Nội soi điều trị hẹp niệu quản tái phát

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Các phương pháp điều trị hẹp niệu quản thường có nhược điểm là nguy cơ tái phát cao. Trong trường hợp hẹp niệu quản tái phát, cần phải mổ lại bằng nội soi đặt stent.

1. Điều trị hẹp niệu quản dễ bị tái phát

Hẹp niệu quản là tổn thương tiết niệu xảy ra tương đối phổ biến và là một thách thức điều trị đối với các bác sĩ. Niệu quản là bộ phận quan trọng của đường tiết niệu, có chức năng chính là đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể ở cả nam và nữ. Riêng đối với nam giới, niệu quản có vai trò quan trọng trong quá trình xuất tinh từ đường sinh dục. Ở phái mạnh, hẹp niệu quản có thể xảy ra từ cổ bàng quang đến đầu bộ phận sinh dục. Nguyên nhân gây ra hẹp niệu quản có thể do di chứng từ chấn thương, viêm nhiễm, sau điều trị bệnh lý khác hoặc do bẩm sinh.

Một số dấu hiệu nhận biết hẹp niệu quản là tiểu khó, lượng nước tiểu giảm, dòng tiểu chậm, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo bất thường, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có thể lẫn máu trong nước tiểu. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị hẹp niệu quản không thể đi vệ sinh như bình thường mà phải được hỗ trợ bằng một ống thông trên xương mu để giúp đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần tiến hành khám lâm sàng, chụp hình niệu đạo bằng X-quang, siêu âm hoặc nội soi hẹp niệu quản.

Các điều trị bệnh hẹp niệu quản hiện nay tại Việt Nam chủ yếu là nong niệu đạo, phẫu thuật cắt niệu đạo và phẫu thuật tạo hình niệu đạo. Tuy nhiên, các phương pháp này đều có nhược điểm là tỷ lệ hẹp niệu quản tái phát cao, tới 50 - 60% theo một số báo cáo nghiên cứu. Đối với bệnh nhân hẹp niệu quản tái phát, cần phải phẫu thuật lại bằng nội soi đặt stent.


Hình ảnh hẹp niệu quản
Hình ảnh hẹp niệu quản

2. Khó điều trị triệt để bệnh hẹp niệu quản

Hẹp niệu quản ít gặp hơn so với hẹp niệu đạo nhưng muốn điều trị triệt để sẽ gặp nhiều khó khăn. Hẹp niệu quản là hậu quả gây ra do tổn thương lành tính (bẩm sinh, do sỏi, viêm nhiễm, sau điều trị bệnh) hoặc do sự tăng sinh ác tính tế bào, gây chèn ép từ bên trong hoặc từ bên ngoài vào.

Trên thế giới, nội soi đặt stent JJ điều trị hẹp niệu quản là phương pháp tiếp cận ít gây sang chấn, mang lại hiệu quả cao, bắt đầu được áp dụng từ những năm 90. Tuy nhiên, phương pháp này đã phát triển mạnh hơn trong thời gian gần đây khi stent đã được bao phủ hoàn toàn bằng silicon, do đó tránh được một số nhược điểm nguy hiểm như tạo sỏi hoặc niêm mạc phát triển vào trong lòng stent. Một số nghiên cứu bước đầu đối với loại stent này cho kết quả điều trị trung dài hạn rất khả quan.


Nội soi đặt stent JJ điều trị hẹp niệu quản là phương pháp tiếp cận ít gây sang chấn, mang lại hiệu quả cao
Nội soi đặt stent JJ điều trị hẹp niệu quản là phương pháp tiếp cận ít gây sang chấn, mang lại hiệu quả cao

3. Những lưu ý cho bệnh nhân nội soi đặt ống stent JJ

Stent JJ là một ống rỗng bằng vật liệu nhựa dẻo, được thiết kế đặc biệt để đặt vào niệu quản, dưới sự hướng dẫn của nội soi niệu quản. Đặt stent JJ được chỉ định khi có tắc nghẽn ở niệu quản hoặc thận. Tuy nhiên, tương tự như các phương pháp khác, nội soi điều trị hẹp niệu quản tái phát cũng có khả năng gây ra những tác dụng không mong muốn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Thông thường, bệnh nhân có đáp ứng tốt với stent JJ. Tuy nhiên, một số người lại gặp phải các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe. Các tác dụng phụ này có thể chỉ xuất hiện trong vài ngày, hoặc có thể trong vài tuần đầu tiên sau khi đặt stent. Một số bệnh nhân khác lại cho rằng các triệu chứng bất thường này đã kéo dài trong suốt thời gian stent hiện diện trong cơ thể họ. Theo đó, những tác dụng phụ của đặt stent bao gồm:

  • Gây tiểu máu ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày: Thông thường, việc vận động thể lực khiến stent di chuyển mạnh trong cơ thể, dẫn đến tổn thương và nước tiểu có thể có máu. Kèm theo đó, người bệnh có cảm giác đau ở vùng hông lưng, bàng quang, bẹn, bộ phận sinh dục, đôi khi đau lan xuống hai tinh hoàn (ở nam). Đặc biệt, cơn đau và khó chịu thường xuất hiện rõ rệt hơn sau khi hoạt động thể lực mạnh hoặc sau khi đi tiểu;
  • Gây kích thích bàng quang, khiến bệnh nhân đặt stent phải đi tiểu thường xuyên hơn, kể cả việc phải thức dậy ban đêm để đi tiểu. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện trong thời gian đầu sau khi phẫu thuật và sẽ được cải thiện dần sau khi dùng thuốc;
  • Một số trường hợp stent bị vôi hóa và hình thành nên một lớp vỏ bọc bên ngoài, gần giống như những viên sỏi;
  • Stent đôi khi có thể di lệch khỏi vị trí ban đầu. Trong tình huống này, stent thường sẽ di chuyển xuống bàng quang và gây ra một số dấu hiệu nghiêm trọng, bao gồm tiểu lắt nhắt, khó chịu ở bàng quang và tiểu ra máu.

Các tác dụng phụ này đều sẽ biến mất sau khi rút stent ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Trong thời gian đặt stent, người bệnh vẫn có thể vận động, chơi thể thao, đi du lịch bình thường, nhưng cần theo dõi triệu chứng bất thường liên quan đến đường tiết niệu. Một số trường hợp đôi khi phải cần đến sự hỗ trợ và chăm sóc y tế.

Đối với hẹp niệu quản, điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm. Như vậy thì công tác điều trị sẽ đơn giản hơn, đồng thời khả năng tái phát cũng giảm đi phần nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe