Răng số 7 bị lung lay đau nhức do khá nhiều nguyên nhân gây ra, một số nguyên nhân là vô hại nhưng một số khác lại cần có sự tư vấn điều trị của bác sĩ để bảo tồn răng loại bỏ hoặc thay thế bằng cấy ghép hoặc cầu răng. Bài viết này sẽ cung cấp đến bạn một số phương pháp điều trị khi răng số 7 bị lung lay.
1. Một số nguyên nhân răng số 7 bị lung lay đau nhức
Răng số 7 bị lung lay đau nhức là một tình trạng vô cùng phổ biến, dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng này:
1.1 Bệnh nướu răng
Bệnh nướu răng còn gọi là viêm nha chu, bệnh nướu răng liên quan đến viêm và nhiễm trùng nướu răng. Tình trạng này có thể là kết quả của việc vệ sinh răng miệng kém liên tục.
Nếu bạn không chải răng, dùng chỉ nha khoa và làm sạch răng định kỳ, cao răng và vi khuẩn có thể tích tụ dưới nướu và gây nhiễm trùng và gây ra bệnh nướu răng. Bệnh nướu tiến triển có thể khiến nướu bị tách ra khỏi răng và khiến răng số 7 bị lung lay đau nhức.
Các triệu chứng khác của bệnh nướu răng bao gồm:
- Nướu mềm, đỏ, đau hoặc sưng
- Chảy máu chân răng
- Tụt nướu
Điều cần làm: Bất kỳ khi nào nhận thấy các triệu chứng của bệnh nướu răng thì bạn nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa mất răng.
1.2 Sự xuất hiện của răng số 8 gây lung lay nhức răng số 7
Răng số 8 hay còn gọi là răng khôn, là chiếc răng mọc trễ nhất trong tất cả các răng. Khi răng số 8 mọc có thể đem đến nhiều biến chứng khác nhau như: viêm nhiễm tại chỗ, gây rối loạn cảm giác, phản xạ, hay gây tổn thương răng khác do mọc lệch nhất là răng số 7.
Răng số 8 có thể ép vào và gây tiêu một phần thân hoặc chân răng của răng số 7 khiến răng số 7 lung lay, đau nhức. Quá trình tổn thương này có thể kéo dài âm thầm trong nhiều năm cho đến khi được phát hiện thì răng số 7 đã có thể không còn giữ lại được.
1.3 Loãng xương khiến răng số 7 lung lay
Loãng xương là một bệnh làm suy yếu xương trong cơ thể và khiến chúng dễ gãy hơn. Xương hông, cột sống và xương cổ tay thường bị ảnh hưởng nhất bởi chứng loãng xương, nhưng căn bệnh này có thể làm suy yếu bất kỳ xương nào trong cơ thể bao gồm cả xương hàm với vai trò hỗ trợ và neo giữ răng, từ đó dẫn đến tình trạng răng số 7 bị lung lay.
1.4 Chấn thương
Té ngã hoặc va đập vào mặt là nguyên nhân phổ biến khiến răng người trưởng thành bị sứt mẻ, gãy hoặc lung lay. Ngoài ra, nghiến răng khi căng thẳng hoặc nghiến răng vào ban đêm có thể làm mòn mô đến mức răng có thể bị lung lay. Nếu răng lung lay là kết quả của việc nghiến hoặc nghiến răng, hãy đến gặp nha sĩ, bạn có thể điều trị vấn đề này bằng một dụng cụ bảo vệ hàm đặc biệt trước khi răng bị tổn thương vĩnh viễn.
1.5 Thai kỳ
Khi mang thai, những thay đổi về nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến nha chu - tập hợp gồm xương và dây chằng hỗ trợ răng và giữ chúng ở đúng vị trí. Vì vậy khi nha chu bị ảnh hưởng có thể khiến răng số 7 bị lung lay đau nhức
Những thay đổi này sẽ tự hết sau khi mang thai, tuy nhiên, nếu răng của bạn bị lung lay trong thời kỳ mang thai hãy đến gặp nha sĩ để có thể loại trừ các tác nhân khác, chẳng hạn như bệnh về nướu răng.
2. Các lựa chọn điều trị cho răng số 7 bị lung lay
Một loạt các phương pháp điều trị có thể hữu ích và lựa chọn tốt nhất sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng răng số 7 bị lung lay đau nhức.
Một số lựa chọn điều trị bao gồm:
- Cạo vôi và làm láng mặt gốc răng: Đây là một loại quy trình làm sạch sâu có thể điều trị và giúp đẩy lùi bệnh nướu răng.
- Thuốc hoặc nước súc miệng: Những sản phẩm này có thể giúp nướu bị nhiễm trùng lành lại và chống lại vi khuẩn trong miệng.
- Phẫu thuật: để loại bỏ mô nướu bị viêm và phần xương bị tổn thương do bệnh nướu răng.
- Ghép xương răng: Chúng có thể giúp xây dựng lại xương bị mất do bệnh nướu răng.
- Ghép mô mềm: Còn được gọi là ghép nướu, phương pháp này có thể ngăn ngừa mất nướu hoặc mất răng thêm ở những người mắc bệnh nướu răng.
- Dụng cụ nha khoa, chẳng hạn như nẹp cắn: Những dụng cụ này có thể làm giảm tổn thương do nghiến răng và có thể giúp miệng lành lại sau phẫu thuật nha khoa.
- Điều trị bệnh tiểu đường: Điều trị thích hợp rất quan trọng đối với sức khỏe răng và nướu.
Nếu răng số 7 lung lay bị rơi ra, nha sĩ có thể đề nghị làm cầu răng hoặc cấy ghép răng implant.
Cầu răng là một loại mão sứ vừa khít với hai bên răng bị mất. Kết quả là tạo ra một cầu nối giữa hai chiếc răng khỏe mạnh, được nối với nhau bằng một chiếc răng giả, hoặc răng nhân tạo thay cho chiếc răng bị mất.
Cấy ghép răng implant bao gồm một răng và chân răng nhân tạo, được kết nối với xương hàm.
Mặc dù những lựa chọn này có hiệu quả, nhưng điều cần thiết là phải điều trị nguyên nhân cơ bản gây mất răng số 7 và thực hiện bất kỳ bước nào khác cần thiết để ngăn ngừa tổn thương thêm.
3. Cách chữa răng số 7 lung lay, đau nhức tại nhà
3.1 Chữa lung lay nhức răng số 7 bằng muối biển
Với công dụng sát trùng, diệt khuẩn, giảm sưng tấy, đau nhức hiệu quả, muối biển có thể được dùng trong các trường hợp răng lung lay đau nhức do bệnh nướu răng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị rất đơn giản chỉ cần muối, nước lọc và cốc thủy tinh.
Cách thực hiện:
- Hòa 2 thìa cà phê muối biển vào 500ml nước ấm
- Dùng dung dịch này hàng ngày để làm sạch khoang miệng. Kiên trì thực hiện phương pháp này trong một đến hai tuần để thấy được hiệu quả.
3.2 Chữa răng số 7 lung lay đau nhức bằng xoài
Vỏ xoài tính hàn có công dụng cầm máu, lợi tiểu xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian chữa các bệnh như răng đau nhức, trừ giun, xuất huyết đường ruột, ho ra máu,...
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị vỏ xoài, rượu trắng và nước lọc.
- Lấy 3 miếng vỏ xoài, cạo sơ phần vỏ bên ngoài rồi thái mỏng cho vào nước lọc với tỉ lệ 1:1 rồi đun trên bếp lửa nhỏ trong 30 phút.
- Đổ phần nước thu được sau khi đun vào chai thủy tinh cùng với rượu trắng theo tỉ lệ tương ứng là 3:1.
Cách sử dụng: Mỗi lần lấy ra một chén nhỏ hỗn hợp nước vỏ xoài và rượu, ngậm trong miệng khoảng 10 phút, thỉnh thoảng súc mạnh rồi nhổ đi. Thực hiện hàng ngày trước và sau khi đi ngủ để đảm bảo phát huy hiệu quả.
3.3 Chữa răng số 7 lung lay đau nhức bằng tỏi
Tỏi có tính kháng sinh nhẹ, có khả năng chống viêm, giảm đau và đặc biệt khi được sử dụng để điều trị tình trạng răng lung lay do sâu răng hoặc viêm tủy vô cùng hữu hiệu.
Cách thực hiện như sau:
- Chuẩn bị tử 1 đến 3 nhánh tỏi rồi giã nát
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ rồi lấy tỏi đã giã nát đắp lên vùng răng lung lay. Để yên trong khoảng 5-10 phút rồi bỏ ra và súc miệng lại với nước.
Thực hiện phương pháp này hàng ngày để thấy được hiệu quả sớm nhất.
3.4 Bài thuốc chữa răng số 7 lung lay từ quả bầu
Không chỉ là một thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt Nam, bầu còn là một vị thuốc quý trong Đông y. Bầu tính hàn, vị ngọt tác dụng giải nhiệt, tiêu viêm, giải độc, giảm sưng nề.
Hạt bầu có thể dùng chữa lợi răng sưng đau, tụt lợi, chân răng lộ ra, kết hợp với Ngưu tất, mỗi vị 20 gam, nấu lấy nước ngậm và súc miệng mỗi ngày từ ba đến bốn lần.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị cho tình trạng răng số 7 bị lung lay đau nhức sẽ tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân của bệnh. Một số trường hợp có thể được điều trị tại nhà, một số khác cần được khám và xử trí tại cơ sở y tế có chuyên môn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng khiến bạn lo lắng nhiều hãy đến phòng khám nha khoa để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.