Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh ngày càng phổ biến và là nỗi lo lắng đối với các bà bầu. Bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe đối với cả mẹ lẫn bé.
1. Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết bị rối loạn trong thời gian người bệnh mang thai (từ tuần thứ 24 của thai kỳ).
2. Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Biến chứng tiểu đường ảnh hưởng đến mẹ và bé:
- Nguy cơ cao sinh con bị dị tật bẩm sinh
- Huyết áp cao
- Nước ối nhiều hơn bình thường gây ra tình trạng vỡ ối sớm hoặc sinh non.
- Thai nhi nhận được quá nhiều glucose từ mẹ sẽ phát triển nhanh về kích thước và cân nặng, gây khó sinh.
- Vết thương rạch tầng sinh môn, vết mổ khó lành hơn, dễ nhiễm trùng.
3. Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Bệnh tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện kịp thời và kiểm soát tốt sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe thai nhi như:
- Hội chứng suy hô hấp: em bé có thể sinh non khi phổi chưa phát triển đầy đủ.
- Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh ngay sau sinh: lượng glucose trong máu thấp, gây ra tình trạng co giật, hôn mê và tổn thương não nếu không được phát hiện kịp thời.
- Thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, hoặc thậm chí là tử vong.
- Nguy cơ vàng da sau khi sinh.
4. Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến lượng đường huyết như thế nào?
Phụ nữ mang thai bị mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị hạ đường huyết. Nguyên nhân gây ra có thể là do thai phụ không ăn đủ thức ăn, bỏ bữa, không ăn đúng giờ trong ngày hoặc tập thể dục quá nhiều. Các triệu chứng hạ đường huyết, chẳng hạn như chóng mặt, run tay chân, đói đột ngột, đổ mồ hôi hoặc thể trạng yếu.
5. Làm thế nào để kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ?
Có thể kiểm soát mức glucose bằng cách kết hợp ăn uống hợp lý, tập thể dục, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc làm các xét nghiệm theo dõi lượng đường huyết:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Đây được coi là một bước đệm cực kỳ quan trọng giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bởi vì bé sẽ phụ thuộc vào thực phẩm mẹ ăn để hấp thụ và phát triển. Nếu bà bầu không ăn đúng cách có thể khiến cho mức glucose tăng quá cao hoặc quá thấp, từ đó gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cả mẹ và bé.
- Tập thể dục thường xuyên: Giúp giữ mức glucose trong phạm vi bình thường. Ngoài ra, tích cực tập thể dục còn đem lại nhiều lợi ích khác như kiểm soát cân nặng, tăng năng lượng cho cơ thể, ngủ ngon hơn, giảm đau lưng, táo bón và đầy hơi.
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ: Nếu phụ nữ đang dùng insulin trước khi mang thai để kiểm soát bệnh tiểu đường, liều insulin thường sẽ tăng lên trong khi mang thai. Insulin an toàn khi sử dụng trong thai kỳ và không gây dị tật bẩm sinh. Một số trường hợp cũng có thể tiêm insulin để kiểm soát glucose trong máu.
- Xét nghiệm huyết sắc tố A1C: Giúp đo lượng huyết sắc tố gắn đường trong máu của bạn. Nếu lượng huyết sắc tố bị gắn đường trong máu càng nhiều, càng cho thấy bệnh tiểu đường trong những tuần gần đây (4-6 tuần) không được kiểm soát tốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ HbA1C càng cao, càng có nguy cơ cao bị các biến chứng của bệnh tiểu đường.
6. Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?
Trong khi mang thai, nếu người mẹ nên áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp, có thể kiểm soát được lượng đường trong cơ thể thì thai kỳ vẫn phát triển bình thường và không ảnh hưởng đến việc sinh nở.
Việc quyết định sinh thường hay sinh mổ còn phụ thuộc vào nhiều lý do sản khoa khác nhau, khó có thể dự đoán được trong thai kỳ. Khi bà bầu vào chuyển dạ, bác sĩ sẽ kiểm tra và dự đoán tình trạng sức khỏe của bà bầu để quyết định nên sinh thường hay sinh mổ.
7. Mẹ bị tiểu đường có thể cho con bú được không?
Các bác sĩ khuyến cáo rằng nên nuôi con bằng sữa mẹ đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Bởi vì nuôi con bằng sữa mẹ mang lại cho bé nguồn dinh dưỡng tốt nhất để giữ sức khỏe và phát triển khỏe mạnh, không những thế nó cũng tốt cho bà bầu giảm thừa cân sau thai kỳ và giúp tử cung nhanh chóng trở lại kích thước ban đầu.
Ngay từ những ngày đầu khám thai hay những sản phụ chưa có hoặc có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ đều có thể thực hiện tầm soát tiểu đường thai kỳ để được các bác sĩ đánh giá nguy cơ, kiểm soát bệnh tiểu đường để bà bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, sinh con dễ dàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org