trứng nguyên phát là gì?

Suy buồng trứng nguyên phát còn được gọi là suy buồng trứng sớm, xảy ra khi buồng trứng của người phụ nữ ngừng hoạt động trước năm 40 tuổi. Khái niệm “nguyên phát” giúp phân biệt với những nguyên nhân tại cơ quan khác, gây tác động xấu đến buồng trứng.

Bình thường, đa số các phụ nữ sẽ giảm khả năng sinh sản sau 40 tuổi. Bên cạnh đó, họ có thể bắt đầu có kinh nguyệt không đều, ra kinh ít dần trước khi chuyển sang thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mắc suy buồng trứng nguyên phát, không chỉ chu kỳ không đều mà còn giảm khả năng sinh sản từ rất sớm. Đôi khi, bệnh lý này còn gặp ở tuổi thiếu niên.

2. Tại sao kinh nguyệt ít dần trong suy buồng trứng nguyên phát?

Chu kỳ kinh nguyệt dài, tần suất thưa, lượng máu kinh ít là các triệu chứng điển hình của suy buồng trứng nguyên phát. Tuy nhiên, có đến khoảng 90% các trường hợp, nguyên nhân chính xác của suy buồng trứng vẫn chưa được biết rõ ràng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy suy buồng trứng nguyên phát có liên quan đến các nang trứng. Đây là các túi nhỏ trong buồng trứng, giúp nuôi dưỡng trứng và phát triển trứng trước khi rụng. Khi tổn thương nang trứng, trứng khó “chín muồi” và không tạo được chu kỳ kinh nguyệt.

Các nguyên nhân khác là những tác động trực tiếp lên trên buồng trứng như tiếp xúc hóa trị hoặc xạ trị, các chất độc như khói thuốc lá, hóa chất và thuốc trừ sâu... hay số lượng nang trứng vốn dĩ đã ít từ lúc sinh.


Suy buồng trứng nguyên phát có liên quan đến các nang trứng
Suy buồng trứng nguyên phát có liên quan đến các nang trứng

3. Ai có nguy cơ bị suy buồng trứng nguyên phát?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị suy buồng trứng nguyên phát ở phụ nữ như sau:

  • Có tiền căn gia đình: Phụ nữ có bà, mẹ hoặc chị em gái ruột bị suy buồng trứng nguyên phát thì nhiều khả năng mắc bệnh này;
  • Đặc điểm gen: Một số thay đổi về gen và điều kiện di truyền khiến phụ nữ có nguy cơ bị suy buồng trứng nguyên phát cao hơn. Ví dụ, phụ nữ mắc hội chứng Fragile X hoặc hội chứng Turner có nguy cơ cao hơn;
  • Mắc một số bệnh lý: Như bệnh tự miễn, nhiễm virus;
  • Mắc và điều trị ung thư với hóa trị và xạ trị;
  • Tuổi tác: Phụ nữ trẻ hơn vẫn có nguy cơ mắc bị suy buồng trứng nguyên phát. Tuy nhiên, bệnh trở nên phổ biến hơn khi bước đến độ tuổi từ 35 đến 40.

4. Các triệu chứng của suy buồng trứng nguyên phát là gì?


Suy buồng trứng nguyên phát trở nên phổ biến hơn khi bước đến độ tuổi từ 35 đến 40
Suy buồng trứng nguyên phát trở nên phổ biến hơn khi bước đến độ tuổi từ 35 đến 40

Dấu hiệu đầu tiên của suy buồng trứng nguyên phát là khoảng cách thời gian giữa các lần xuất hiện chu kỳ không đều nhau, kéo dài hoặc bị bỏ lỡ. Bên cạnh đó, số ngày hành kinh, lượng máu kinh mất đi có thể ít hơn hẳn.

Ngoài ra, suy buồng trứng nguyên phát còn có các triệu chứng khác tương tự như giai đoạn mãn kinh tự nhiên ở người phụ nữ bình thường:

  • Nóng bừng;
  • Đổ mồ hôi đêm;
  • Cáu gắt, lo lắng và trầm cảm;
  • Kém tập trung;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Đau khi quan hệ;
  • Khô âm đạo;
  • Mắc các bệnh lý tim mạch;
  • Loãng xương, xương yếu, giòn và dễ bị gãy hơn.

Tuy nhiên, triệu chứng nặng nề nhất đối với những phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát là khó mang thai hoặc vô sinh. Đây chính là lý do các chị em nên đi khám sớm ngay khi tuổi còn rất trẻ.

5. Làm thế nào để chẩn đoán suy buồng trứng nguyên phát?

Để chẩn đoán suy buồng trứng nguyên phát, bác sĩ sẽ dựa vào hỏi kỹ tiền sử bệnh, thử thai để chắc chắn rằng bạn không có thai và những thăm khám toàn diện cũng như chuyên khoa phụ sản.

Đồng thời, việc xác định chẩn đoán còn được hỗ trợ bởi các xét nghiệm máu, định lượng nồng độ các loại hormone sinh dục nhất định. Hơn thế nữa, việc giải trình tự nhiễm sắc thể cũng là một cách kiểm tra thông tin di truyền, phát hiện sớm các bất thường trước khi biểu hiện ra thành kiểu hình.

Về hình ảnh học, công cụ cần thiết để khảo sát nhất là siêu âm vùng chậu xem buồng trứng có hoàn chỉnh và có nhiều nang trứng phát triển theo trình tự chu kỳ kinh nguyệt hay không.

6. Suy buồng trứng nguyên phát được điều trị như thế nào?

Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị nào chứng minh được tính hiệu quả tuyệt đối giúp khôi phục chức năng bình thường của buồng trứng.

Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp để điều trị triệu chứng do suy buồng trứng gây ra dù không tránh được ít nhiều những tổn hại khác trên cơ thể. Các phương pháp hiện đang được áp dụng là:

  • Liệu pháp thay thế hormone: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Liệu pháp này cung cấp cho cơ thể một lượng estrogen cần thiết cũng như các kích thích tố khác mà buồng trứng không tạo ra được. Không chỉ thế, liệu pháp thay thế hormone còn giúp cải thiện sức khỏe tình dục và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương;
  • Hoạt động thể chất thường xuyên và giữ trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Tích cực tập thể dục và kiểm soát cân nặng cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương và bệnh tim;
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Bởi phụ nữ mắc bệnh suy buồng trứng nguyên phát có nguy cơ bị loãng xương cao hơn, các chị em nên dùng thêm viên uống hay tăng cường tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều canxi và vitamin D mỗi ngày;
  • Thụ tinh trong ống nghiệm: Đây là một gợi ý phù hợp nếu người bị suy buồng trứng nguyên phát được chẩn đoán vô sinh, khó có con nhưng vẫn tha thiết muốn có thai;
  • Điều trị các bệnh lý đi kèm: Nếu người phụ nữ có các triệu chứng liên quan đến suy buồng trứng nguyên phát, bên cạnh việc khảo sát các nguyên nhân tại chỗ, cần thăm khám và điều trị các bệnh lý hệ thống nói chung.

Nói tóm lại, khi thấy kinh nguyệt ít dần diễn tiến qua nhiều chu kỳ, đây cần được xem là triệu chứng báo động, nên sớm đi thăm khám và tìm nguyên nhân. Nếu là do suy buồng trứng, phải được điều trị bài bản để giữ được “bản chất sinh lý” của giới nữ cũng như không đánh mất thiên chức làm mẹ một cách đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe