Làm gì khi vết sẹo bị sưng?

Vết sẹo bị sưng, đau, ngứa có thể là biểu hiện của sẹo lồi. Nặng hơn, nếu vết sẹo có mủ có thể là đang bị nhiễm trùng. Vậy phải làm gì khi vết sẹo bị sưng?

1. Tại sao vết sẹo bị sưng đau?

Vết sẹo bị sưng đau là một trong những biểu hiện có thể gặp của sẹo lồi. Ngoài ra, sẹo lồi cũng có thể gây ngứa ngáy, rất khó chịu và các mô sẹo có khuynh hướng phát triển ngày càng rộng hơn trên da so với kích thước tổn thương ban đầu. Khi đó, sẹo lồi có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn như vận động cơ thể, ma sát tiếp xúc với áo quần gây đau rát và mất thẩm mỹ.

Mặc dù vết sẹo bị sưng đau không nguy hại đối với sức khỏe, tuy nhiên chúng ta cần nhận biết nguyên nhân gây ra tình trạng này để biết cách chữa trị và hạn chế để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Sẹo là một cơ chế bảo vệ của cơ thể giúp hàn gắn các mô da bị tổn thương. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi quá trình hàn mô kết thúc, da liền lại và bằng phẳng, thay vì phát đi tín hiệu dừng lại thì cơ thể tiếp tục quá trình này khiến sẹo phát triển quá mức và gây ra sẹo lồi, sẹo phì đại.

Vết sẹo bị đau, ngứa không phải là triệu chứng xuất hiện ở hầu hết những trường hợp sẹo lồi hay sẹo phì đại, chỉ có một số trường hợp cảm thấy đau nhức, ngứa ở vết sẹo, đặc biệt là những người có cơ địa dễ bị sẹo hoặc người có da tối màu.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do trong quá trình hàn mô, cơ thể giải phóng các yếu tố trung gian, làm phá vỡ các bao histamin và gây ngứa. Thời tiết thay đổi hoặc khi ma sát, tiếp xúc cũng có thể kích thích vết sẹo sưng lên, đỏ, ngứa ngáy.

Ngoài ra, vết sẹo bị sưng đau cũng là do quá trình phát triển mô sẹo làm tăng sinh các mạch máu để có thể mang oxy và chất dinh dưỡng đến vùng da bị tổn thương, nhằm tái tạo và sản xuất nhiều mô hơn.


Vết sẹo bị sưng đau là tình trạng có thể gặp khi bạn bị sẹo lồi
Vết sẹo bị sưng đau là tình trạng có thể gặp khi bạn bị sẹo lồi

2. Làm gì khi vết sẹo bị sưng?

Làm gì khi vết sẹo bỗng trở nên sưng đau, ngứa ngáy chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người vì tình trạng này rất khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của họ. Có không ít trường hợp người bệnh đã làm theo một số lời khuyên, chỉ dẫn trên internet hoặc của người thân, bạn bè như chườm đá, bôi kem đánh răng, giấm táo, đắp nghệ tươi, ... Tuy nhiên, những cách làm này không hiệu quả, thậm chí còn có thể gây viêm da hoặc vết sẹo phát triển hơn so với ban đầu.

Tốt nhất là khi vết sẹo bị sưng đau, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa để được kiểm tra tình trạng và tư vấn, lựa chọn phương pháp điều trị sẹo lồi phù hợp. Mục tiêu của việc điều trị sẹo chủ yếu là làm phẳng và làm mờ vết sẹo, sao cho màu da và màu vết sẹo gần nhau, đồng thời hạn chế tái phát sẹo, sẹo không gây ngứa bằng cách xử lý mạch máu.

Hiện nay, có các phương pháp điều trị sẹo phụ thuộc vào vị trí và kích thước của sẹo như sau:

  • Tiêm thuốc: Tiêm thuốc là phương pháp điều trị nội khoa thường được áp dụng với những trường hợp sẹo lồi nhỏ. Các loại thuốc tiêm phổ biến gồm có steroid, interferon hoặc bleomycin. Tùy vào tình trạng tiến triển của sẹo, vết sẹo bị sưng đỏ, tái phát và tác dụng phụ gặp phải để tiêm nhắc lại. Thông thường, tiêm thuốc đạt hiệu quả cao trong điều trị sẹo lồi khi áp dụng với phẫu thuật cắt bỏ sẹo, áp lạnh bằng khí nitơ hoặc dán gel silicon.
  • Phẫu thuật cắt bỏ sẹo: Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa thường được áp dụng với những trường hợp sẹo lồi lớn trên vùng da rộng, được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác như tiêm thuốc không đạt hiệu quả, hoặc tổn thương trên da quá lớn. Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ sẹo, sau đó khâu kín và ghép da. Tuy nhiên, trước khi tiến hành phẫu thuật cần cân nhắc các yếu tố như: tiền sử gia đình bị sẹo lồi, chỗ phẫu thuật có bị nhiễm trùng, vết sẹo có mủ, vị trí phẫu thuật, loại chấn thương gây sẹo, căng da sau khi phẫu thuật, sắc tố da. Phẫu thuật cắt bỏ sẹo thường được kết hợp với tiêm corticosteroid để tăng hiệu quả điều trị, và phần lớn đều cần các biện pháp điều trị phụ trợ khác để hạn chế nguy cơ hình thành sẹo mới.
  • Làm lạnh: Liệu pháp này thường được áp dụng với những sẹo lồi nhỏ, làm lạnh bằng khí nitơ lỏng để phá hủy các mao mạch và tế bào bên dưới mô da, khiến mô sẹo hoại tử, tróc ra, xẹp xuống
  • Xạ trị: Có thể áp dụng phương pháp xạ trị riêng rẽ hoặc kết hợp với phẫu thuật cắt bỏ sẹo trong điều trị sẹo lồi để hạn chế nguy cơ sẹo lồi tái phát, vết sẹo bị sưng đau, ngứa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, tốt nhất là nên xạ trị ngay sau khi phẫu thuật cắt bỏ sẹo 2 tuần. Tuy nhiên, phương pháp này gây tác dụng phụ là làm tăng sắc tố da và nguy cơ ung thư.
  • Các phương pháp điều trị khác: Bôi thuốc giúp làm mềm và phẳng sẹo, giảm ngứa và đau nhức khi vết sẹo bị sưng. Tuy nhiên, bôi thuốc có thể gây tác dụng phụ là teo da, mất sắc tố, giãn mạch. Ngoài ra, còn có băng ép (thường được dùng trong điều trị sẹo do phỏng), cột thắt (áp dụng với những vị trí không thể phẫu thuật cắt bỏ), chiếu laser (hiệu quả với những sẹo lồi mới hình thành, đang sinh mạch, giúp giảm ngứa).

Thực tế, không có phương pháp nào có thể chữa khỏi sẹo hoàn toàn. Tuy nhiên, các kỹ thuật có thể giúp làm giảm cảm giác ngứa, khó chịu do vết sẹo bị sưng, đau gây ra, đồng thời cải thiện hình dáng của sẹo để trông thẩm mỹ hơn. Quan trọng là người bệnh cần tái khám sau điều trị để được hướng dẫn và kiểm tra chăm sóc sẹo, giúp vết thương mau chóng phục hồi và không tái phát sẹo.


Khi vết sẹo bị sưng có thể sử dụng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ
Khi vết sẹo bị sưng có thể sử dụng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ

3. Phòng ngừa, hạn chế vết sẹo bị sưng đau như thế nào?

Nếu bạn thuộc người có cơ địa dễ bị sẹo, cần tránh những tổn thương trên da như xăm mình hoặc tiến hành những loại phẫu thuật không cần thiết. Để ngăn ngừa sẹo, đặc biệt là sẹo lồi, cần chăm sóc vết thương đúng cách. Một số cách giúp vết thương mau lành và hạn chế nguy cơ hình thành sẹo lồi, vết sẹo bị sưng đau như:

  • Vệ sinh sạch sẽ vết thương, sau đó sử dụng sáp dưỡng ẩm để băng nhưng cần ý cách băng sao cho không dính da và phải tạo áp lực vừa đủ lên vết thương.
  • Khi vết thương lành, dùng băng gel silicone để hạn chế nguy cơ sẹo lồi hình thành và phát triển. Đối với những trường hợp bị sẹo lồi ở dái tai (do xỏ khuyên tai), nên dùng loại hoa tai chuyên dụng để tạo áp lực ngăn sẹo lồi hình thành.
  • Để không làm tăng sắc tố da ở vết sẹo, nên che chắn cẩn thận khi ra ngoài.

Phần lớn các trường hợp hình thành sẹo sẽ cải thiện sau 8 tuần. Tuy nhiên, khi vết sau bị sưng, đau, ngứa, tốt nhất là bạn nên thăm khám để kiểm tra vết sẹo. Tránh tự ý gãi hoặc dùng thuốc để không gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm như teo da, thâm da, giãn mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe