Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 15 năm trong chẩn đoán & điều trị các bệnh lý Nhi khoa; từng có thời gian công tác tại khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Phụ Sản Nhi Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhi; hồi sức, cấp cứu nhi.
Khi bị sốt phát ban, trẻ thường có những thay đổi về trạng thái tinh thần rõ rệt như quấy khóc,... Tiếp đó, trẻ bị sốt, sổ mũi, ho, một số trẻ còn bị tiêu chảy, mấy ngày sau, bắt đầu xuất hiện những vết chấm đỏ trên cơ thể. Bệnh sốt phát ban tuy lành tính nhưng nếu hiểu và điều trị sai thì sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
1. Nguyên nhân trẻ bị sốt phát ban?
Sốt phát ban trẻ em hay người lớn thường do virus rubella (hay còn gọi ban đào) và virus sởi (hay còn gọi ban đỏ). Ban do rubella thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban sởi, virus gây bệnh rubella khá lành tính đối với trẻ em nhưng lại rất nguy hiểm cho phụ nữ đang mang thai. Ban do virút sởi (ban đỏ) là nổi ban dạng sẩn (vết phát ban gồ lên mặt da), khi hết sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”.
Nguyên nhân gây bệnh là do lây nhiễm virus từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của họ.
Biểu hiện chung của sốt phát ban ở trẻ em là sau thời gian ủ bệnh khoảng một tuần, trẻ thường bị sốt, có thể sốt nhẹ từ 37,5 độ C – 38 độ C hoặc sốt cao từ 39 độ C – 40 độ C, tùy theo thể trạng và nguyên nhân gây bệnh, khi bớt sốt sẽ xuất hiện hồng ban trên người với những tính chất đặc thù của từng bệnh, cụ thể như sau:
- Ban do vi rút sởi (ban đỏ): Khởi bệnh trẻ thường bị sốt, khi dấu hiệu sốt giảm sẽ xuất hiện dấu hiệu phát ban, lúc đầu ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng sẽ mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Sốt phát ban trẻ em do sởi thường có kèm theo các triệu chứng như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt.
- Ban do virus rubella (ban đào): phát ban lúc đầu ở mặt sau đó lan xuống dưới chân, thời gian phát ban thường kéo dài khoảng 3 ngày. Ban do rubella thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban sởi, có thể kèm theo tình trạng sưng hạch sau tai, hạch cổ và dưới chẩm, bệnh nhân có thể bị đau khớp.
2. Làm thế nào khi trẻ bị sốt phát ban cao, quấy khóc nhiều?
Khi có dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị sốt phát ban, phụ huynh thường lên mạng để tìm các thông tin về hình ảnh trẻ bị sốt phát ban hay trẻ sốt phát ban phải làm sao để điều trị cho trẻ. Tuy nhiên, việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm là nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và cách chữa trị tốt nhất. Sau đó, việc điều trị trẻ sốt phát ban tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ trong giai đoạn trẻ sốt rất quan trọng để giúp trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hạ sốt. Việc chăm sóc trẻ thường cần hướng tới các mục tiêu:
Theo dõi nhiệt độ và cho hạ nhiệt khi cần thiết:
- Phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên, cho hạ nhiệt khi cần thiết để tạo cho trẻ có cảm giác dễ chịu. Paracetamol dạng uống và dạng đặt hậu môn thường được dùng cho trẻ sốt với liều lượng 10mg/kg/lần (4-6 tiếng/lần)
- Dù thời tiết là mùa đông, khi trẻ sốt, phụ huynh cũng nên nới lỏng quần áo cho trẻ.
- Trong quá trình điều trị trẻ sơ sinh bị sốt phát ban, bạn có thể tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, không nên kiêng gió, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Nhưng cha mẹ không nên để trẻ bị nhiễm lạnh.
- Chườm ấm bằng khăn mềm hoặc lau người trẻ bằng khăn ấm không nên quá 10 phút/ giờ.
- Chỉ áp dụng nếu trẻ bị sốt cao, sốt ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.
- Ngoài dùng thuốc, bạn có thể dùng các cách đơn giản để hạ sốt an toàn cho trẻ nhỏ như chườm ấm trẻ bằng khăn nhúng nước ấm (tránh dùng nước lạnh), mặc đồ thoáng mát cho trẻ, dùng chăn đắp kín hoặc dùng chăn dày cho trẻ.
- Nếu trẻ bị ho, cho trẻ uống các loại thuốc giảm ho có nguồn gốc từ thảo dược.
- Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm. Đây là phương pháp giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ hơn.
Bù nước đầy đủ cho trẻ:
- Phụ huynh nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước hoa quả, nước súp, oresol..
- Khi được cung cấp đủ nước, thông thường cứ cách 4 tiếng trẻ đi tiểu 1 lần.
- Cha mẹ vẫn cần theo dõi các dấu hiệu bất thường ở trẻ:
- Cha mẹ vẫn cần theo dõi để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo như đã đề cập ở trên để nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế nếu cần thiết.
Đồng thời, từ khi sốt đến khi bệnh khỏi hoàn toàn, bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi trên giường và môi trường sống cũng cần phải sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm thấp, bí bách dễ phát sinh vi khuẩn.
Khi phụ huynh thấy sốt phát ban trẻ em cao > 39.4 độ C, không kiểm soát được nhiệt độ dù đã dùng thuốc hạ sốt, sau 3 ngày điều trị nhưng sốt phát ban không có chuyển biến tích cực và những trẻ có hệ miễn dịch yếu, dưới 6 tháng tuổi hoặc trẻ đang bị mất nước do tiêu chảy thì bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị tốt nhất, hạn chế tối đa các rủi ro xảy đến với trẻ.
3. Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ
- Nhiều bệnh nhân dù chưa có biểu hiện phát ban song đã bị nhiễm bệnh do đó cần tránh trẻ tiếp xúc với những người đang bị nghi ngờ là mắc bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ hàng ngày cho trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng đa dạng, đủ dưỡng chất, đặc biệt là thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Khi bé xuất hiện triệu chứng của sốt phát ban, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế khám sớm để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh. Vinmec có đầy đủ các bác sĩ chuyên sâu về thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ung bướu... ngay tại khoa Nhi, có thể điều trị sốt phát ban hiêụ quả và các biến chứng nếu có nhanh, chính xác, hiệu quả, tiết kiệm thời gian di chuyển giữa các khoa. Đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất.
Ngoài ra, để phòng ngừa sốt phát ban trẻ em tốt nhất, bạn nên cho bé tiêm chủng đầy đủ. Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trẻ đã được 12 – 15 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ tiêm vắc xin 3 trong 1 (rubella được phòng chung với sởi và quai bị). Khi trẻ đã được 4 – 6 tuổi, bạn cần cho trẻ tiêm nhắc lại liều thứ hai để tăng khả năng phòng bệnh. Hiện trung tâm tiêm chủng Vinmec có đầy đủ các loại vắc-xin này. Toàn bộ vắc-xin có chất lượng cao, xuất xứ rõ ràng, đảo bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng.
Nếu có nhu cầu khám cho bé hoặc tiêm chủng, bạn hãy đăng ký trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.