Làm thế nào để ngăn ngừa mất thính giác do tiếng ồn, tuổi tác?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mất thính giác do tiếng ồn và tuổi tác có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, việc ngăn ngừa thông qua các thiết bị ngừa tiếng ồn và hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn là điều rất cần thiết.

1. Tiếng ồn, tuổi tác - hai nguyên nhân chính gây mất thính giác

Tăng âm lượng lớn trên điều khiển TV và để người xung quanh phải hét to mới nghe rõ là những biểu hiện ban đầu của suy giảm thính lực. Có hai lý do phổ biến gây mất thính giác gồm:

  • Tuổi tác: Khi tuổi tác tăng lên, các tế bào lông ở tai trong dần mất đi và không thể tiếp nhận các rung động âm thanh như trước nữa, từ đó gây nghe kém ở tuổi già.
  • Tiếng ồn: Âm thanh lớn theo thời gian có thể làm hỏng các tế bào lông trong tai gây nghe kém do tiếng ồn.

XEM THÊM: Khi nào cần đo thính lực?


Tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên là nguyên nhân chính gây mất thính giác
Tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên là nguyên nhân chính gây mất thính giác

2. Làm gì để ngăn ngừa mất thính giác do tiếng ồn, tuổi tác?

Mất thính lực do tiếng ồn và tuổi tác có thể ngăn ngừa và làm chậm quá trình tiến triển bằng một số mẹo sau:

2.1. Tránh nơi quá nhiều tiếng ồn

Nếu bạn phải hét lên vì tiếng ồn xung quanh thì nó đủ lớn để làm hỏng thính giác. Âm thanh từ một số loại công cụ có thể đủ lớn để làm hỏng thính giác mà bạn cần tránh gồm xe máy, dàn loa đài, dụng cụ điện như cưa và máy khoan, tai nghe, v.v.

2.2. Chọn mua các vật dụng có âm thanh nhỏ

Bạn nên lựa chọn các thiết bị có tiếng ồn thấp. Nếu đến những nơi có tiếng ồn như rạp chiếu phim, nhà hàng, bạn nên yêu cầu người quản lý giảm âm lượng xuống.

2.3. Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn nơi công cộng

Suy giảm thính lực do tiếng ồn là hậu quả do tiếp xúc lâu dài với âm thanh ồn ào. Để hạn chế, bạn cần hạn chế tối đa thời gian nghe các âm thanh ồn ào nơi công cộng như tiếng còi xe cứu thương hoặc tiếng búa khoan nơi góc phố.

2.4. Mang thiết bị bảo vệ thính giác

Thiết bị bảo vệ thính giác cần được đeo vào với người tiếp xúc với âm thanh lớn trong hơn vài phút. Một số thiết bị bảo vệ thính giác thường sử dụng gồm:

  • Nút tai: Nút tai nghe bọt biển hoặc cao su thường được sử dụng để giảm tiếng ồn từ 15 đến 30 decibel. Nó phù hợp với người cần nghe âm thanh nhỏ hơn nhưng không làm biến dạng âm thanh.
  • Bịt tai: Bịt tai giúp bịt kín toàn bộ tai, ngăn âm thanh truyền vào. Nó có thể giảm âm thanh khoảng 15 đến 30 decibel.

Bạn cũng có thể đeo nút tai và bịt tai cùng nhau để bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn hơn.


Nút bịt tai sẽ giúp bạn giảm thiểu tiếng ồn tác động đến thính giác
Nút bịt tai sẽ giúp bạn giảm thiểu tiếng ồn tác động đến thính giác

2.5. Không hút thuốc

Các nghiên cứu cho thấy thuốc lá có thể làm mất thính giác. Vì vậy, nếu bạn bị giảm thích giác, hãy từ bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc.

2.6. Lấy ráy tai đúng cách

Ráy tai tích tụ nhiều có thể gây khó nghe. Tuy nhiên, bạn không nên dùng tăm bông để làm sạch ráy tai vì chúng có thể đẩy ráy vào sâu hơn. Thay vào đó, bạn nên tìm mua các bộ dụng cụ làm mềm và nhẹ nhàng rửa sạch ráy tai. Nếu ráy bám chặt, bạn nên đến gặp bác sĩ để được lấy ra an toàn.

2.7. Tránh các loại thuốc làm giảm thích lực

Có khoảng 200 loại thuốc có thể làm hỏng thính giác, trong đó có một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống ung thư. Sử dụng aspirin liều cao cũng có thể làm tổn thương tai. Do đó, bạn nên kiểm tra lại với bác sĩ để đảm bảo sử dụng thuốc đúng liều lượng hoặc đổi loại thuốc mới, tránh gây hại cho tai. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng một loại thuốc có thể gây hại cho tai, hãy đảm bảo bác sĩ kiểm tra thính giác trong suốt quá trình điều trị.


Một số thuốc kháng sinh có thể làm suy giảm thính giác
Một số thuốc kháng sinh có thể làm suy giảm thính giác

2.8. Kiểm tra thính giác

Bạn nên kiểm tra thính giác thường xuyên trong các trường hợp:

  • Có người thân bị khiếm thính
  • Gặp khó khăn khi nghe các cuộc trò chuyện
  • Xung quanh có tiếng ồn lớn thường xuyên
  • Thường nghe thấy tiếng ù tai

Nếu bạn bị mất thính giác, bạn có thể hạn chế tổn thương nhiều hơn bằng cách lái xe tránh tiếng ồn lớn. Nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn sử dụng máy trợ thính và các phương pháp điều trị khác. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám khi thính lực giảm đột ngột, nghe thấy âm thanh lạ hoặc các bất thường khác về tai.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, nếu bạn thấy có những bất thường về khả năng nghe, suy giảm thính lực,... thì bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe