Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Bổ sung vitamin D đúng cách và đầy đủ cho trẻ là biện pháp giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não. Trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau sẽ có nhu cầu khác nhau về liều lượng vitamin D nên cần đảm bảo cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho trẻ, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa vitamin D.
1. Vitamin D và vai trò đối với cơ thể
1.1 Các dạng vitamin D (Calciferol)
Vitamin D gồm có các dạng:
- Vitamin D nguồn gốc thực vật: Có trong dầu ăn, nấm,... dưới dạng Ergocalciferol (D2);
- Vitamin D nguồn gốc động vật: Có trên da động vật dưới dạng 7-dehydrocholesterol (D3).
Cả 2 dạng vitamin D trên là tiền chất dưới tác dụng của tia tử ngoại chuyển thành vitamin D. Vitamin D được dự trữ trong gan, hàm lượng cao hơn trong gan cá biển, gan bò nuôi thả.
1.2 Vai trò của vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương nhờ cơ chế tăng cường hấp thu canxi và phốt pho từ đường tiêu hóa, tái hấp thu canxi ở ống thận và tham gia vào quá trình khoáng hóa xương. Tại xương, vitamin D phối hợp với hormone cận giáp (PTH) kích thích chuyển hóa canxi và phốt pho, tăng quá trình lắng đọng canxi của xương. Đồng thời, vitamin D điều hòa mức canxi trong máu bằng cách huy động canxi từ xương ra trong trường hợp thiếu canxi. Vì vậy, vitamin D là một chất quan trọng giúp điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phốt pho trong cơ thể.
Ngoài ra, vitamin D cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hóa các hormone, bao gồm insulin và hormone tuyến cận giáp. Đồng thời, vitamin D cũng ảnh hưởng tới sự biệt hóa của một số tế bào ung thư như ung thư xương, ung thư da và ung thư vú. Cung cấp đủ vitamin D cho nhu cầu cơ thể có thể giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
2. Hệ lụy khi thiếu - thừa vitamin D
2.1 Thiếu vitamin D
Thiếu hụt vitamin D trầm trọng gây còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây loãng xương ở người lớn. Những đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D là: trẻ sinh non, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2,5 kg), trẻ không được bú mẹ, trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (đường tiêu hóa, đường hô hấp), phụ nữ có thai và cho con bú ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người cao tuổi, người mắc hội chứng kém hấp thu ở ruột, mắc bệnh di truyền gây giảm chuyển hóa vitamin D,...
2.2 Thừa vitamin D
Nếu dùng vitamin liều cao (liều dùng trên 1.000.000 đơn vị quốc tế trong 7 ngày) có thể gây chứng thừa vitamin D (ngộ độc vitamin D) với các biểu hiện như:
- Tăng canxi máu, có thể gây tai biến nguy hiểm;
- Trẻ dưới 1 tuổi dùng quá liều có thể bị co giật - trạng thái kích thích do tăng canxi máu, dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, thậm chí gây suy thận và tử vong;
- Trẻ ở nhóm tuổi khác nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc, chậm lớn vì sụn bị hóa xương sớm;
- Dùng liều lớn vitamin D có thể gây mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa, đa niệu, tiêu chảy và rối loạn tâm thần. Tăng canxi máu kéo dài gây canxi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, mạch máu và thận, tiềm ẩn nguy cơ tử vong.
3. Liều lượng vitamin D phù hợp với trẻ
Vậy có nên bổ sung vitamin D cho bé? Câu trả lời là: Có. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung cấp lượng vitamin D thấp hơn so với nhu cầu của cơ thể (gây thiếu vitamin D) hoặc cung cấp lượng vitamin quá lớn so với nhu cầu cơ thể (gây thừa vitamin D), mỗi người cần nắm được liều lượng bổ sung vitamin D phù hợp nhất.
Cụ thể, liều lượng vitamin D cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em là 400IU/ngày. Liều vitamin D dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin D như sau:
- Trẻ sơ sinh đến 18 tháng tuổi, nếu uống ít hơn 1000ml sữa có bổ sung vitamin D trong ngày hoặc khẩu phần vitamin D không đáp ứng được tiêu chuẩn 400IU/ngày nên uống bổ sung vitamin D 400IU/ngày liên tục;
- Trẻ 18 - 60 tháng tuổi chỉ sử dụng liều vitamin D 400IU/ngày vào mùa thời tiết nhiều sương mù, ít ánh nắng;
- Trẻ sinh non, nhẹ cân, đẻ sinh đôi hoặc có làn da sẫm màu: Từ tuần thứ 2 sau sinh có thể được chỉ định uống bổ sung vitamin D 400 - 800IU/ngày liên tục trong 15 tháng đầu, sau đó chuyển sang phác đồ bình thường;
- Trẻ không thường xuyên được chăm sóc chu đáo: Nên bổ sung vitamin D liều cao cách nhau một khoảng thời gian. Với trẻ 6 - 18 tháng tuổi nên uống 1 liều 200.000IU mỗi 6 tháng, trẻ 18 - 60 tháng tuổi dùng 1 liều duy nhất vào đầu mùa đông trong năm;
- Trẻ em và thanh thiếu niên không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng sử dụng dưới 500ml sữa có bổ sung vitamin D hoặc không bổ sung đủ vitamin D 200IU/ngày nên bổ sung vitamin D 400IU/ngày;
- Phụ nữ có thai và cho con bú nếu khẩu phần ăn không đảm bảo cung cấp đủ vitamin D hoặc thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên uống bổ sung vitamin D với liều 400IU - 600IU/ngày hoặc dùng liều 1.000IU - 1.200IU/ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc dùng liều duy nhất 200.000IU vào tháng thứ 7 nếu không có điều kiện tắm nắng thường xuyên.
Các dạng vitamin D thường sử dụng cho trẻ em:
- Sterogyl (vitamin D2 tan trong cồn, 1 giọt = 400 IU): Dùng 1 giọt vitamin mỗi ngày;
- Infadin (vitamin D2 tan trong dầu, 1 giọt = 800 IU): Dùng 1 giọt mỗi ngày hoặc cách ngày theo chỉ định cụ thể của bác sĩ;
- Vitamin D3 B.O.N (vitamin D3 dạng dầu, 200.000 IU/1ml/ống): Dùng 1 ống mỗi 6 tháng hoặc có thể tăng 2 ống mỗi 6 tháng đối với trẻ ít tiếp xúc với ánh sáng hoặc có làn da sẫm màu theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Việc bổ sung vitamin D liều hằng ngày vẫn là biện pháp an toàn nhất. Đồng thời, khi bổ sung vitamin D cần chú ý hạn chế dùng vitamin D liều cao trong dự phòng và điều trị vì dễ gây thừa vitamin D.
4. Các biện pháp bổ sung vitamin D khác
Ngoài sử dụng vitamin D trực tiếp, các bậc phụ huynh có thể bổ sung vitamin D cho trẻ theo hướng dẫn sau:
- Xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm, sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D, canxi, phốt pho,...;
- Nuôi con bằng sữa mẹ;
- Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh nên tắm nắng thường xuyên;
- Tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm, đặc biệt là trẻ sinh non, sinh đôi, suy dinh dưỡng;
- Dự phòng và điều trị sớm các bệnh liên quan tới thiếu vitamin D như: Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, viêm tụy, viêm thận,...
Để có thêm kiến thức nuôi con đúng cách, bố mẹ hãy chủ động cập nhật các thông tin y tế hữu ích trên website Vinmec.com và liên hệ ngay với các bác sĩ, chuyên gia tại Vinmec khi cần hỗ trợ nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong