Việc phát triển chiều cao quá nhanh hoặc sở hữu một chiều cao vượt trội so với mức trung bình có thể khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. Liệu việc trẻ phát triển quá nhanh so với các bạn cùng tuổi có liên quan đến một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào hay không? Và liệu có cách nào giúp làm ngừng phát triển chiều cao không?
1. Bạn có thể ngừng phát triển chiều cao của mình không?
Mỗi một người đều sở hữu cho riêng mình các yếu tố về chiều cao, kích thước và hình dáng khác biệt nhau. Hầu hết những yếu tố này đều do gen quyết định. Nếu bạn có bố mẹ cao hơn mức trung bình thì rất có thể bạn cũng sở hữu một chiều cao vượt trội.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bạn có thể dựa vào gen để xác định được thời điểm mà bạn sẽ trải qua các đợt tăng trưởng. Đôi khi điều này có thể khiến cho một số người cao hơn nhiều so với những người có cùng độ tuổi. Nhìn chung, chiều cao của bạn thường có xu hướng thay đổi trong suốt cuộc đời. Xương của bạn sẽ phát triển từ thời thơ ấu, niên thiếu và tiếp tục cho tới khi bạn trưởng thành vào tuổi đôi mươi. Đến độ tuổi trung niên, cơ thể sẽ có xu hướng bị teo lại. Nhiều người trung tuổi có thể bị mất đi khoảng 2 – 4cm chiều cao so với chiều cao đỉnh điểm khi trưởng thành.
Nhiều trường hợp lo lắng về sự phát triển chiều cao vượt bậc hơn so với chiều cao trung bình thường bắt nguồn từ tư tưởng phân biệt giới tính. Người ta cho rằng nữ giới không được phép cao hơn nam giới. Chính vì tư tưởng “lạc hậu” này đã khiến cho nhiều gia đình lựa chọn liệu pháp điều trị estrogen cho con gái của họ với hy vọng sẽ ngăn được sự phát triển chiều cao của các cô gái. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh rằng liệu pháp này không những không mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa và kìm hãm sự phát triển chiều cao ở nữ giới, mà còn khiến cho họ gặp phải những tác dụng phụ khó chịu.
Cũng có một số trường hợp thực hiện phẫu thuật rút ngắn xương, tuy nhiên nó hiếm khi được khuyến nghị sử dụng cho mục đích ngăn chặn sự tăng trưởng chiều cao. Những phẫu thuật này thường được áp dụng đối với những người bị mất cân đối về chiều dài chân.
Do chiều cao của bạn chủ yếu được quyết định bởi yếu tố di truyền, vì vậy hầu như chúng ta không có bất kỳ một phương pháp khả thi nào để làm ngừng sự phát triển chiều cao của bạn một cách có chủ đích. Tốt nhất bạn không nên cố gắng ngăn sự phát triển chiều cao tự nhiên của mình, trừ khi bạn có một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó.
XEM THÊM: Những sai lầm thường gặp của cha mẹ khi cố gắng "thúc" chiều cao cho con quá mức là gì?
2. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao của bạn?
Dưới đây là những yếu tố chính có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển chiều cao của bạn, bao gồm:
2.1. Gen
Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất, chi phối chiều cao của bạn. Tùy theo từng vùng miền hay chủng tộc mà sự di truyền về chiều cao cũng có thể khác nhau. Chẳng hạn, nếu bố mẹ bạn có chiều cao lớn hơn hoặc dưới mức trung bình, thì chiều cao cuối cùng của bạn có thể giống với bố mẹ. Mặt khác, ở một số vùng khác, nếu giữa bố và mẹ có sự khác biệt về chiều cao (một người thấp và một người cao) thì chiều cao cuối cùng của bạn có thể nằm ở khoảng giữa. Ngoài ra, một số người có thể có chiều cao bất thường, nghĩa là họ có thể cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với những thành viên khác trong gia đình.
2.2. Dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe trong thời thơ ấu
Nhìn chung, yếu tố về dinh dưỡng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn trong thời thơ ấu có ảnh hưởng đáng kể đến việc xác định chiều cao trưởng thành của bạn.
Theo những nghiên cứu gần đây đã cho thấy, ở các nước phát triển đã ghi nhận sự gia tăng chiều cao trong dân số nhờ vào khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngược lại, một chế độ dinh dưỡng kém, thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng và chăm sóc sức khỏe không đầy đủ, thậm chí tình trạng sinh non của phụ nữ cũng góp phần khiến cho vóc dáng của bạn trở nên thấp hơn so với trung bình.
Các nhà khoa học cho rằng, hầu hết những trẻ em bị thấp bé và còi xương là do cơ thể không nhận được đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển, chẳng hạn như vitamin D, canxi và protein. Ngoài ra, chứng rối loạn ăn uống ở trẻ em cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chiều cao của trẻ do vấn đề dinh dưỡng kém. Nếu trẻ mắc phải chứng rối loạn này trong một thời gian ngắn thì khả năng bắt kịp với tốc độ tăng trưởng cùng những trẻ khác vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu bị rối loạn ăn uống lâu dài (mãn tính) thì trẻ có thể trở nên thấp bé vĩnh viễn.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì tình trạng sức khỏe tổng thể cũng là một yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của trẻ trong thời thơ ấu. Những tình trạng này thường bao gồm hội chứng Down, chứng lùn, hội chứng Russell-Silver, dậy thì muộn hoặc suy tuyến yên.
XEM THÊM: Chiều cao ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?
2.3. Giới tính
Giới tính cũng là một trong những yếu tố tạo ra sự khác biệt về chiều cao giữa nam giới và nữ giới. Do các bé gái có xu hướng dậy thì sớm hơn so với các bé trai khoảng 2 năm, vì vậy nữ giới có thể lớn nhanh hơn so với nam giới có cùng độ tuổi. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì bé trai dường như có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn so với bé gái. Đây cũng là lý do vì sao đàn ông trưởng thành thường cao hơn phụ nữ trưởng thành khoảng 5 inch.
2.4. Giấc ngủ
Trong thời gian bạn ngủ, hormone tăng trưởng (GH) sẽ được sản xuất ra bởi tuyến yên. Thực chất, GH là một loại hormone đồng hóa, nó có khả năng thúc đẩy quá trình tổng hợp protein trong cơ thể, giúp tăng cường sự phát triển cho các cơ, xương và các mô liên kết khác. Điều này đã cho thấy chất lượng và số lượng giấc ngủ đóng một vai trò vô cùng thiết yếu đối với sự tăng trưởng chiều cao của cơ thể. Để có thể phát triển toàn diện nhất về mặt thể chất, bạn nên cố gắng ngủ đủ giấc và ngủ một cách khoa học.
3. Có bài tập nào giúp bạn thấp hơn không?
Nhiều người đưa ra quan điểm rằng, việc thực hiện các bài tập nâng tạ trong quãng thời gian niên thiếu có thể làm cản trở đến sự phát triển xương và chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào chứng minh rằng quan điểm này là đúng đắn hoàn toàn. Bởi vì đa số các bài tập thể chất được thiết kế phù hợp với thể trạng của một người có thể giúp tăng cường sự chắc khỏe của xương và bảo vệ khớp không bị tổn thương.
Mặc dù, các bài tập nâng tạ không phải là nguyên nhân chính làm kìm hãm sự phát triển chiều cao của cơ thể, tuy nhiên nếu luyện tập quá sức kèm theo kỹ thuật tập luyện sai cách có thể làm tổn hại đến các sụn tăng trưởng của bạn.
Ngoài ra, sự chấn thương đối với các sụn tăng trưởng không phải chỉ xảy ra khi bạn nâng tạ. Các nghiên cứu đã cho thấy, có khoảng 15 – 30% tình trạng gãy xương ở trẻ em có ảnh hưởng đến các sụn tăng trưởng trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu được điều trị với phương pháp thích hợp có thể ít gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho trẻ.
4.Một số cách giúp bạn trông thấp hơn
Mặc dù không có bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào có thể khiến bạn thấp hơn so với chiều cao thực tế, tuy nhiên bạn vẫn có thể giúp mình “biến hóa” thành một người "thấp hơn" thông qua cách ăn mặc. Đây cũng có thể trở thành “cứu tinh” cho những người có chiều cao trên mức trung bình. Dưới đây là một số cách mặc đồ giúp bạn trông thấp hơn so với chiều cao thực tế của mình, bao gồm:
- Mặc những bộ quần áo rộng quá khổ so với vóc dáng
- Đi giày có đế bằng, tránh đi giày cao gót hoặc có mũi nhọn.
- Mặc áo sơ mi hoặc áo khoác rộng và dài vì điều này có thể giúp chân bạn trông ngắn hơn. Tốt nhất, bạn nên tránh mặc các áo bó sát vì chúng có thể làm bạn trông cao hơn.
- Đối với nữ giới nên mặc váy dài quá đầu gối để tạo cảm giác ngắn hơn cho đôi chân
- Phối quần áo với nhiều màu sắc khác nhau, giúp đánh lừa thị giác cho người nhìn
- Nếu các bạn nữ có mái tóc dài thì bạn nên tích cực xõa tóc xuống vì điều này có xu hướng khiến bạn trông lùn hơn.
Việc có chiều cao "quá khổ" có thể làm mất đi tính thẩm mỹ bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào để giúp bạn giảm bớt chiều cao so với thực tế. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, bạn nên để chiều cao phát triển tự nhiên và có thể sử dụng các loại trang phục để "giấu bớt" chiều cao một cách khéo léo.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com