Tình trạng cholesterol cao trong máu không chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, béo phì, hoặc cao huyết áp. Do đó, việc sàng lọc cholesterol cho trẻ là một bước vô cùng cần thiết, góp phần ngăn ngừa sớm những nguy cơ này.
1. Tình trạng cholesterol cao ở trẻ em
Tình trạng cholesterol cao trong máu không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có thể mắc phải vấn đề này. Khi mức cholesterol cao quá mức cho phép có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, nhất là các vấn đề về tim mạch khi trẻ dần trưởng thành hơn.
Khi cơ thể tích tụ quá nhiều cholesterol sẽ làm hình thành nên các mảng bám xơ vữa trên thành động mạch – nơi cung cấp máu đến tìm cùng các cơ quan trọng yếu khác trong cơ thể. Lâu dần, những mảng xơ vữa này sẽ gây hẹp các động mạch và làm tắc nghẽn sự lưu thông của dòng máu chảy đến cơ tim và não bộ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.
2. Nguyên nhân khiến tăng cholesterol ở trẻ em
Nhìn chung, nguyên nhân khiến làm tăng lượng cholesterol vượt quá mức cho phép trong máu ở trẻ em thường bao gồm:
- Yếu tố di truyền: nếu cha mẹ có mức cholesterol thì con cái của họ cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này.
- Chế độ ăn uống: khi trẻ ăn quá nhiều chất béo không lành mạnh, đặc biệt là các chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa cũng có thể làm tăng lượng đáng kể lượng cholesterol trong máu (cholesterol xấu LDL).
- Bệnh lý: chẳng hạn như béo phì
- Lối sống không lành mạnh: bao gồm ít vận động, không tập thể dục.
3. Kiểm tra cholesterol ở trẻ em
Hiện nay, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đưa ra một khuyến nghị mới về việc kiểm tra nồng độ cholesterol ở trẻ em. Khuyến nghị này tập chung chủ yếu đến một số trẻ em ở độ tuổi từ 2-10, hoặc một số trẻ một tuổi uống sữa ít béo (2%) thay vì sữa nguyên chất.
Nếu bạn nhận thấy rằng những khuyến cáo này có thể áp dụng cho con mình, hãy theo dõi chính sách mới của AAP dưới đây. Chính sách mới này đã được xuất bản trên tạp chí “Pediatrics” vào tháng 7 năm 2008.
Chính sách của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ là “Sàng lọc Lipid và sức khỏe tim mạch cho trẻ em”. Đây là những khuyến nghị về việc điều trị và sàng lọc cholesterol ở trẻ em và thanh thiếu niên có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc đơn giản là có mức cholesterol cao. Ngoài ra, nó cũng khuyến nghị áp dụng sàng lọc cho những bệnh nhân không rõ tiền sử gia đình hoặc những người có các yếu tố nguy cơ khác dẫn đến bệnh tim, chẳng hạn như cao huyết áp, béo phì hoặc tiểu đường.
Việc sàng lọc cholesterol nên được thực hiện sớm ngay sau khi trẻ được 2 tuổi, nhưng không nên muộn hơn 10 tuổi. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất để kiểm tra mức cholesterol ở trẻ nhỏ là xét nghiệm lipid lúc đói. Nếu xét nghiệm này cho kết quả bình thường, bạn nên cho bé thực hiện lặp lại xét nghiệm sau 3-5 năm.
Đối với trẻ em trên 8 tuổi và có nồng độ LDL cholesterol trong máu cao thì nên cân nhắc sử dụng thuốc giảm cholesterol. Đối với những người trẻ tuổi có chỉ số cholesterol cao nên tập trung chủ yếu vào việc giảm cân và tăng cường các hoạt động thể chất trong khi áp dụng các tư vấn về dinh dưỡng từ chuyên gia. Việc sử dụng các sản phẩm sữa ít chất béo cũng được khuyến cáo cho những bệnh nhân có mức cholesterol cao, bao gồm sữa 2% cho trẻ dưới 1 tuổi, hoặc những người mắc phải tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động.
4. Làm thế nào để kiểm soát mức cholesterol cao ở trẻ em?
Một trong những cách giúp kiểm soát hiệu quả được mức cholesterol cao trong máu cho cả trẻ em và gia đình bạn là tập trung chủ yếu vào một chế độ ăn kiêng hợp lý kết hợp thực hiện các chương trình tập luyện thể chất khác. Những biện pháp này thường bao gồm:
Chế độ ăn uống lành mạnh: một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa sẽ giúp làm giảm đáng kể được lượng cholesterol cao. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, một đứa trẻ chỉ nên tiêu thụ tổng lượng chất béo sao cho bằng khoảng 30% tổng lượng calo hàng ngày. Tuy nhiên, nó không được áp dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên chú trọng bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm bột yến mạch, trái cây, ngũ cốc không đường, sữa chua ít béo, sữa 2%, sữa gầy. Bên cạnh đó, nên tránh cho trẻ ăn các đồ chiên rán, uống soda hoặc đồ ăn nhanh.
Chế độ luyện tập thể chất: bên cạnh việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bạn cũng nên khuyến khích trẻ tham gia rèn luyện thể chất thường xuyên hơn, chẳng hạn như tập aerobic, chạy bộ, đi xe đạp, hoặc bơi lội. Điều này sẽ giúp nâng cao mức cholesterol tốt HDL trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com