Trong cuộc sống hiện đại việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử khiến cho tình trạng nhức mỏi mắt trở nên phổ biến. Việc nhức mỏi mắt kéo dài có thể gây ra thiếu ngủ, phờ phạc và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy cần phải làm gì khi bị nhức mỏi mắt kéo dài?
1. Nhức mỏi mắt biểu hiện như thế nào?
Nhức mỏi mắt là tình trạng xảy ra khi học tập và làm việc ở cường độ cao, gây ra các triệu chứng như:
- Đau mắt hoặc kích thích vùng mắt
- Khó tập trung khi làm việc, học tập
- Mắt bị khô hoặc chảy nước mắt liên tục
- Tầm nhìn mờ, hoa mắt, nhìn đôi
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng hoặc khi có sự thay đổi độ sáng đột ngột
- Các triệu chứng kèm theo có thể là đau mỏi cổ, vai lưng, đau đầu.
Nhìn chung mỏi mắt thông thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng khi kéo dài có thể tiềm ẩn của các bệnh lý nhãn khoa cần được chẩn đoán và điều trị. Người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa khi nhức mỏi mắt kèm theo các triệu chứng sau:
- Mắt lờ đờ kéo dài
- Nhìn đôi
- Hoa mắt, chóng mặt
- Giảm sút thị lực rõ rệt.
2. Nguyên nhân gây ra nhức mỏi mắt kéo dài
Những hành động đòi hỏi sử dụng mắt tập trung trong thời gian dài là nguyên nhân chính không phải bệnh lý gây nên tình trạng nhức mỏi mắt như: đọc sách, lái xe, tiếp xúc với ánh sáng chói nhiều hoặc phải căng mắt ra để nhìn trong ánh sáng mờ.
Một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng nhức mỏi mắt kéo dài gồm:
- Hội chứng thị giác màn hình: do tiếp xúc một khoảng thời gian dài với các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại, tivi); các thiết bị sáng như đèn LED, đèn huỳnh quang cũng có thể gây ra hội chứng này.
- Do bệnh đục thuỷ tinh thể: nhức mỏi mắt kèm thấy chấm đen, loé sáng là dấu hiệu đục thuỷ tinh thể, người bệnh chỉ phát hiện ra khi bệnh đã tiến triển ở mức độ tương đối nặng. Do đó người bệnh không nên chủ quan mà nên đi kiểm tra mắt định kỳ để xử lý kịp thời. Đục thuỷ tinh thể ở giai đoạn sớm ít triệu chứng thường chỉ khô hoặc mỏi mắt nhưng khi vào giai đoạn muộn bên cạnh giảm tầm nhìn còn xảy ra sai lệch màu sắc, bóng mờ và lóa mắt khi tiếp xúc với nguồn sáng có cường độ cao.
- Chứng khô mắt: tác động của môi trường như khói bụi, tia UV có thể khiến mắt xảy ra tình trạng khô, nhức mỏi. Ngoài ra, tuổi tác cũng ảnh hưởng đến việc mắt thường xuyên thiếu độ ẩm và nhức mỏi
- Do thoái hoá điểm vàng: mắt nhức mỏi kéo dài kèm nhìn hình méo mó, song thị, mờ mắt vùng trung tâm, xuất hiện điểm mờ đen trước mắt, suy giảm thị lực có thể là tình trạng cảnh báo thoái hoá điểm vàng.
3. Có những cách giảm nhức mỏi mắt nào?
Nhức mỏi mắt kéo dài gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Vì vậy có một số cách làm giảm nhức mỏi mắt có thể áp dụng như sau:
- Luyện tập thị giác: “quy tắc 20-20-20” thường được áp dụng, cụ thể là sau 20 phút học tập và làm việc tập trung nên để mắt nhìn xa xa 20 feet (6m) trong 20 giây để mắt lấy lại độ cân bằng và nghỉ ngơi. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với người làm công việc văn phòng và người tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử
- Massage mắt: chỉ với vài thao tác đơn giản có thể giúp massage mắt, xoa dịu và giảm nhức mỏi. Có thể lấy ngón tay vỗ nhẹ lên quanh mắt theo chiều từ trong ra ngoài và người lại, lặp lại trong vòng 2-3 phút. Bài tập này rất hiệu quả khi mắt bị căng thẳng, nên thực hiện trước khi đi ngủ hoặc vừa ngủ dậy để giảm tình trạng sưng mắt
- Chườm ấm mắt: là phương pháp đơn giản, hiệu quả được khuyến cáo nhằm giảm tình trạng căng thẳng ở mắt. Khi chườm ấm, các tuyến mi sẽ lưu thông tốt hơn đồng thời xoa dịu đôi mắt, đem lại cảm giác thoải mái, thư thái. Để tiến hành chườm ấm, có thể ngâm khăn mặt trước trong nước ấm rồi mới chườm lên mắt trong 5-10 phút.
- Sử dụng nước mắt nhân tạo: là chất dùng được thay thế cho nước mắt tự nhiên với tác dụng bôi trơn bề mặt nhãn cầu, làm giảm tình trạng khô mắt, tránh nhức mỏi mắt kéo dài. Đây là sản phẩm phù hợp với người làm việc văn phòng hoặc làm việc ngoài trời phải tiếp xúc nhiều với khói bụi. Tuy nhiên không nên tự ý sử dụng nước mắt nhân tạo mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ, chỉ nên sử dụng nước mắt nhân tạo 3-4 lần/ngày, mỗi bên 1 giọt trong vòng 1-3 tháng.
4. Phòng ngừa nhức mỏi mắt kéo dài như thế nào?
Một số phương pháp để phòng ngừa tình trạng nhức mỏi mắt gồm có:
- Điều chỉnh màn hình máy tính: có thể đặt màn hình dưới tầm mắt khoảng 50-60 cm, làm sạch bụi bẩn và dấu vân tay trên màn hình, ưu tiên các loại máy màn hình có thể nghiêng và xoay linh hoạt, sử dụng bộ lọc màn hình chống mỏi mắt cho máy tính.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: nhức mắt đi kèm mỏi mắt phần lớn do thói quen sinh hoạt không điều độ, ngủ không đủ giấc hoặc làm việc cường độ cao. Vì vậy thiết kế khoảng nghỉ hợp lý là cần thiết để bảo vệ sức khỏe đôi mắt. Ngoài ra cũng cần hạn chế các thói quen dụi mắt, xước giác mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Thay đổi môi trường làm việc: có thể giúp thay đổi độ sáng để đảm bảo về độ chói không quá hại cho mắt, sử dụng các loại ghế có thể điều chỉnh cao, thấp giúp đảm bảo tầm nhìn phù hợp, đặt giấy ghi chú nhắc nhở chớp mắt, nghỉ ngơi sau thời gian dài tập trung cường độ cao lên màn hình máy tính.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho mắt: để có một đôi mắt sáng, khỏe mạnh cần lưu ý cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho mắt. Nên bổ sung vào bữa ăn hằng ngày những loại thức ăn giàu vitamin A, B12,... như cà rốt, cá hồi, ớt chuông,... Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng không những cải thiện thị lực mà còn nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần.
Nhức mỏi mắt kéo dài gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, áp dụng những cách làm giảm nhức mỏi mắt trên đây sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe cho mắt. Trong trường hợp nhức mỏi mắt kéo dài không khỏi, bạn hãy đến cơ sở y tế để thăm khám bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.