Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bị bệnh vảy nến bàn tay có nhiều tác động đến cuộc sống của bạn hơn vì bạn phải sử dụng bàn tay để giao tiếp và thực hiện công việc. Các mảng vảy nến da tay cũng có thể bị nứt và chảy máu khi rửa tay. May mắn thay, có các biện pháp giúp kiểm soát bệnh vảy nến trên bàn tay.
1. Tại sao bàn tay cần được chăm sóc đặc biệt?
Cũng giống như bệnh vảy nến ở những nơi khác trên cơ thể, bệnh vảy nến ở tay có thể làm cho da đỏ ửng lên, với các mảng vảy có thể nứt ra, gây đau và chảy máu. Khoảng 12–16% những người bị bệnh vảy nến bị vảy nến bàn tay, chân hoặc móng tay. Các triệu chứng khác của bệnh vảy nến ở tay có thể bao gồm:
- Nứt da
- Đau
- Sự chảy máu
- Da dày lên
- Ngứa
- Khô da
- Da ửng đỏ
- Đóng vảy mịn với các vảy trắng bạc ở móng tay
Một người bị bệnh vảy nến ở móng tay có thể nhận thấy những thay đổi sau:
- Dày móng
- Bong móng tay
- Rổ hõng móng và gờ trên móng tay
Nếu bạn làm các công việc cần rửa tay thường xuyên thì nguy cơ bị các đợt vảy nến bàn tay cao hơn.
2. Các biện pháp giúp kiểm soát bệnh vảy nến trên bàn tay
2.1. Dưỡng ẩm hàng ngày
Dùng kem dưỡng ẩm cho da tay mỗi ngày giúp làm giảm mẩn đỏ, bảo vệ da và giúp vết thương mau lành. Bạn nên sử dụng các sản phẩm không có mùi. Lưu ý là chọn các sản phẩm có khả năng giữ nước tốt như thuốc mỡ hoặc kem đặc thay vì kem dưỡng da. Bạn hãy luôn dưỡng ẩm sau khi tắm, rửa tay hoặc rửa bát để kiểm soát vảy nến lòng bàn tay.
2.2. Đừng nán lại trong bồn
Tắm nước nóng và tắm lâu có thể làm khô tay và làm cho các triệu chứng vảy nến tồi tệ hơn. Bạn nên tắm không quá một lần mỗi ngày và tắm trong thời gian ngắn (5 phút dưới vòi hoa sen và 15 phút trong bồn tắm).
Sử dụng nước ấm nhưng không quá nóng và xà phòng dành cho da nhạy cảm. Bỏ qua xơ mướp và khăn mặt vì chúng có thể làm khô tay bạn. Sau khi hoàn tất, dùng khăn vỗ nhẹ lên da và thoa kem khi tay vẫn còn ẩm.
2.3. Giữ cho bàn tay ấm và khô
Găng tay có thể giúp tay bạn không bị khô khi ở ngoài trời trong thời tiết se lạnh. Nếu có thể, hãy chọn kiểu làm từ sợi tự nhiên, mềm mại như bông vì nó ít làm cho bệnh vảy nến nặng hơn so với găng tay làm bằng len. Giặt găng tay bằng xà phòng giặt không có mùi thơm và bỏ qua nước xả vải vì có thể khiến tay tình trạng vảy nến bàn tay tệ hơn.
2.4. Sử dụng thuốc điều trị da
- Kem Steroid: Kem corticosteroid (steroid) là một phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh vảy nến nhẹ; giúp cải thiện tình trạng bị viêm, đỏ. Tuy nhiên, sử dụng kem steroid kéo dài làm mỏng da, vì vậy tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn.
- Axit salicylic: chất này có trong một số loại kem trị mụn, giúp da loại bỏ tế bào chết nhanh chóng hơn và làm cho bàn tay trông mịn hơn và ít vảy hơn.
- Nhựa than: Nhựa than đá được làm từ than đá hoặc một số loại gỗ. Cơ chế của nó là làm chậm sự phát triển của các tế bào da nên giúp bàn tay bớt ngứa, viêm và đỏ hơn. Tuy nhiên, nhựa than có thể khó sử dụng, làm ố quần áo và tóc. Một số người phàn nàn về mùi mạnh của nó. Lưu ý rằng nhựa than đá không an toàn để sử dụng nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú.
2.5. Ánh sáng mặt trời
Một chút ánh nắng mặt trời sẽ giúp thiện tình trạng vảy nến trên tay nhờ tia cực tím (UV) tự nhiên làm chậm hoạt động của các tế bào da. Dành thời gian ra ngoài hàng ngày và bạn có thể nhận thấy vảy nến lòng bàn tay được cải thiện dần. Tuy nhiên, đừng lạm dụng nó vì quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể làm cho bệnh vảy nến của bạn trở nên tồi tệ hơn.
2.6. Liệu pháp ánh sáng
Nếu bác sĩ cho rằng ánh sáng nhiều hơn những gì bạn nhận được bên ngoài có thể giúp ích cho đôi tay của bạn, họ có thể đề nghị bạn thử "liệu pháp ánh sáng". Tại phòng khám của bác sĩ, bạn sẽ nhận được những chùm tia UV ngắn từ nguồn sáng đặc biệt hoặc tia laser. Nó không đau, nhưng bạn có thể cần vài buổi trước khi bắt đầu nhận thấy sự khác biệt.
2.7. Chăm sóc móng tay
Khoảng một phần ba số người bị bệnh vảy nến nhận thấy những thay đổi trên móng tay của họ. Bạn có thể thấy rỗ, lỗ hoặc thay đổi màu sắc và móng tay cũng có thể bắt đầu lỏng lẻo. Giữ móng tay ngắn để bảo vệ chúng và mang găng tay cao su khi bạn dọn dẹp, nấu nướng hoặc rửa bát đĩa. Nếu bạn đã có vấn đề về móng, hãy đeo bông lót bên dưới găng tay để được chăm sóc thêm.
2.8. Kiểm soát các yếu tố làm nặng tình trạng vảy nến
Một số tác động phổ biến có thể gây ra bệnh vảy nến là căng thẳng, bị ốm (như viêm họng do liên cầu khuẩn) và một số loại thuốc. Nhiều người cũng cảm thấy rằng những gì họ ăn, dị ứng và thời tiết làm cho bàn tay bị viêm nhiễm nhiều hơn. Chú ý các yếu tố tác động khiến vảy nến bàn tay xuất hiện để phòng tránh.
2.9. Tránh vết cắt, vết xước và vết bọ cắn
Bất cứ thứ gì gây hại cho da tay đều có thể khiến bệnh vảy nến ở tay bùng phát. Nếu bạn bị đứt tay, hãy làm sạch và chăm sóc nó ngay lập tức. Cố gắng không cạy vảy. Nếu bạn bị vết cắn của bọ ngứa, hãy cố gắng hết sức để không gãi vì việc gãi làm cho bệnh vảy nến tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn hãy dùng một miếng gạc lạnh để xoa dịu.
2.10. Nhẹ nhàng làm bong vảy
Mặc dù tắm bằng vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước nóng sẽ làm khô tay của bạn, nhưng ngâm tay nước ấm có thể giúp bạn nhẹ nhõm hơn. Cho dầu tắm, bột yến mạch hoặc muối Epsom vào một bát nước và ngâm tay để giúp bong tróc da có vảy và giảm ngứa. Chỉ nên ngâm trong vài phút, sau đó dùng khăn nhẹ nhàng vỗ nhẹ nước ra khỏi tay và dưỡng ẩm ngay khi có thể.
2.11. Thuốc điều trị vảy nến
Bệnh vảy nến là một tình trạng của hệ thống miễn dịch, vì vậy nếu các phương pháp điều trị ngoài da không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc ảnh hưởng đến bệnh ở cấp độ tế bào. Bao gồm các:
- Cyclosporine: có tác dụng làm ức chế hệ thống miễn dịch
- Retinoids liều thấp như acitretin (Soriatane): để giảm sự nhân lên của tế bào
- Methotrexate: làm chậm một loại enzyme gây ra sự phát triển nhanh chóng của tế bào da trong bệnh vảy nến.
Khi sử dụng các thuốc này, bạn có thể thấy bệnh vảy nến ở tay được cải thiện trong vòng một hoặc hai tháng, nhưng chúng có tác dụng phụ nghiêm trọng và không phải là lựa chọn tốt cho tất cả mọi người.
Như vậy, có thể mất một thời gian để kiểm soát bệnh vảy nến trên tay. Không có phương pháp điều trị duy nhất nào phù hợp với tất cả mọi người và bạn cần thử một vài cách khác nhau trước khi bàn tay của bạn bắt đầu ổn hơn. Theo dõi những thay đổi bạn thực hiện và phương pháp điều trị bạn thử, cũng như kết quả bạn nhận được. Điều này sẽ giúp bạn và bác sĩ quyết định các bước tiếp theo trong quá trình điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com