Kỹ thuật đặt nội khí quản đường mũi

Đặt nội khí quản qua đường mũi là kỹ thuật đưa ống thông vào khí quản bệnh nhân thông qua đường mũi với mục đích thông khí và hút những đờm dãi ứ đọng trong đường hô hấp. Đây là kỹ thuật đơn giản dễ thao tác nhưng lại vô cùng quan trọng, trong trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu thì kỹ thuật này cần thực hiện nhanh chóng và kịp thời.

1. Chỉ định và chống chỉ định đặt nội khí quản đường mũi

1.1. Chỉ định đặt nội khí quản đường mũi

Nên đặt ống nội khí quản sớm để tránh tổn thương đến các cơ quan nhạy cảm với oxy như não và tim. Thông thường chỉ định đặt nội khí quản cho người lớn hẹp hơn so với trẻ em. Ngoài ra đặt nội khí quản được chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp cấp, tần số thở nhanh trên 40 lần mỗi phút hoặc có những triệu chứng lâm sàng như: da xanh tím, cơ thể vã nhiều mồ hôi, ý thức mơ hồ, vật vã;
  • Có biểu hiện nhiễm khuẩn như: viêm phế quản phổi cấp, viêm phế quản mãn tính đợt đột phát, hội chứng Guillain Barre, uốn ván, cúm ác tính, viêm não, viêm não tuỷ cấp;
  • Bệnh nhân bị ngộ độc cấp do thuốc ngủ gardenal, thuốc phiện, seduxen, aminazin, phospho hữu cơ;
  • Bệnh nhân bị rắn độc cắn đã bị nhiễm độc;
  • Bệnh nhược cơ, sốc nặng, hôn mê;
  • Tắc nghẽn đường hô hấp do phù phổi cấp, tắc đờm dãi và ngạt nước;
  • Đặt nội khí quản còn được sử dụng trong gây mê để phẫu thuật.

1.2. Chống chỉ định đặt nội khí quản đường mũi

Bệnh nhân đang có những biểu hiện và bệnh lý sau thì không nên thực hiện kỹ thuật đặt nội khí quản đường mũi:

  • Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý như: viêm mũi, phì đại cuống mũi, viêm xoang;
  • Bệnh rối loạn đông máu hay giảm tiểu cầu;
  • Sốt xuất huyết;
  • Chảy nước não tủy qua xương sàng;
  • Chấn thương mũi hàm.

2. Chuẩn bị trước khi đặt nội khí quản đường mũi


Hình ảnh ống nội khí quản
Hình ảnh ống nội khí quản

2.1 Cán bộ chuyên khoa

Kỹ thuật đặt nội khí quản đường mũi có thao tác hết sức đơn giản, tuy nhiên vẫn cần đến những bác sĩ là bác sĩ chuyên khoa I hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức có kinh nghiệm nhiều lần thực hiện thủ thuật để đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào xảy ra.

Ngoài ra cần thêm một bác sĩ chuyên khoa sơ bộ về hồi sức cấp cứu đã được đào tạo.

2.2 Phương tiện thực hiện

  • Ống nội khí quản có bóng chèn ở người lớn, có 3 kích cỡ lần lượt là 6.5mm, 7mm và 7.5mm;
  • Đèn soi thanh quản;
  • Nòng dẫn;
  • Bóng Ambu;
  • Máy hút đờm;
  • Ống nghe, máy đo huyết áp;
  • Monitor theo dõi nhịp tim (nếu có);
  • Sp02 (pulse oximeter);
  • Thuốc tê;
  • Oxy

2.3 Bệnh nhân

Trước khi thực hiện kỹ thuật đặt nội khí quản đường mũi, bác sĩ có trách nhiệm giải thích các thao tác làm và yêu cầu bệnh nhân hợp tác. Bệnh nhân trong quá trình đặt ống sẽ không nói được, đây là điều bác sĩ nhất định phải báo trước cho bệnh nhân. Sau đó đặt bệnh nhân theo tư thế nằm ngửa, ưỡn cổ.

3. Các bước tiến hành đặt nội khí quản đường mũi

Đầu tiên, tiến hành tiêm diazepam, midazolam tĩnh mạch, sau đó bôi mỡ xylocain quanh ống thông hoặc mỡ tronothane.

Luồn ống thông vào lỗ mũi bệnh nhân, mặt vát của ống hướng về phía cuốn mũi rồi đẩy nhẹ nhàng thẳng góc với mặt và dọc theo trần trên của sống mũi. Lúc nào thấy cảm giác đẩy nhẹ hẳn đi thì đấy là lúc ống thông đã vào đến họng. Nâng đoạn ống bên ngoài lên trên rồi đẩy ống xuống phía thanh môn.

Di chuyển nhẹ nhàng vị trí của ống, trong quá trình thực hiện chú ý nghe hơi thở của người bệnh đi qua ống. Tại vị trí hơi mạnh nhất là lúc ống thông đã đến trước thanh môn.

Đẩy nhanh ống vào sâu khi bệnh nhân bắt đầu hít vào. Nếu ống đi qua vị trí của thanh môn thì người bệnh sẽ ho nhưng mất tiếng. Đồng thời lúc này hơi từ phổi bệnh nhân phì mạnh qua ống, một số trường hợp có cả đờm phọt ra.

Nếu không thấy hơi phụt ra thì đặt ống nghe ở thượng vị thì bóp bóng Ambu, khi nghe thấy tiếng thổi là ống thông đã vào dạ dày. Rút lui ống thông và để người bệnh ưỡn cổ hơn.

Nếu không thấy hơi phụt ra, không nghe thấy tiếng thổi ở vùng thượng vị thì ống thông đã vào xoang lê. Rút lui ống thông, nhấc đầu người bệnh lên vừa đẩy ống thông vào sâu ở vị trí hơi phụt ra ngoài mạnh nhất. Nếu vẫn không có kết quả thì tiến hành lấy kẹp Magill kéo lưỡi ra ngoài miệng, sau đó tiếp tục kiểm tra bằng bóng Ambu xem hơi có vào đều cả hai phổi hay không.

Sử dụng dây vải buộc quanh đầu để cố định ống nội khí quản, một bên vòng qua vành tai phía trên, bên còn lại thì vòng qua vành tai phía dưới.

4. Theo dõi và xử trí tai biến sau khi thực hiện kỹ thuật


Để theo dõi và xử trí tai biến sau khi thực hiện kỹ thuật bệnh nhân nên kiểm tra chụp X-quang phổi
Để theo dõi và xử trí tai biến sau khi thực hiện kỹ thuật bệnh nhân nên kiểm tra chụp X-quang phổi

4.1 Theo dõi bệnh nhân sau khi đặt nội khí quản đường mũi

Kiểm tra chụp X-quang phổi thì vị trí của ống thông phải ở giữa hai đầu xương đòn. Nếu thấy phổi bị xẹp một bên thì phải rút lui ống thông vài cm rồi lắng nghe phổi cả hai bên. Thường xuyên kiểm tra vị trí của ống thông, có thể đánh dấu bằng vài vòng băng dính.

4.2 Xử trí những trường hợp có thể xảy ra

  • Chảy máu cam: giữ nguyên vị trí ống rồi nhỏ vài giọt thuốc co mạch như naphazoline vào mũi;
  • Bệnh nhân có biểu hiện viêm xoang sau 2 - 3 ngày, hoặc sốt, chảy nước mũi nhiều , có mủ thì cho sử dụng kháng sinh thích hợp;
  • Chảy máu do chấn thương họng, thanh môn, phù nề thanh môn thì sử dụng khí dung corticoid, tạm thời tháo bóng chèn khi làm khí dung, tạm thời ngừng thở máy trong khi khí dung, nếu có thể được;
  • Nhiễm khuẩn phổi - phế quản: sử dụng kháng sinh.

5.Chăm sóc bệnh nhân đặt ống nội khí quản đường mũi


Sủ dụng α-Chymotrypsin để làm loãng đờm ngoài ra và hạn chế nhiễm khuẩn
Sủ dụng α-Chymotrypsin để làm loãng đờm ngoài ra và hạn chế nhiễm khuẩn

  • Khi tỉnh thì cố định tay để bệnh nhân không tự rút ống;
  • Hút dịch máu ở họng và ống nội khí quản theo dõi và xử trí theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa;
  • Thực hiện hút đờm dãi 30 phút/lần, nhỏ vào ống nội khí quản 1ml dung dịch natri bicarbonat 14% hoặc α-Chymotrypsin để làm loãng đờm ngoài ra còn có tác dụng hạn chế nhiễm khuẩn;
  • Rửa ống hút đờm dãi rồi ngâm vào dung dịch sát khuẩn;
  • Theo dõi mạch đập, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở 1 giờ/ lần hoặc 3 giờ/lần theo hướng dẫn;
  • Đánh giá tình trạng bệnh nhân như mức độ tím tái hay ý thức sau khi đặt ống nội khí quản;
  • Theo dõi phát hiện tai biến và biến chứng nhất là hiện tượng tắc đờm trong ống nội khí quản;
  • Theo dõi thời gian lưu ống nội khí quản, nếu sau 48 giờ mà tình trạng bệnh nhân suy hô hấp vẫn còn thì có chỉ định mở khí quản.

Đặt nội khí quản qua đường mũi là thủ thuật đơn giản dễ làm tuy nhiên cũng phải chú ý những điều quan trọng trong quá trình thực hiện cũng như chăm sóc bệnh nhân. Trong trường hợp cấp cứu nên thực hiện nhanh chóng kịp thời tránh xảy ra tai biến do khai thông chậm đường nối hô hấp cho người bệnh.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe