Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mất thính lực hoặc nặng tai đều là những tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi. Việc kiểm tra thính lực có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm các vấn đề về thính giác, từ đó đưa ra những biện pháp cải thiện cũng như khắc phục kịp thời trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn.
1. Kiểm tra thính giác là gì?
Kiểm tra thính lực có thể giúp đánh giá khả năng nghe của bạn. Thính giác bình thường sẽ có các sóng âm thanh truyền vào tai, làm cho màng nhĩ rung lên. Sự rung động này giúp các sóng di chuyển đến tai và kích hoạt các tế bào thần kinh gửi thông tin âm thanh tới não của bạn. Thông tin này sẽ được não dịch sang các âm thanh mà bạn nghe được.
2. Mất thính giác xảy ra khi nào?
Mất thính lực xảy ra khi bạn có các vấn đề với một hoặc nhiều bộ phận của tai, các dây thần kinh bên trong tai hoặc phần não giữ chức năng kiểm soát thính giác.
Dưới đây là 3 dạng mất thính lực chính, bao gồm:
2.1 Điếc thần kinh
Loại mất thính lực này xảy ra khi có vấn đề với cấu trúc của tai hoặc các dây thần kinh kiểm soát thính giác. Nó có thể xuất hiện ngay từ khi bạn mới chào đời hoặc vào thời điểm muộn trong cuộc đời.
Điếc thần kinh thường là một tình trạng vĩnh viễn, có thể tiến triển từ nhẹ (nặng tai) cho đến trầm trọng (không nghe được bất kỳ âm thanh nào).
2.2 Dẫn truyền
Loại mất thính lực này có thể xảy ra do sự tắc nghẽn đường truyền âm thanh vào tai. Nó có xu hướng xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường do có dịch trong tai hoặc nhiễm trùng tai.
Suy giảm thính lực dẫn truyền là một tình trạng sức khoẻ không đáng lo ngại và có thể điều trị được.
2.3 Hỗn hợp
Hỗn hợp là sự kết hợp của cả điếc thần kinh và suy giảm thính lực dẫn truyền.
Nặng tai hoặc nghe kém là những trường hợp thường xảy ra phổ biến ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu cho thấy, có khoảng 1/3 số người lớn ở độ tuổi từ 65 trở lên bị mất thính giác, thường thuộc loại điếc thần kinh. Nếu bạn được chẩn đoán mất thính lực, hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt về các bước giúp điều trị hoặc kiểm soát tình trạng này.
3. Vì sao cần kiểm tra thính giác?
Hiện nay việc kiểm tra thính giác cho người lớn được sử dụng rộng rãi nhằm giúp xác định các vấn đề về thính lực cũng như mức độ nghiêm trọng của nó. Có nhiều nguyên nhân gây mất thính lực ở người lớn, bao gồm:
- Thường xuyên làm việc ở nơi có tiếng ồn lớn
- Cắt cỏ hoặc sử dụng các công cụ điện liên tục
- Bắn súng hoặc sử dụng các loại vũ khí gây tiếng ồn lớn khác
- Quá nhiều ráy tai
- Nghe âm nhạc với loa lớn
- Bị đánh vào đầu
- Nhiễm trùng
- Sử dụng một số loại thuốc
- Có những thành viên trong gia đình mắc các vấn đề về thính giác.
Không phải tất cả mọi người đều nhận ra bản thân đang có vấn đề về thính lực. Thậm chí, bạn có thể không biết mình bị mất thính giác vì nó thường là một quá trình diễn ra từ từ. Đây cũng là lý do vì sao bạn nên đi kiểm tra thính lực ngay cả khi không có vấn đề đáng chú ý nào về thính giác.
4. Khi nào cần kiểm tra thính lực
Việc kiểm tra thính giác cho người lớn tuổi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị sớm chứng nặng tai hoặc mất thính lực. Bạn có thể cần thực hiện một bài kiểm tra thính lực khi có các triệu chứng sau đây:
- Khó hiểu những gì mà người khác đang nói, đặc biệt là trong môi trường có nhiều tiếng ồn
- Thường xuyên yêu cầu người khác lặp lại những điều mà họ vừa nói
- Cảm thấy khó khăn khi nghe âm thanh có cường độ cao
- Cần tăng âm lượng khi nghe đài hoặc xem ti vi
- Cảm giác ù tai.
5. Kiểm tra thính lực được thực hiện như thế nào?
Kiểm tra thính lực có thể được thực hiện bởi những chuyên gia sau đây:
- Chuyên gia thính học, người chuyên về chẩn đoán, điều trị và quản lý tình trạng mất thính lực
- Bác sĩ tai mũi họng (ENT), chuyên điều trị cho các bệnh hoặc một số tình trạng về tai, mũi và họng.
Hầu hết các bài kiểm tra thính giác cho người lớn đều nhằm xác định xem phản ứng của bệnh nhân với các âm hoặc từ được phân phối ở những âm lượng, cao độ hoặc môi trường tiếng ồn khác nhau. Chúng được gọi chung là các bài kiểm tra âm thanh, bao gồm:
5.1 Các phép đo phản xạ âm thanh
Các phép đo phản xạ âm thanh còn được biết đến với tên gọi khác là phản xạ cơ tai giữa (MEMR), giúp kiểm tra mức độ phản ứng của tai với âm thanh lớn.
Đối với thính giác bình thường, một cơ nhỏ bên trong tai sẽ thắt lại khi bạn nghe thấy tiếng động lớn, được gọi chung là phản xạ âm học. Trong quá trình thực hiện đo phản xạ âm thanh, bác sĩ sẽ đặt một đầu cao su mềm vào bên trong tai bạn.
Sau đó, một loạt âm thanh lớn được gửi đi và ghi lại vào máy. Máy sẽ hiển thị khi âm thanh đã kích hoạt phản xạ. Nếu bạn bị mất thính lực nặng sẽ cần đến âm thanh rất lớn để có thể kích hoạt phản xạ.
5.2 Đo thính lực
Trong quá trình kiểm tra thính lực này, bạn sẽ cần thực hiện các bước sau đây:
- Đeo tai nghe và một loạt âm báo sẽ được gửi đến tai nghe của bạn
- Chuyên gia thính học sẽ thay đổi cao độ và độ to của âm thanh tại nhiều điểm khác nhau trong quá trình kiểm tra thính lực. Tại một số điểm nhất định, âm thanh có thể khó nghe được.
- Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn trả lời bất cứ khi nào mà bạn nghe thấy âm báo. Bạn có thể phản ứng lại bằng cách nhấn nút hoặc giơ tay.
- Đo thính lực giúp tìm ra những âm thanh yên tĩnh nhất mà bạn có thể nghe được ở các cao độ khác nhau.
5.3 Âm thoa
Âm thoa là một thiết bị kim loại bao gồm 2 đầu và có thể phát ra âm thanh khi dao động. Dưới đây là quá trình kiểm tra thính lực bằng âm thoa:
- Chuyên gia thính học sẽ đặt âm thoa sau tai hoặc trên đỉnh đầu của bạn, sau đó tác động vào nó để phát ra âm thanh.
- Bạn sẽ thông báo cho bác sĩ bất cứ khi nào nghe thấy âm báo ở các âm lượng khác nhau hoặc các âm thanh ở tai trái, phải và cả 2 tai
- Tuỳ thuộc vào vị trí của âm thoa và cách mà bạn phản ứng lại, bài kiểm tra thính giác cho người lớn này có thể cho biết liệu bạn có bị mất thính lực ở một hoặc cả 2 tai không. Ngoài ra, nó cũng cho biết bạn đang mắc phải loại khiếm thính nào.
5.4 Các bài kiểm tra giọng nói và nhận dạng từ
Các bài kiểm tra giọng nói và nhận dạng từ giúp xác đánh giá khả năng nghe ngôn ngữ của bạn:
- Sau khi bạn đã đeo tai nghe, bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn qua tai nghe và yêu cầu lặp lại một loạt các từ đơn giản được nói với những âm lượng khác nhau.
- Bác sĩ sẽ ghi âm giọng nói nhẹ nhàng nhất mà bạn có thể nghe được
- Một số bài kiểm tra thính lực này có thể được thực hiện trong môi trường ồn ào, vì nhiều người bị nặng tai hay khiếm thính thường khó nghe thấy giọng nói ở những nơi như vậy.
5.5 Đo màng nhĩ
Đo màng nhĩ là một loại kiểm tra thính lực khác. Chuyên gia thính học sẽ đặt một thiết bị nhỏ bên trong ống tai của bạn. Thiết bị này sẽ đẩy không khí vào tai và làm cho màng nhĩ di chuyển qua lại. Thông qua việc đo màng nhĩ sẽ giúp xác nhận xem liệu bạn có bị nhiễm trùng tai hay có các vấn đề khác như rách màng nhĩ hoặc tích tụ chất lỏng ở màng nhĩ hay không?.
6. Ý nghĩa của kết quả kiểm tra thính lực
Kết quả của bài kiểm tra thính lực sẽ cho biết bạn có bị khiếm thính hay không, đồng thời giúp xác định loại mất thính lực mà bạn mắc phải. Nếu bạn được chẩn đoán bị điếc thần kinh, kết quả sẽ biểu thị các cấp độ của tình trạng mất thính lực, bao gồm:
- Nhẹ: Bạn không thể nghe thấy một số âm thanh nhất định, chẳng hạn như âm quá thấp hoặc quá cao.
- Trung bình: Không thể nghe thấy nhiều âm thanh, chẳng hạn như giọng nói trong môi trường ồn ào.
- Nặng: Không thể nghe thấy hầu hết các âm thanh
- Nghiêm trọng: Bạn không thể nghe thấy bất kỳ âm thanh nào.
Việc điều trị và quản lý tình trạng điếc thần kinh sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Nếu bạn được chẩn đoán bị mất thính giác dẫn truyền, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật, dựa trên nguyên nhân gây mất thính giác.
7. Điều trị tình trạng mất thính lực
Nhiều người lớn tuổi bị mất thính lực có xu hướng trốn tránh các tình huống xã hội, dẫn đến cô lập và trầm cảm. Mặc dù mất thính lực ở người lớn tuổi thường tồn tại vĩnh viễn, nhưng có nhiều cách giúp kiểm soát tình trạng này, bao gồm:
- Máy trợ thính: Là một thiết bị được đeo ở bên trong hoặc sau tai. Máy trợ thính sẽ làm khuếch đại âm thanh để bạn có thể nghe thấy.
- Ốc tai điện tử: Bác sĩ có thể cho bạn thực hiện phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử. Phương pháp điều trị này thường được sử dụng cho những người mất thính lực nghiêm trọng và dùng máy trợ thính không mang lại hiệu quả. Ốc tai điện tử có thể truyền trực tiếp âm thanh đến dây thần kinh thính giác.
- Phẫu thuật: Một số dạng mất thính lực có thể được điều trị bằng phẫu thuật, bao gồm các vấn đề về màng nhĩ hoặc các xương nhỏ bên trong tai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Medlineplus.gov, webmd.com