Rung giật cơ toàn thân là một sự co cơ ngắn có cảm giác như giật, còn được gọi là bệnh động kinh lớn. Khi gặp tình trạng này, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Vậy cần làm gì khi bị rung giật cơ toàn thân?
1. Rung giật cơ toàn thân là gì?
Chứng co cứng, rung giật cơ toàn thân là một loại động kinh liên quan đến toàn bộ cơ thể người bệnh. Tình trạng này xảy ra khi sóng điện não của cơ thể hoạt động bất thường dẫn đến các cơ bắp co cứng và mất ý thức. Nếu để kéo dài có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống thường ngày của người bệnh.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng của rung giật cơ toàn thân
Trước khi phát bệnh, người bệnh thường bị ảo giác, chóng mặt và gặp vấn đề liên quan đến thị giác, vị giác và khứu giác. Sau đó, cơ bắp của người bệnh sẽ co thắt dữ dội kèm theo các triệu chứng sau:
- Người bệnh tự cắn má và cắn lưỡi của mình.
- Nghiến răng.
- Người bệnh không kiểm soát được khả năng tiểu tiện của bản thân.
- Cảm thấy khó thở hoặc có thể ngừng thở.
- Da xanh.
Khi đã kiểm soát được các triệu chứng trên, người bệnh có thể trở lại trạng thái tỉnh táo hoặc tiếp tục có các dấu hiệu sau:
- Bệnh nhân rơi vào tình trạng lú lẫn.
- Có thể buồn ngủ và ngủ lâu hơn bình thường.
- Người bệnh không nhớ được những gì đã làm trong lúc phát bệnh.
- Có cảm giác đau đầu và yếu một bên cơ của cơ thể trong thời gian ngắn.
Các đợt rung giật cơ toàn thân có thể khác nhau về biên độ, tần số và sự phân bố. Các cơn giật cơ có thể xảy ra tự phát hoặc do có kích thích gây nên, có thể do ánh sáng, tiếng ồn đột ngột, chuyển động,...
3. Những nguyên nhân nào có thể gây ra rung giật cơ toàn thân?
Do hoạt động bất thường của các sóng điện não gây ra các cơn co giật toàn thân. Ngoài ra, rung giật cơ toàn thân có thể là kết quả những vấn đề sức khỏe như: chấn thương hoặc nhiễm trùng não, não bị thiếu oxy, đột quỵ, có các khối u trong não, dị dạng mạch máu não,...
- Do sử dụng quá nhiều cà phê làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và hệ thống tim mạch.
- Do người bệnh bị căng thẳng thường xuyên, từ đó gây áp lực lên hệ thần kinh của cơ thể, khiến hệ thần kinh điều khiển các nhóm cơ gửi những tín hiệu sai và kích thích các cơ gây ra các cơn co giật.
- Do cơ thể người bệnh thiếu nước gây co giật và co rút cơ. Đồng thời, việc cơ thể thiếu nước sẽ khiến hệ thần kinh trở nên nhạy cảm và áp lực, có thể gây ra tình trạng cơ bị giật.
- Do cơ thể người bệnh bị thiếu ngủ trong thời gian dài.
- Người bệnh bị thiếu hụt các khoáng chất gây co giật và co rút cơ như: natri, magie, canxi và kali,...
- Do tác dụng phụ của thuốc gây nên tình trạng co giật và co rút cơ.
- Do các hội chứng gây co giật và co rút cơ bắp như: Hội chứng serotonin, hội chứng isaacs,...
4. Người bệnh cần làm gì khi bị rung giật cơ toàn thân?
Khi bị rung giật cơ toàn thân, người bệnh cần được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
- Điều trị các rối loạn chuyển hóa hoặc các nguyên nhân gây nên chứng co giật toàn thân.
- Có thể ngừng hoặc giảm liều thuốc gây bệnh.
- Người bệnh cần được điều trị triệu chứng của bệnh bằng thuốc do bác sĩ chỉ định.
Khởi đầu quá trình điều trị bằng việc điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa cơ bản hoặc các nguyên nhân khác nếu có thể sửa chữa được. Kết hợp ngưng sử dụng hoặc giảm liều thuốc nếu loại thuốc đó là nguyên nhân gây rung giật cơ.
Tiến hành điều trị các triệu chứng bằng các thuốc như Clonazepam, Valproate, Levetiracetam,...
Việc tìm ra vị trí khởi phát tình trạng rung giật cơ rất quan trọng, chúng sẽ giúp các bác sĩ có hướng điều trị hiệu quả hơn. Chẳng hạn như thuốc Valproate, Levetiracetam,... có hiệu quả tốt hơn trong giật cơ vỏ não nhưng không hiệu quả ở các giật cơ khác. Trong khi đó, thuốc Clonazepam có thể có hiệu quả trong tất cả các loại giật cơ. Trong một số trường hợp, cần kết hợp các loại thuốc với nhau để tăng hiệu quả điều trị.
Rung giật cơ toàn thân là bệnh lý biểu hiện tình trạng co cơ ngắn và có cảm giác như giật, có thể khác nhau về mức độ ảnh hưởng và sự phân bố. Đó có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc thứ phát sau các bệnh lý của não, các bệnh lý hệ thống hoặc do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Cần kết hợp các phương pháp điều trị để tăng hiệu quả điều trị, giảm các biến chứng có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.