Kiến thức cơ bản về rụng tóc

Rụng tóc nhiều trở thành vấn đề đau đầu của cả nam và nữ giới. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lý nào đó. Do vậy, tìm hiểu các thông tin về tóc và rụng tóc là điều vô cùng cần thiết.

1. Rụng tóc là gì? Các giai đoạn rụng tóc

Lông mọc ở khắp mọi nơi trên da người ngoại trừ những vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mí mắt và rốn. Nhiều bộ phận có sợi lông mịn đến mức hầu như chúng ta không thể nhìn thấy được.

Tóc được tạo thành từ một loại protein gọi là keratin được tạo ra trong các nang tóc ở lớp ngoài của da. Khi các nang lông tạo ra các tế bào lông mới, các tế bào cũ sẽ được đẩy ra ngoài qua bề mặt da với tốc độ khoảng 6 inch một năm. Tóc bạn có thể nhìn thấy thực chất là một chuỗi tế bào sừng chết. Da đầu người lớn trung bình có khoảng 100.000 đến 150.000 sợi tóc và có thể rụng 100 sợi mỗi ngày.

Có khoảng 90% các nang tóc vẫn phát triển hàng giờ. Mỗi nang có chu kỳ sống riêng có thể bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, bệnh tật và nhiều yếu tố khác. Vòng đời này được chia thành ba giai đoạn:

  • Anagen - sự phát triển của tóc thường kéo dài từ hai đến tám năm.
  • Catagen - sự phát triển tóc chuyển tiếp, kéo dài từ hai đến ba tuần.
  • Telogen - giai đoạn nghỉ ngơi, kéo dài khoảng hai đến ba tháng. Vào cuối giai đoạn nghỉ, tóc sẽ rụng đi, một sợi tóc mới thay thế và chu kỳ phát triển lại bắt đầu.

Khi con người già đi, tốc độ mọc tóc sẽ chậm lại.


Rụng tóc kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
Rụng tóc kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý.

2. Các loại rụng tóc

Một số loại rụng tóc:

  • Rụng tóc sinh lý là một tình trạng tự nhiên, tóc sẽ rụng và mỏng dần theo tuổi tác. Đến một thời điểm nào đó, nhiều nang tóc sẽ chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi. Vì thế, tóc sẽ trở nên ngắn và ít hơn.
  • Rụng tóc nội tiết tố nam là một tình trạng di truyền có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Nam giới mắc chứng này còn được gọi là chứng hói đầu ở nam giới. Cánh mày râu có thể bắt đầu bị rụng tóc ngay từ tuổi thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi. Nữ giới cũng có nguy cơ rụng tóc nội tiết tố sau tuổi 40. Họ thường bị mỏng trên toàn bộ da đầu với lượng tóc rụng nhiều nhất ở đỉnh đầu.
  • Rụng tóc từng mảng thường bắt đầu đột ngột và gây rụng tóc từng mảng ở trẻ em và thanh niên. Tình trạng này có thể dẫn đến hói đầu hoàn toàn (rụng tóc toàn thân). Nhưng ở khoảng 90% những người bị tình trạng này, tóc sẽ mọc trở lại trong vòng vài năm.
  • Rụng tóc toàn thân gây rụng toàn bộ lông trên cơ thể bao gồm lông mày, lông mi, lông mu.
  • Trichotillomania là một rối loạn tâm lý, trong đó, người bệnh sẽ tự nhổ tóc của mình dẫn đến tình trạng rụng tóc. Trẻ em là đối tượng dễ gặp trường hợp này nhất.
  • Telogen effluvium là hiện tượng tóc mỏng tạm thời trên da đầu, xảy ra do những thay đổi trong chu kỳ phát triển của tóc. Một số lượng lớn các sợi tóc bước vào giai đoạn nghỉ ngơi cùng một lúc, khiến tóc rụng và mỏng dần đi.
  • Rụng tóc có sẹo dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn. Các tình trạng da bị viêm như: Viêm mô tế bào, viêm nang lông, mụn trứng cá và các rối loạn da khác (như một số dạng bệnh lupus và lichen phẳng) thường dẫn đến sẹo phá hủy khả năng tái tạo của lông. Máy làm nóng tóc hoặc tết tóc quá chặt cũng có thể dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.

Nguyên nhân rụng tóc có thể do trẻ mắc bệnh lý trichotillomania.
Nguyên nhân rụng tóc có thể do trẻ mắc bệnh lý trichotillomania.

3. Nguyên nhân gây rụng tóc là gì?

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc rụng tóc như:

  • Nội tiết tố như nồng độ nội tiết tố androgen bất thường (nội tiết tố thường được sản xuất ở cả nam và nữ).
  • Di truyền từ bố mẹ ở cả nam và nữ có thể ảnh hưởng đến khuynh hướng hói đầu ở cả hai giới.
  • Căng thẳng, bệnh tật và mang thai đều có nguy cơ gây rụng tóc tạm thời. Bệnh hắc lào do nhiễm nấm cũng có thể gây rụng tóc.
  • Các loại thuốc như: Thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị ung thư, thuốc làm loãng máu, thuốc chẹn beta-adrenergic được sử dụng để kiểm soát huyết áp và thuốc tránh thai,... đều có thể gây rụng tóc tạm thời.
  • Bỏng, chấn thương và tia X có thể gây rụng tóc tạm thời. Trong những trường hợp như vậy, sự phát triển bình thường của tóc thường trở lại sau khi vết thương lành lặn, trừ khi có sẹo thì tóc sẽ không bao giờ mọc lại.
  • Người mắc các bệnh tự miễn dịch có thể gây ra rụng tóc từng mảng. Với chứng rụng tóc từng mảng, hệ thống miễn dịch hoạt động không rõ lý do và ảnh hưởng đến các nang tóc. Điều này xảy ra ở hầu hết những người bị rụng tóc từng vùng.
  • Các quá trình gội đầu quá thường xuyên, uốn tóc, tẩy và nhuộm tóc có thể khiến tóc mỏng hơn. Nguyên nhân là do các kỹ thuật này khiến tóc yếu và dễ gãy. Mặt khác, việc bện chặt, sử dụng lô cuốn hoặc dụng cụ uốn tóc nóng cũng có thể làm tóc hư tổn và gãy rụng. Tuy nhiên, các tình trạng này cũng không quá nghiêm trọng bởi tóc có thể mọc lại bình thường.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp, lupus, tiểu đường, thiếu máu do thiếu sắt, rối loạn ăn uống và thiếu máu có thể bị rụng tóc. Ở hầu hết các trường hợp, khi tình trạng cơ bản được điều trị, tóc sẽ mọc trở lại. Trừ khi có sẹo như một số dạng lupus, lichen phẳng hoặc rối loạn nang lông,... thì tóc không mọc lại.
  • Chế độ ăn ít protein hoặc chế độ ăn hạn chế calo cũng tăng nguy cơ gây rụng tóc tạm thời.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về rụng tóc như: Vòng đời của tóc, các loại rụng tóc và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn có những biện pháp phòng ngừa rụng tóc để sở hữu được mái tóc chắc khỏe. Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe