Làm thế nào để đi tiểu dễ hơn khi bị phì đại tuyến tiền liệt?

Việc dùng thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt phát triển quá mức, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề khó chịu như đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, khó làm rỗng bàng quang hoàn toàn và nhu cầu đi tiểu gấp vào những thời điểm bất tiện. Vậy làm thế nào để đi tiểu dễ hơn khi bị phì đại tuyến tiền liệt? Đọc thêm để hiểu rõ hơn.

1. Phì đại tuyến tiền liệt (BPH) là gì?

Phì đại tuyến tiền liệt gây ra các vấn đề đáng chú ý ở một phần ba nam giới ở độ tuổi trên 60. Điều trị bằng thuốc làm giảm các triệu chứng và đối với các vấn đề nghiêm trọng của phì đại tuyến tiền liệt. Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt của bạn bị phình to. Tuyến tiền liệt trải qua hai chu kỳ phát triển chính trong cuộc đời của một người đàn ông. Lần đầu tiên xảy ra sớm ở tuổi dậy thì, khi tuyến tiền liệt tăng gấp đôi kích thước. Giai đoạn tăng trưởng thứ hai bắt đầu vào độ tuổi 25 và kéo dài trong phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời một người đàn ông. Phì đại tuyến tiền liệt thường xuất hiện nhiều nhất trong giai đoạn tăng trưởng thứ hai này.

Khi tuyến tiền liệt được mở rộng, nó sẽ ép vào niệu đạo. Thành bàng quang trở nên dày hơn. Đến một thời điểm nào đó, bàng quang có thể suy yếu và mất khả năng làm rỗng hoàn toàn, luôn để lại một ít nước tiểu trong bàng quang. Hẹp niệu đạo và bí tiểu - không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn - gây ra nhiều vấn đề về phì đại tuyến tiền liệt.

Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt là lành tính. Điều này có nghĩa là nó không phải là một loại ung thư. Nó không gây ra hoặc dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, phì đại tuyến tiền liệt và ung thư có thể xảy ra cùng một lúc. Tình trạng này cũng không phải hiếm gặp. Khoảng một nửa số nam giới từ 51 đến 60 tuổi mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Thậm chí, có đến 90% nam giới trên 80 tuổi mắc bệnh này.

Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh sản của nam giới. Nó có kích thước bằng một quả óc chó và nặng khoảng 30 gram. Tuyến tiền liệt nằm phía bên dưới bàng quang và phía trước trực tràng. Nó nằm xung quanh một ống được gọi là niệu đạo, dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài qua dương vật. Công việc chính của tuyến tiền liệt là tạo chất lỏng cho tinh dịch. Trong quá trình xuất tinh, tinh trùng được tạo ra trong tinh hoàn sẽ di chuyển đến niệu đạo. Đồng thời, dịch từ tuyến tiền liệt và túi tinh cũng di chuyển vào niệu đạo. Hỗn hợp này bao gồm cả tinh dịch - đi qua niệu đạo và ra ngoài qua dương vật.

Khi tuyến tiền liệt bị phình to, nó có thể chèn vào và làm tắc nghẽn bàng quang. Đi tiểu thường xuyên là một triệu chứng phổ biến của phì đại tuyến tiền liệt. Người bị phì đại tuyến tiền liệt có thể đi tiểu liên tục, cách nhau từ 1 – 2 giờ, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, các triệu chứng khác của phì đại tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Cảm thấy bàng quang đầy, thậm chí là ngay sau khi đi tiểu
  • Cảm thấy mót tiểu, không thể nhịn tiểu
  • Dòng nước tiểu yếu
  • Đi tiểu nhiều lần và đặc biệt vào ban đêm
  • Khó đi tiểu
  • Cần phải rặn hoặc tạo áp lực để đi tiểu

Như đã nói, phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng lành tính. Tuy nhiên, nếu nó trở nên nghiêm trọng, bạn có thể không đi tiểu được. Đây là một trường hợp khẩn cấp phải được điều trị ngay lập tức.

Nguyên nhân của phì đại tuyến tiền liệt vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra. Một số nhà nghiên cứu tin rằng các yếu tố liên quan đến lão hóa và tinh hoàn có thể gây ra tình trạng này. Điều này là do phì đại tuyến tiền liệt không phát triển ở nam giới bị cắt bỏ tinh hoàn trước tuổi dậy thì.

Trong suốt cuộc đời của họ, đàn ông sản xuất cả testosterone, hormone nam và một lượng nhỏ estrogen, hormone nữ. Khi nam giới già đi, lượng testosterone hoạt động trong máu giảm xuống, khiến cho tỷ lệ về nồng độ estrogen tăng lên. Các nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng phì đại tuyến tiền liệt có thể xảy ra do tỷ lệ estrogen trong tuyến tiền liệt cao hơn làm tăng thêm hoạt động của các chất bắt đầu phát triển tế bào tuyến tiền liệt.

Một giả thuyết khác liên quan đến dihydrotestosterone (DHT), một loại hormone nam có vai trò trong sự phát triển và tăng trưởng của tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngay cả khi nồng độ testosterone trong máu bắt đầu giảm, lượng DHT cao vẫn tích tụ trong tuyến tiền liệt. Điều này có thể thúc đẩy các tế bào tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển. Các nhà khoa học đã lưu ý rằng những người đàn ông không sản xuất DHT hoặc sản xuất ít DHT đã không phát triển tình trạng phì đại tuyến tiền liệt.


Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh sản của nam giới
Tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh sản của nam giới

2. Làm thế nào để đi tiểu dễ hơn khi bị phì đại tuyến tiền liệt?

Đối với những người bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH), có rất nhiều điều khó chịu mà họ phải chịu đựng. Nhiều khi họ cảm thấy rất buồn tiểu tiện nhưng khi đến nhà vệ sinh, họ lại không thể tiểu được. Tất cả những gì xuất hiện cứ như một trò đùa. Tuy nhiên, cảm giác buồn đi tiểu vẫn còn xuất hiện ở đó và nó thậm chí có thể gây đau đớn.

Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là một tình trạng bệnh lý phổ biến (và khó chịu). Nó ảnh hưởng đến gần 50% nam giới ở độ tuổi 60. Khi chúng ta già đi, tuyến tiền liệt của chúng ta có thể trở nên phì đại, chèn ép lên niệu đạo và một phần bàng quang. Điều đó mặc dù không có nghĩa là chúng ta bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt trong tương lai. Nhưng đôi khi nó có thể gây ra các vấn đề, chẳng hạn như tổn thương bàng quang hoặc thận và tiểu không kiểm soát.

Ngoài ra, đối với những người mắc tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, dù không nguy hiểm nhưng có thể mang đến cho họ nhiều điều bất tiện trong cuộc sống, có thể kể đến như :

  • Thường xuyên phải đi tiểu
  • Khó khăn khi bắt đầu đi
  • Dòng nước tiểu yếu
  • Tăng nhu cầu đi tiểu vào ban đêm
  • Không có khả năng ngăn chặn việc đi tiểu
  • Không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn được
  • Đi tiểu thụ động

Có những loại thuốc có thể điều trị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và nếu không thể quản lý được các triệu chứng thì phẫu thuật có thể là một lựa chọn người bệnh nên cân nhắc. Ngoài ra còn có các bài tập và kỹ thuật quản lý căng thẳng mà các đấng mày râu có thể tự thực hành để giúp kiểm soát triệu chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và kiểm soát vấn đề tiết niệu của mình, bao gồm :

  • Giữ cho bản thân hoạt động: Ít hoạt động thể chất có thể khiến cơ thể giữ lại nước tiểu. Các hoạt động như đi bộ, chạy bộ và bơi lội có thể giúp giảm các vấn đề về tiết niệu.
  • Thực hiện các bài tập Kegel: Đứng hoặc ngồi trên bồn cầu và co cơ cho phép chúng ta dừng lại và bắt đầu dòng nước tiểu theo ý mình. Giữ nó trong 5 đến 10 giây. Làm điều này 5 đến 15 lần, 3 đến 5 lần một ngày để giúp kiểm soát hoạt động của bàng quang.
  • Suy nghĩ: Các rối loạn liên quan đến hệ thần kinh và căng thẳng khiến một số nam giới đi tiểu thường xuyên hơn. Thử thiền cùng với tập thể dục để giúp giảm căng thẳng.
  • Hãy thử làm trống hoàn toàn bàng quang: Khi đi tiểu, hãy đi một lần và sau đó cố gắng đi một lần nữa. Điều này sẽ giúp chúng làm rỗng bàng quang hoàn toàn, giảm bớt cảm giác liên tục phải đi tiểu và có thể tiết kiệm cho chúng ta một chuyến đi vệ sinh khác.
  • Tránh sử dụng những loại thuốc kháng histamin thuốc thông mũi. Những loại thuốc này làm thắt chặt các cơ xung quanh niệu đạo, khiến chúng ta khó đi tiểu hơn.
  • Không nên nhịn tiểu: Khi cảm thấy cần phải đi tiểu, hãy đi ngay và luôn cố gắng thải hết toàn bộ nước trong bàng quang.
  • Tránh lạm dụng caffeine và rượu: Cả caffeine và rượu đều có thể gây kích thích bàng quang và tăng sản xuất nước tiểu, vì vậy hãy cố gắng tránh xa chúng, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh và cố gắng giảm cân là một cách giúp giảm nguy cơ mắc phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Thừa cân, béo phì làm cho các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thảo luận về thuốc với các bác sĩ: Một số loại thuốc chúng ta dùng – kể cả là thuốc kê đơn và không kê đơn - có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Bác sĩ có thể giúp chúng ta dùng đúng loại thuốc với liều lượng phù hợp. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm không phê duyệt bất kỳ phương pháp điều trị bằng thảo dược nào để giảm các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Nếu tình trạng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt của bạn dường như không thể kiểm soát được hoặc việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh không hiệu quả, đừng lo lắng. Hãy tìm đến các bác sĩ để được tư vấn về những phương pháp điều trị hiệu quả hoặc trường hợp xấu nhất, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng phương pháp phẫu thuật.

Đối với nam giới, phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù chúng không phải một bệnh lý ác tính nhưng trong một số trường hợp, phì đại tuyến tiền liệt có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày của mình. Việc điều trị phì đại tuyến tiền liệt cũng ra đa dạng, từ sử dụng thuốc cho đến phẫu thuật. Ngoài ra, việc thay đổi một số thói quen, thay đổi chế độ ăn uống hoặc chỉ đơn giản là điều chỉnh thói quen tiểu tiện cũng có thể mang lại những tác động tích cực đối với các triệu chứng của bệnh.


Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh
Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh

Các bệnh nhân khi nghi ngờ bị phì đại tiền liệt tuyến có thể tới các bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên, hoặc các bệnh viện, phòng khám tư nhân có chuyên khoa Thận - Tiết niệu để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: urologyhealth.org, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe