Làm gì khi bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới?

Sưng nướu răng hàm dưới hay viêm nướu răng là bệnh lý răng phổ biến nhiều người mắc. Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới do nhiều nguyên nhân gây nên, chủ yếu là do răng khôn mọc lệch. Để lâu có thể dẫn tới biến chứng như có mủ, mất răng hay nhiễm trùng máu nếu như không được điều trị kịp thời. Vậy nên làm gì khi bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới

Có nhiều nguyên nhân gây sưng nướu răng trong cùng hàm dưới. Trong đó nguyên nhân chủ yếu do:

  • Viêm lợi trùm

Răng khôn là chiếc răng mọc trong cùng của hàm, xuất hiện trong độ tuổi từ 17-25. Lúc này, tất cả các răng đã mọc hoàn chỉnh, mô nướu phát triển dày, cứng chắc, phần lợi trùm sẽ che phủ một phần răng khôn đang nhú, mỗi lần răng nhú lên là sẽ kích thích lợi sưng đỏ và đau nhức. Tuy là lợi trùm nhưng vẫn có khe hở khiến mảng bám, thức ăn thừa tích tụ lại khiến vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Ngoài tình trạng sưng nướu còn đi kèm với hiện tượng hôi miệng, chảy mủ.

Nếu răng khôn mọc thẳng thì tình trạng này sẽ chấm dứt sau 2-3 ngày. Tuy nhiên nếu răng khôn mọc lệch sẽ khiến cơn đau nhức sẽ lặp đi lặp lại. Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời.

  • Viêm nướu

Sưng nướu răng trong cùng còn có thể do bệnh viêm nướu, viêm nha chu gây ra. Vệ sinh răng miệng kém sẽ khiến mảng bám tích tụ thành vôi răng bám cứng chắc. Đây là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, tiết độc tố làm nướu bị viêm, sưng đỏ, đôi khi kèm theo tình trạng mưng mủ.

Viêm nướu nếu không điều trị sớm sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nha chu, phá hủy toàn bộ cấu trúc nâng đỡ răng (nướu, dây chằng, xương ổ răng) làm răng lung lay, dẫn đến mất răng.

  • Do thói quen

Xỉa răng bằng tăm, dùng bàn chải cứng đánh răng quá mạnh... cũng là tác nhân tác động làm tổn thương nướu khiến nướu bị viêm, sưng đau.

2. Dấu hiệu sưng nướu trong cùng hàm dưới

Thông thường, triệu chứng của sưng nướu răng trong cùng hàm dưới chỉ kéo dài từ 1 -2 ngày sau đó hết, một thời gian sau sẽ tái phát lại. Nếu sưng nướu răng cấp tính sẽ thường kéo dài từ 5-7 ngày.

Những triệu chứng sưng nướu răng trong cùng hàm dưới ở mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.

Những dấu hiệu phổ biến khi bị sưng nướu trong cùng hàm dưới:

  • Nướu răng trong cùng bị viêm đỏ: Nướu răng khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt bao quanh chân răng, nếu bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới thì sẽ xuất hiện hiện tượng viêm đỏ, có người còn chuyển hẳn sang màu đỏ sẫm hoặc đỏ tím.
  • Ứ đọng mủ và dịch ở dưới nướu răng: Do khi bị viêm sưng, nướu răng không còn bám chắc vào chân răng, xuất hiện hiện tượng bị ứ mủ và dịch, thậm chí xung huyết.
  • Răng bên cạnh xuất hiện hiện tượng đau nhức: Nướu răng là mô liên kết mềm, khi nướu răng bị viêm, những vùng xung quanh nướu sẽ bị sưng, những chiếc răng bên cạnh xuất hiện hiện tượng đau nhức đi kèm với đau rát cổ họng, khó chịu khi ăn uống.
  • Miệng có mùi hôi: Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới cũng sẽ dẫn đến việc miệng có mùi hôi khó chịu do vi khuẩn phát triển quá mức khiến mảng bám trên răng quá dày.

3. Sưng nướu răng trong cùng hàm dưới có nguy hiểm không?

Sưng nướu răng gây đau nhức răng, ảnh hưởng tới việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Nếu bị sưng nướu răng trong cùng không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như áp xe, nhiễm trùng nặng và viêm các mô xung quanh răng. Nhiễm trùng răng có thể lan đến xương hàm, các mô mềm của mặt, cổ. Cá biệt có trường hợp nhiễm trùng có thể di chuyển đến tim (viêm màng trong tim) và não (viêm màng não do vi khuẩn). Lúc này, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.

Nếu tình trạng sưng nướu răng trong cùng hàm dưới kéo dài hơn 4 ngày, tái đi tái lại nhiều lần hoặc có thêm dấu hiệu áp xe (xuất hiện mủ, đau dai dẳng, nổi hạch,...) thì cần sớm đến gặp bác sĩ để kiểm tra sớm tình hình và có hướng điều trị phù hợp.

Tình trạng sưng nướu kéo dài sẽ khiến tình trạng viêm nhiễm trong khoang miệng, vi khuẩn gây bệnh sẽ tiếp tục tấn công và làm lan rộng vùng nhiễm trùng. Các ổ áp xe sẽ hình thành và gây hoại tử các mô nướu, cũng như chân răng.

4. Làm gì khi bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới?

Để điều trị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới, cần tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này. Nếu nhẹ có thể xử lý tại nhà để giảm sưng đau, cầm máu, tránh phù nề ở mô bị tổn thương. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác, nên đến các cơ sở y tế, phòng khám nha khoa để bác sĩ kiểm tra và điều trị.

Một số cách giúp giảm sưng, đau khi bị sưng nướu răng trong cùng hàm dưới:

  • Sử dụng nước muối

Súc miệng bằng nước muối sinh lý là cách giảm sưng viêm nướu hiệu quả và tiết kiệm nhất. Ngoài ra còn thúc đẩy quá trình phục hồi và ngăn ngừa sâu răng.

Sử dụng 1 thìa cà phê muối và 200ml nước ấm sau đó súc miệng bằng nước muối đã pha trong 30 giây. Cần thực hiện 2-3 lần/ngày đến khi tình trạng sưng viêm giảm hẳn.

  • Chườm ấm và chườm lạnh

Việc chườm ấm lạnh bên ngoài vết sưng cũng làm giảm bớt tình trạng sưng viêm, đau đớn, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Chườm nóng: Chỉ cần nhúng khăn sạch vào nước ấm, vắt khô rồi áp miếng khăn vào má (không áp trực tiếp lên nướu) trong khoảng 5 phút.

Chườm lạnh: Bọc 1 túi đá vào khăn sạch, chườm lên mặt trong khoảng 5 phút. Thực hiện từ 2 đến 3 lần/ngày trong ngày đến khi nướu bớt sưng, bớt đau.

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách ngoài việc ngăn ngừa sưng nướu còn giúp điều trị những vấn đề về răng miệng như sâu răng, viêm nhiễm, ngừa mảng bám hình thành.

Đánh răng 2 – 3 lần/ ngày với kem đánh răng chứa flour và các thành phần kháng khuẩn.

Súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn 2 lần/ ngày để tiêu diệt vi khuẩn và khử mùi hôi miệng.

Sử dụng bàn chải nhỏ, lông mềm để dễ dàng sạch kẽ răng. Lưu ý nên thay bàn chải 3 tháng/lần.

Dùng cạo lưỡi để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn đồng thời giảm tình trạng hôi miệng.

  • Lấy cao răng định kỳ

Lấy cao răng giúp khoang miệng sạch sẽ và thông thoáng, ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Ngoài lấy cao răng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm để giảm sưng, xoa dịu cơn đau nhức.

Nếu bị sưng nướu vì sâu răng thì các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Có thể chỉ định trám răng hoặc bọc sứ để phục hình thẩm mỹ và chức năng răng ngăn ngừa sưng chân răng, viêm tủy, chảy máu chân răng, mất răng...

Cắt lợi trùm hoặc nhổ răng khôn là cách hiệu quả để khắc phục tình trạng sưng nướu răng trong cùng hàm dưới. Không chỉ làm giảm cơn đau cho viêm sưng lợi thì về lâu dài còn tránh được những biến chứng như nha chu, áp xe răng, mất răng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe