Làm thế nào để chẩn đoán hen phế quản?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hen phế quản là một bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản biểu hiện bằng phản ứng tắc nghẽn phế quản khi có tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Bệnh nhân bị hen phế quản thường có triệu chứng cơn khó thở, thở nhanh, có sự co ép ngực và ho xảy ra vào ban đêm.

1. Yếu tố nguy cơ của hen phế quản

1.1. Yếu tố cơ địa

  • Tạng Atopy (cơ địa dị ứng): trên 50% bệnh nhân hen phế quản có tạng Atopy
  • Giới tính: Ở trẻ, bé trai có nguy cơ mắc hen phế quản hơn bé gái. Tuy nhiên, khi trưởng thành nữ giới mắc hen phế quản (HPQ) nhiều hơn nam
  • Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hen phế quản.

1.2. Yếu tố môi trường

  • Dị nguyên là yếu tố quan trọng nhất phát triển hen phế quản như: Bụi nhà, lông chó mèo, gián, nấm, phấn hoa..
  • Tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp: Các chất hoá học
  • Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ của hen phế quản
Ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ của hen phế quản

  • Nhiễm trùng hô hấp: Giả thuyết đã được chứng minh ở người hen phế quản không có cơ địa dị ứng
  • Các yếu tố khác: Tình trạng kinh tế xã hội thấp kém, dùng thuốc (thuốc thuộc nhóm NSAID )...

2. Chẩn đoán xác định hen phế quản

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh hen phế quản của người bệnh dựa vào các yếu tố sau:

  • Tiền sử bản thân, gia đình có bệnh dị ứng như chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng, hoặc đã được chẩn đoán hen.
  • Có cơn ho khò khè, khó thở, nặng ngực thường xuất hiện về đêm, tái phát nhiều lần nhất là khi có tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết. Khi dùng thuốc giãn phế quản thì cơn cải thiện hoặc hết cơn
  • Nghe phổi trong cơn khó thở có ran rít ran ngáy.
  • Đo lưu lượng đỉnh (PEF) ở những nơi có điều kiện trang bị dụng cụ đo (peak flow meter): PEF tăng bằng hoặc trên 20% so với trước khi dùng thuốc hoặc PEF thay đổi sáng–chiều bằng hoặc trên 20%, gợi ý chẩn đoán hen.
  • Đo chức năng hô hấp đánh giá có giới hạn luồng khi tắc nghẽn, sự giới hạn này không cố định, thường thay đổi trước và sau dùng thuốc giãn phế quản hoặc vận động hoặc sau điều trị.
  • Đo nitric oxide (NO) trong khí thở ra có thể giúp chẩn đoán hen khi các triệu chứng lâm sàng không điển hình và test chức năng phổi bình thường.

Nồng độ NO cao trong khí thở ra có liên quan với viêm đường dẫn khí, và chính nó cũng liên quan với các triệu chứng lâm sàng gợi ý hen. Việc đo NO trong khí thở ra còn giúp chẩn đoán bệnh tốt hơn các test đo chức năng hô hấp thông thường khác như đo thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây (FEV1), tỷ lệ FEV1/ tổng dung tích sống gắng sức (FVC) và và sự thay đổi của lưu lượng đỉnh thở ra (PEF).

3. Chẩn đoán phân biệt

  • Cơn hen tim: Tiền sử có bệnh tim, tiền sử có khó thở khi gắng sức (khác với khó thở do hen phế quản thường liên quan tới thời tiết, các yếu tố dị ứng), nghe phổi có ran ẩm thêm vào ran rít ran ngáy, đo huyết áp thường cao nhiều. Nếu chưa phân biệt được chắc chắn, nên dùng thuốc kích thích beta đường xịt hoặc khí dung, tránh dùng đường uống.
  • Tràn khí màng phổi: Không có tiền sử khó thở, nghe phổi không có ran rít ran ngáy, có hội chứng tràn khí ở một bên phổi.
  • Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Tiền sử khó thở liên tục chứ không thành cơn, khó thở thường không bắt đầu từ nhỏ và thường thấy ở nam giới nghiện thuốc lá nặng.

  • Viêm tiểu phế quản cấp: Thường kèm theo sốt, ho khạc đờm (hen phế quản ho thường là ho khan).
  • Dị vật đường hô hấp: ho sặc sụa, tím tái, khó thở.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe