Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Không chỉ trẻ em cần tiêm phòng mà người lớn hay bất cứ người nào có nguy cơ mắc bệnh đều nên yêu cầu tiêm phòng. Tiêm phòng viêm gan A bắt buộc đúng yêu cầu giúp bạn phòng tránh bệnh, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của cơ thể.
1. Viêm gan A là gì?
Viêm gan A (hay còn gọi là Hepatitis A), đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính tại gan, gây ra bởi virus Hepatitis A HAV.
Bệnh thường lây qua đường tiêu hoá
Virus viêm gan A ẩn náu trong phân và có thể truyền nhiễm qua tay khi chưa được vệ sinh sạch sẽ. Loại virus này rất dễ dàng lan truyền ở nhà trẻ và trường học.
Virus cũng có thể lây qua ăn uống từ nguồn thức ăn và nguồn nước bị ô nhiễm. Nó sống rất lâu và có thể tồn tại hàng tháng liền trên các bề mặt tiếp xúc, trong thực phẩm sống và cả trong nước thải.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng dễ gặp như sốt, buồn nôn, mệt mỏi, nôn mửa, đau bụng, nước tiểu sẫm màu và đôi khi bị vàng da là dấu hiệu thường gặp khi bị nhiễm virus HAV. Theo thống kê, chỉ có khoảng 15% những người nhiễm virus viêm gan A bị tái phát trong vòng 6 tháng và một số lượng rất ít các ca nhiễm virus HAV bị tử vong.
Trường hợp có nguy cơ mắc viêm gan A
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm gan A. Tuy nhiên một số người có nhiều rủi ro hơn, như:
- Môi trường sống và sinh hoạt kém vệ sinh
- Thiếu nguồn nước sạch
- Sử dụng thuốc kích thích
- Sống chung hoặc có quan hệ tình dục với người mắc bệnh, bao gồm cả quan hệ tình dục đồng giới nam
- Trực tiếp chăm sóc cho người bị bệnh
- Đi du lịch hoặc làm việc tại những khu vực có bệnh viêm gan A đạt tỷ lệ cao
Bệnh thường không có giai đoạn mãn tính và không gây tổn thương vĩnh viễn đối với gan. Hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ tạo ra các kháng chống lại virus HAV, kháng thể này thực hiện miễn dịch đối với các lần nhiễm trong tương lai. Các kháng thể này sẽ được sản sinh tốt nhất khi tiêm vắc xin viêm gan A.
Viêm gan A ít có nguy cơ diễn biến thành xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp diễn biến sang thể ác tính gây tử vong cho bệnh nhân. Ở người già và người bị các bệnh khác như bệnh gan, suy tim ứ huyết, tiểu đường và thiếu máu, thời gian hồi phục có thể sẽ kéo dài hơn và diễn biến bệnh có thể nặng hơn.
2. Người lớn có cần tiêm vắc xin viêm gan A?
Vacxin viêm gan A là một dung dịch vô trùng có chứa virus HAV đã được phân lập và làm bất hoạt virus. Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận biết và sinh ra các kháng thể chống lại virus này. Vì virus lúc này đã bị bất hoạt nên việc chống lại chúng sẽ dễ dàng hơn, sẽ an toàn hơn so với việc virus đang hoạt động mạnh xâm nhập trực tiếp.
Sau khi đã có kháng thể, cơ thể chúng ta sẽ nhận biết và phân biệt loại virus này. Nếu trong quá trình sống, tiếp xúc, virus HAV xâm nhập vào cơ thể, các tế bào sẽ có thể nhận biết và sản sinh nhanh chóng kháng thể chống lại virus. Nhờ đó, người đã tiêm vắc xin viêm gan A sẽ không mắc bệnh. Thực tế, không chỉ trẻ em cần tiêm phòng mà người lớn hay bất cứ ai có nguy cơ mắc bệnh đều nên yêu cầu tiêm phòng.
Vắc xin viêm gan A đã giúp làm giảm thiểu đáng kể số lượng những ca mắc bệnh trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, chưa có số liệu cụ thể thống kê. Tuy nhiên, có thể tham khảo, tại Hoa Kỳ, lượng người nhiễm virus HAV giảm đến 95% tỷ trọng người mắc bệnh kể từ khi vắc xin viêm gan A được đưa vào sử dụng.
Vắc xin viêm gan A được ghi nhận là chế phẩm phòng bệnh an toàn bởi tác dụng phụ nghiêm trọng là rất hiếm, tác dụng phụ nhẹ của thuốc có thể tự hết sau vài ngày hoặc thậm chí không xảy ra. Các tác dụng phụ có thể gặp là: Đau hoặc đỏ tấy vùng tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi...
3. Những trường hợp cần tiêm viêm gan A?
Trẻ em độ tuổi từ 1 tuổi trở lên cần tiêm vắc xin viêm gan A
- Trẻ em độ tuổi từ 1 tuổi (12 tháng tuổi) trở lên
- Người có tiền sử mắc bệnh lý về gan mãn tính
- Người bệnh được chỉ định điều trị bằng yếu tố như đông máu.
- Những người sống tại nơi đang có dịch bệnh viêm gan A hoặc có dự định đi du lịch tới những quốc gia có bệnh lây lan
- Đàn ông có quan hệ tình dục với người đàn ông khác
- Người mắc bệnh viêm gan mãn tính như viêm gan B hoặc viêm gan C
- Người thường xuyên tiếp xúc với động vật bị bệnh hoặc làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc xin
Với mọi trường hợp, bạn đều có thể yêu cầu tiêm bất kỳ lúc nào nghi ngờ có khả năng nhiễm virus HAV.
Những trường hợp không nên tiêm viêm gan A
- Người dị ứng với các thành phần trong vắc xin tiêm.
- Người dễ gặp phản ứng với những thành phần có trong vắc xin.
- Người đang ốm, đang mắc bệnh nên dừng tiêm, trường hợp bệnh nhẹ còn có thể xem xét tiêm được.
- Phụ nữ mang thai nên có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Bởi: vắc xin phòng chống viêm gan A chống chỉ định với phụ nữ mang thai, chưa thể đảm bảo tính an toàn thai phụ và thai nhi, nhưng khoa học cũng chưa xác minh vắc xin này gây hại cho mẹ bầu.
4. Lịch tiêm vắc xin viêm gan A cho người lớn
Bệnh viêm gan A ở người lớn được khuyến cáo phòng ngừa bằng cách thực hiện theo lịch tiêm chủng vắc xin bắt buộc. Đối với người lớn trên 15 tuổi, bác sĩ thường chỉ định tiêm vắc xin viêm gan A liều lượng 160U/1ml. Chỉ định tiêm bắt buộc 2 mũi:
- Mũi đầu tiên: Từ đủ 15 tuổi trở lên
- Mũi nhắc lại: Cách mũi đầu từ 6 đến 12 tháng
5. Biện pháp phòng ngừa viêm gan A ở người lớn
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chế biến thức ăn. Luôn luôn rửa tay thật kỹ với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước.
- Xử lý tốt phân, chất thải của người bệnh.
- Nấu chín thức ăn, không ăn sống động vật hoặc nấu chưa chín. Virus viêm gan A sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao.
- Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu...) với người có bệnh.
Ngoài những phương pháp phòng ngừa viêm gan A trong đời sống hàng ngày, phương pháp an toàn nhất để chống lại bệnh là tiêm chủng bắt buộc. Dù ở người lớn hay trẻ nhỏ tiêm vắc xin viêm gan A đều giúp đảm bảo sức khỏe và sự phát triển cho chính bản thân lẫn gia đình mình.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng với đa dạng các loại vắc-xin, phục vụ nhu cầu tiêm phòng của nhiều đối tượng khác nhau như sau:
- Khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho khách hàng.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý và áp dụng cách giảm đau hiệu quả trong quá trình tiêm chủng.
- Khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho khách hàng.
- 100% khách hàng tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
- Quý khách hàng sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.